Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những “sai lầm” của kỳ thi tốt nghiệp

(DS&PL) -

Các nhà giáo lâu năm cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp năm nay thành công với những đề thi hay, ý nghĩa. Tuy nhiên, quy định lựa chọn môn thi lại khiến học sinh học lệch

Các nhà giáo lâu năm cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp năm nay thành công với những đề thi hay, ý nghĩa. Tuy nhiên, quy định lựa chọn môn thi lại khiến học sinh học lệch và gây lãng phí cho xã hội.

Học lệch, học tủ

PGS Văn Như Cương đánh giá kỳ thi tốt nghiệp được Bộ Giáo dục kỳ vọng tạo khâu đột phá cho cuộc đánh lớn "đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam" chưa thành công. Nguyên nhân là khi thực hiện mới phát hiện ra những sai lầm.

Theo thầy Cương, để thí sinh có quyền tự chọn hai môn thi là một sai lầm cơ bản. Những năm trước thí sinh phải làm bài 6 môn thi bắt buộc, trong đó có ba môn mặc định là Toán, Văn và Ngoại ngữ, ba môn thay đổi theo từng năm. Còn năm nay thí sinh chỉ phải thi hai môn bắt buộc là Toán, Văn và thi hai môn tự chọn trong số: Lý, Hóa, Sinh, Sử , Địa, Ngoại ngữ. Điều này đã dẫn đến việc có những môn cả trường không có hoặc chỉ có một thí sinh đăng ký dự thi.

Thầy Văn Như Cương cho rằng, để thí sinh tự chọn hai môn là sai lầm căn bản. Ảnh: K.T

“Nếu quyết định này được kéo dài trong nhiều năm tiếp thì sẽ khuyến khích học sinh học lệch - điều mà chúng ta đang cố sức xóa bỏ. Một học sinh vào lớp 10 sẽ khẳng định chỉ cần học tốt 4 môn Toán, Văn (bắt buộc) và hai môn mình tự chọn (chẳng hạn là Lý, Hóa), còn các môn khác cứ “làng nhàng” là xong”, thầy Cương nhận định.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử của trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng nhận định, với việc cho học sinh tự chọn môn thi, ngoài hai môn bắt buộc đa số đều lựa chọn môn liên quan đến khối thi vào đại học, cao đẳng. Để thi tốt nghiệp các em chỉ cần học thêm một môn nữa là đủ.

Với kiểu học để thi như vậy, học sinh thi khối tự nhiên hầu như không quan tâm đến Lịch sử, Địa lý. Còn học sinh thi các khối xã hội thì không biết gì về Vật lý, Hóa học, Sinh học…

"Bộ Giáo dục có thể cho thí sinh tự chọn môn thi, nhưng đó là chọn trong hai khối bắt buộc là tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh) và xã hội (Sử - Địa - Ngoại ngữ) hoặc có thể chỉ công bố môn thi trước một tháng", thầy Hiếu đề xuất.

Tốn kém và lãng phí

PGS Văn Như Cương cho rằng, một tiêu chí của đổi mới thi cử lần này là giảm áp lực, căng thẳng cho thí sinh, cho xã hội, cho việc tổ chức thi. Nhưng tiêu chí này hoàn toàn không đạt vì trước kia thi ba ngày, nay thi hai ngày rưỡi. Trước kia Hội đồng coi thi phải coi 6 môn thi, nay phải coi 8 môn thi. Oái ăm là có môn thi chỉ một thí sinh mà cả hội đồng thi vẫn phải làm việc. Trước kia phải ra đề thi cho 6 môn thì nay phải ra cho 8 môn.

Theo khảo sát của thầy Trần Trung Hiếu, với cách đổi mới tổ chức thi như vậy, từ khâu ra đề, in danh sách dự thi và các ấn phẩm khác liên quan đến kỳ thi, khâu coi thi, chấm thi... cũng gây tốn kém hơn năm trước. Bản thân là người đi coi thi, thầy rất xót của khi cả một Hội đồng hàng chục người gồm lãnh đạo, thư ký, cán bộ trong và ngoài phòng thi, bảo vệ, phục vụ chỉ một thí sinh thi môn Lịch sử.

"Nhiều giám thị không lên phòng thi, phải ngồi trong phòng họp chờ thí sinh thi xong mới được về. Ai cũng mệt mỏi", thầy Hiếu kể.

Xem nhẹ Lịch sử

Nhiều năm dạy học sinh chuyên Sử, thầy Hiếu băn khoăn các bậc quản lý giáo dục có suy nghĩ gì khi quá ít học sinh chọn thi môn Sử. Theo thầy, không thi môn Lịch sử là sự lựa chọn “khôn ngoan” của các thí sinh, nhưng đó là sự báo động về tinh thần học Sử.

Khi học sinh không thi Sử, tất yếu sẽ không học Sử, hoặc thờ ơ, đối phó. Theo thầy Hiếu, điều này không thể đổ lỗi cho học sinh vì trong thời đại kinh tế thị trường các em phải tính toán lựa chọn để đạt được kết quả tối ưu nhất.

"Sẽ thế nào nếu tương lai của Tổ quốc chỉ giỏi Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ nhưng lại mơ hồ về lịch sử dân tộc. Những thế hệ đó sẽ đưa đất nước Việt Nam đi đến đâu và theo hướng nào?", thầy Hiếu đặt câu hỏi.

Nếu tương lai chỉ có thanh niên giỏi Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ mà dốt lịch sử dân tộc thì đất nước sẽ đi đến đâu?. Ảnh: Q.Đ

PGS Văn Như Cương cho rằng, Bộ GD&ĐT cần cầu thị và tiếp thu một cách nghiêm túc ý kiến phản biện của các giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội, thận trọng để đưa ra và lựa chọn phương án tốt nhất cho năm sau. Mục đích là thi cử nhẹ nhàng, nhưng cũng phải bảo đảm để đánh giá được năng lực toàn diện của học sinh, không để các em học lệch, học tủ.

Còn thầy Trần Trung Hiếu thì kiến nghị, đổi mới giáo dục là một quá trình nhưng phải thận trọng và chủ động. Đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ quan điểm đổi mới đến chương trình, nội dung sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy và học đến đổi mới kiểm tra, đánh giá và khâu cuối cùng mang tính quyết định là cách thức tổ chức thi, ra đề thi, chấm thi.

Tin nổi bật