Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhiều phụ nữ “chịu đựng” mãn kinh trong im lặng

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Theo các chuyên gia mãn kinh hiện nay vẫn chưa thực sự quan tâm do thiếu thời gian và nguồn lực để tư vấn, điều trị...

Nhân Ngày Mãn kinh Thế giới 18/10, ngày 16/10, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em - Bộ Y tế tổ chức hội thảo khoa học hưởng ứng chủ đề của Hội mãn kinh thế giới - IMS (International Menopause Society) năm 2024  –  “Liệu pháp Nội tiết Mãn kinh".

Chia sẻ tại hội thảo ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế nhấn mạnh vai trò của ngành y tế trong quản lý, giáo dục và chăm sóc sức khỏe phụ nữ mãn kinh, đồng thời hỗ trợ phụ nữ tiếp cận dễ dàng với liệu pháp nội tiết mãn kinh - giải pháp điều trị được nhiều hiệp hội y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo sử dụng.

Theo ông Tuấn, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 13 triệu phụ nữ ở giai đoạn tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh (45-69 tuổi) cần được chăm sóc sức khỏe. Nếu tính cả phụ nữ bắt đầu bước vào độ tuổi suy giảm nội tiết tố (sau 35 tuổi) thì có khoảng 20 triệu người, chiếm khoảng 1/5 dân số bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.

“Suy giảm nội tiết dẫn đến tiền mãn kinh và mãn kinh là quá trình sinh lý trong cuộc đời bất cứ người phụ nữ nào. Thế nhưng mọi người không nên có ý thức “cam chịu”, bỏ qua và không quan tâm đến vấn đề đó”, ông Tuấn cho hay.

Rụng tóc, có cơn bốc hỏa, da khô, đau xương khớp,… thậm chí căng thẳng, trầm cảm là những ảnh hưởng của tình trạng mãn kinh đối với chất lượng cuộc của phụ nữ

Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho rằng, sau mãn kinh, phụ nữ có thể sống thêm 20-30 năm, nhưng phải đối diện với rất nhiều vấn đề ở độ tuổi này như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, rối loạn giấc ngủ, cảm giác mệt mỏi, bực bội vô cớ, khô rát âm đạo, giảm ham muốn tình dục, đau cơ-xương-khớp, loãng xương, … gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Chuyên ngành Sản Phụ Khoa đóng vai trò chính trong công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe tuổi mãn kinh. Tuy vậy, các chuyên gia lại chưa thực sự quan tâm đến nhóm bệnh nhân này, do thiếu thời gian và nguồn lực để tư vấn, điều trị bệnh. Bên cạnh đó, phần lớn phụ nữ gặp các triệu chứng rối loạn mãn kinh lại lầm tưởng rằng những biểu hiện này có liên quan đến các chuyên khoa khác như thần kinh, cơ-xương-khớp, … Việc chưa tìm đúng chuyên khoa tư vấn, khiến phụ nữ mãn kinh chưa nhận được sự chăm sóc và điều trị tốt về bệnh lý thực sự của mình.

“Vì vậy, với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về chăm sóc sức khỏe sinh sản, năm 2024 Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế phối hợp với các chuyên gia sản phụ khoa, các bệnh viện phụ sản được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến đang chỉnh sửa, cập nhật Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ban hành năm 2016”, ông Tuấn nói.

Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế Đinh Anh Tuấn

PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, nguyên Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam cho biết, nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh là do suy giảm estrogen. Đây là hiện tượng sinh lý tự nhiên ở phụ nữ.

Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất nhanh và liên tục ở độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Độ tuổi trung bình bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh là 46, sớm hơn nhiều so với suy nghĩ của các chị em. Mãn kinh xảy ra khi buồng trứng ngừng sản xuất estrogen.

"Do vậy, một số phụ nữ mãn kinh vì những lý do khác, ngoài quá trình lão hóa tự nhiên. Nhóm này bao gồm phụ nữ dưới 40 tuổi bị suy buồng trứng sớm, hoặc phụ nữ gặp vấn đề sức khỏe gây ra mãn kinh sớm như cắt bỏ buồng trứng sớm để giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, hay điều trị lạc nội mạc tử cung", PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng cho hay.

Theo PGS Hồng, có nhiều giải pháp giúp cải thiện các rối loạn tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, trong đó liệu pháp nội tiết mãn kinh đóng vai trò quan trọng, được nhiều hiệp hội y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo là giải pháp đầu tay trong điều trị mãn kinh. Tùy theo từng cá thể, đặc điểm sinh lý, kinh tế xã hội, cũng như trình độ và lối sống, mà mỗi người phụ nữ sẽ có những biểu hiện rối loạn mãn kinh khác nhau. Do vậy, việc lựa chọn giải pháp nội tiết an toàn - cá thể hóa điều trị mãn kinh là vấn đề cần được các chuyên gia y tế và cộng đồng phụ nữ quan tâm.

TS.BS. Trần Thị Thu Hạnh, Phó Khoa Phụ Nội tiết, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, mãn kinh là điều tất yếu xảy ra, nhưng chúng ta vẫn có nhiều cách để giảm thiểu và phòng tránh những hậu quả lâu dài của nó. Các chuyên gia y tế đã được trang bị nhiều công cụ hỗ trợ cho quá trình thăm khám – tư vấn – điều trị mãn kinh, sẵn sàng đồng hành cùng phụ nữ Việt vượt qua gánh nặng này. Vì vậy, các chị em phụ nữ cũng cần nâng cao nhận thức của mình.

- Trao đổi với chuyên gia y tế về tình trạng sức khỏe: Mãn kinh là giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời người phụ nữ. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng rối loạn mãn kinh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, phụ nữ cần chủ động chia sẻ, thảo luận với chuyên gia y tế về các phương án điều trị, để được giải đáp và theo dõi điều trị tốt nhất.

- Thường xuyên cập nhật thông tin: Tìm kiếm các nguồn thông tin chính thống và tin cậy, nhằm đảm bảo rằng mình đã hiểu rõ cả lợi ích và nguy cơ của liệu pháp nội tiết mãn kinh, nhằm đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu sức khỏe của mình.

- Đừng “chịu đựng” mãn kinh trong im lặng.

Tin nổi bật