(ĐSPL) – Liên quan đến việc lấy ý kiến đóng góp về dự thảo thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thay cho 6 môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh ý kiến ủng hộ về chủ trương này, vẫn còn nhiều người ái ngại.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lo học sinh học lệch
Tại Hội nghị Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013 – 2014 khối Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc đổi mới thi từ 6 môn thành 4 môn giúp học sinh đang gánh nặng 60kg bỏ đi 20kg. Tuy nhiên, Phó thủ tướng đồng thời bày tỏ băn khoăn là các em có thể học lệch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lo ngại học sinh sẽ học lệch |
Phó Thủ tướng chỉ đạo, cần phải tính toán chặt chẽ, thận trọng trong đổi mới thi cử và “đừng để học sinh năm nào cũng hồi hộp không biết năm nay thi như thế nào, thi môn gì khi chỉ còn mấy tháng nữa là đến kỳ thi”.
Cũng theo Phó Thủ tướng, ngành giáo dục cần nghiêm túc nhìn vào những yếu kém, lấy đổi mới thi cử là đột phá thì cần tính toán chặt chẽ để bảo đảm thi không căng thẳng nhưng phải đánh giá được thực chất.
Giáo sư Văn Như Cương: Thi tốt nghiệp 4 môn giảm tải không được là bao
Giáo sư Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) luôn ủng hộ việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT 4 môn song ông cũng nhận định nếu tính kĩ, việc giảm tải này không được là bao.
Giáo sư Văn Như Cương |
Trả lời trên tờ báo Gia đình và xã hội, Giáo sư phân tích, ở phương án một, thí sinh thi 4 môn bao gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Thực chất phương án này, nhiều học sinh vẫn sẽ thi 5 môn do Ngoại ngữ không bắt buộc thi nhưng lại là môn cộng thêm điểm. Như thế, tâm lý học sinh sợ điểm thấp hoặc không đủ điểm tốt nghiệp nên cũng cố thi vì không mất gì mà vẫn được thêm điểm. Còn đối với phương án hai (thí sinh phải thi 5 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn), thì phương án này không thay đổi nhiều so với trước đây vì chỉ giảm tải được một môn thi.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Ngoại ngữ nên là môn thi bắt buộc
Giáo sư Thuyết cũng ủng hộ việc Bộ Giáo dục đã lắng nghe ý kiến của người dân và có dự kiến đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT song ông vẫn thấy sự thay đổi này của Bộ còn không rõ ràng và Giáo sư đã chia sẻ ý kiến vì sao ngoại ngữ nên là môn thi bắt buộc trên tin tức Một thế giới như sau:
“Trong một thế giới hội nhập như hiện nay, học sinh không thể không giỏi ngoại ngữ. Nếu ngoại ngữ là môn được quy định trong chương trình thì phải làm thế nào để dạy cho chuẩn. Thi cũng là một cách tác động để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các địa phương khác nhau.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết |
Trong khi chấp nhận tình trạng ngoại ngữ yếu kém ở cấp THPT như một hiện tượng không thể khắc phục, chúng ta lại đầu tư vào một chương trình quốc gia đồ sộ dạy ngoại ngữ từ lớp 3 thì thật là khó hiểu.”
GS.VS Phạm Minh Hạc: Đừng để học sinh không biết đâu mà lần
Cũng trên báo Gia đình và Xã hội, Giáo sư - Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ: “Sau phương án thi 4 môn này, học sinh sẽ thi thế nào vì cũng không thể thi 4 môn lâu dài được bởi học sinh sẽ học lệch. Đây là vấn đề rất lớn, không nên vội vàng, đừng để đưa ra khi chưa nghiên cứu cẩn thận và không có căn cứ thực tiễn, lý lẽ. Vì vậy, cần phải làm một đề án cẩn thận, có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia am hiểu vấn đề này.
Giáo sư, viện sĩ Phạm Minh Hạc |
Có thể đưa ra một đề án và thảo luận sơ bộ với các vùng miền, sau đó thảo luận toàn quốc. Trong đề án cần có 3 phần: Phần 1, kiểm điểm lại trong vài thập niên gần đây, chúng ta thi như thế nào, có điều gì tốt cần học tập và điều gì chưa được cần rút kinh nghiệm; phần 2 nên theo một số nước trên thế giới như Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc… xem cách thi và phương pháp giáo dục của họ ra sao; phần 3, từ cái hay của họ, chúng ta nhìn nhận lại trình độ và điều kiện kinh tế trong nước để học tập sao cho phù hợp. Thi cử và giáo dục rất quan trọng vì ảnh hưởng đến cuộc đời của cả một con người. Cần có đề án khoa học, không “nhất dạ bá kế” kẻo học sinh không biết đâu mà lần. Đùng một cái, tính đến bỏ thi như hiện nay, tôi thấy không được”.
K.L (tổng hợp)