Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa kì thi tốt nghiệp THPT 2014 sẽ diễn ra tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có những quyết định thay đổi trong đề thi khiến không chỉ các em học sinh mà cả giáo viên đều bất ngờ và lúng túng trong việc giảng dạy và ôn tập.
Khó với học sinh yếu
Theo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2014 mà Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành, các môn Toán và Văn sẽ giảm thời gian làm bài, từ 150 phút còn 120 phút. Một số giáo viên, phụ trách bộ môn cho rằng, việc giảm thời gian làm bài là hợp lý, tuy nhiên Bộ phải có thông báo sớm, ít nhất là trước 1 năm để học sinh làm quen. Từ năm 2008 đến nay, các trường THPT vẫn ôn thi theo cấu trúc đề cũ, thế nên việc thay đổi đột ngột này - khi mà kì thi tốt nghiệp THPT đã cận kề - sẽ gây khó khăn trong việc ôn tập cho học sinh, nhất là với học sinh có học lực yếu kém.
Thầy Nguyễn Cường, giáo viên chuyên Toán (Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội) cho rằng: “Việc thay đổi thời gian làm bài thi gấp gáp như hiện nay sẽ khó khăn cho các em học kém. Với đề thi 150 phút, những học sinh này phải xoay sở chật vật thì khi rút lại còn 120 phút, các em càng thêm vất vả. Tuy nhiên, nếu việc thay đổi giờ giấc này đi kèm với việc rút ngắn đề thi thì có thể hạn chế được việc các em chép bài của nhau”.
|
Theo một số giáo viên, việc thay đổi về thi tốt nghiệp THPT nên được Bộ GD&ĐT quyết định sớm để học sinh và giáo viên không bị động trong việc ôn tập. |
Thầy Cường cho biết thêm, với môn Toán, hiện các giáo viên vẫn ôn tập cho học sinh theo cấu trúc đề thi cũ, bao gồm: Phần khảo sát hàm số (1 câu, 2 ý, 3 điểm); Giải phương trình, tính tích phân (1 câu lớn, 3 ý nhỏ, 3 điểm); Hình học không gian (1 điểm); Phần tự chọn gồm các câu tìm tọa độ không gian (2 điểm) và tìm Số phức (1 điểm). Nếu học sinh có học lực khá, với cấu trúc đề thi như trên, các em chỉ làm bài trong khoảng 45 phút là xong. Tuy nhiên, với học sinh học lực kém hơn, thời gian 150 phút là hợp lý. Tính đến thời điểm này, nếu học sinh nào có học lực yếu, ôn thi theo cấu trúc đề thi mới sẽ khó bắt kịp.
Thầy Cường nhận xét: “Việc thay đổi các điểm mới trong đề thi như thế này hơi ngẫu hứng. Chúng ta cần có cách làm khoa học, triển khai từ đầu năm, học sinh và cả giáo viên đỡ bất ngờ và sẽ chủ động trong ôn tập”.
Thầy Hồ Ngọc Phương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Trực (Quảng Bình) - phụ trách tổ Anh văn và Văn học - cho biết: “Việc thay đổi thời gian làm bài không đến nỗi khó khăn cho học sinh nếu cấu trúc đề mới của Bộ GD&ĐT rút ngắn sao cho hợp thời gian 120 phút. Chẳng hạn với bài luận trước đây yêu cầu 400 từ, nay có thể giảm xuống 300 từ. Riêng môn Văn, việc thay đổi thời gian không quá khó khăn cho học sinh vì lâu nay, môn Văn chủ yếu chấm ý, không hành văn dài dòng như trước”.
Vẫn chờ cấu trúc đề thi
Được biết, hiện nay Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) đang dự thảo cấu trúc đề thi môn Ngữ văn. Theo dự thảo, hai phần đọc hiểu và làm văn sẽ có điểm số tương đương nhau. Trong đó, phần đọc hiểu theo thể loại phát hiện, suy luận và liên hệ với kinh nghiệm bản thân. Phần làm văn, học sinh có thể viết bài nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Hiện nay, các giáo viên bộ môn cũng mới chỉ tìm hiểu thông tin trên mạng để tham khảo chứ chưa thể triển khai ôn tập cho học sinh vì vẫn phải chờ quyết định chính thức từ Bộ GD&ĐT.
Theo thầy Hồ Ngọc Phương, hiện tại nhà trường chưa ôn thi tốt nghiệp cho học sinh. Dự kiến tuần sau, trường mới có kế hoạch cho việc này với dung lượng khoảng 15- 20 tiết/môn. Cấu trúc đề mới của các môn vẫn chưa có nên trước mắt, nhà trường vẫn ôn theo cấu trúc cũ. Đặc biệt, với việc ra đề thi mở như vài năm trở lại đây, riêng môn Văn, trường sẽ không ôn tập kiểu truyền thống nữa mà cho học sinh ôn tập theo ý của từng bài. “Chúng tôi phải làm như vậy vì khi thời gian làm bài thi giảm thì các em vẫn nắm được các ý để làm bài. Chỉ có điểm khó là năm nay phải ôn thi theo môn tự chọn nên toàn trường chỉ có 15 học sinh ôn thi môn tiếng Anh. Dù con số này quá ít nhưng trường vẫn phải mở lớp ôn thi với chi phí như một lớp từ 35- 40 học sinh của những môn học khác”, thầy Phương nói.
Đối với môn Ngoại ngữ, điểm khác của năm nay có thêm phần thi tự luận. Học sinh phải làm và nộp bài thi trắc nghiệm xong mới làm phần tự luận. Đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đây chỉ là thay đổi mang tính kĩ thuật khi tổ chức thi nhằm hạn chế học sinh trao đổi bài trong phòng thi. Theo một số giáo viên, viết tự luận với các em khá khó. Bộ GD&ĐT có đưa 10 chủ đề nhưng không hướng dẫn cụ thể về độ dài, về cách tính điểm… nên rất khó khăn cho giáo viên trong việc hướng dẫn học sinh ôn thi.