Theo Taliban, cựu quan chức an ninh Afghanistan và nhiều cựu binh đã gia nhập nhóm IS-K, một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đáng nói, những cựu binh này đã được Mỹ đào tạo, do đó, có thể giúp IS-K có thêm kỹ năng thu thập thông tin tình báo và chiến tranh, có khả năng tăng cường năng lực của tổ chức khủng bố trong việc đối đầu với Taliban.
Một cựu quan chức Afghanistan cho biết một sĩ quan quân đội quốc gia Afghanistan, người từng chỉ huy kho vũ khí và đạn dược của quân đội ở Gardez, đã gia nhập IS-K và thiệt mạng trong cuộc đụng độ với Taliban cách đây 1 tuần.
Bên cạnh đó, theo cựu quan chức này, nhiều người khác mà ông biết, bao gồm các sĩ quan tình báo và quân đội trước đây, cũng đã gia nhập IS sau khi Taliban lục soát nhà của họ và yêu cầu họ phải trình diện trước chính quyền mới của đất nước.
Một người đàn ông sinh sống ở quận Qarabagh, phía Bắc Kabul cho biết anh họ của anh, cựu thành viên cấp cao của lực lượng đặc biệt Afghanistan, đã biến mất vào tháng 9 và hiện đã trở thành một phần tử Nhà nước Hồi giáo cực đoan. Ngoài ra, 4 thành viên khác của quân đội quốc gia Afghanistan mà người đàn ông này biết cũng đã gia nhập hàng ngũ IS-K trong những tuần gần đây.
Một đối tượng nghi là phần tử Hồi giáo cực đoan bị Taliban bắt giữ hồi tháng 9. Ảnh: WSJ
Ông Rahmatullah Nabil, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo, Tổng cục An ninh Quốc gia của Afghanistan, thông tin: "Tại một số khu vực, IS đã trở nên hấp dẫn đối với các cựu thành viên lực lượng an ninh và quốc phòng Afghanistan. Nếu có một cuộc kháng chiến nổi lên ở Afghanistan, họ nhất định sẽ tham gia. Tuy nhiên, IS-K là lực lượng duy nhất khác với Taliban ở Afghanistan hiện nay".
Trước đó, hồi tháng 9, lực lượng Taliban đã đẩy lùi một phong trào kháng chiến ở thung lũng Panjshir do Ahmad Massoud, con trai của chỉ huy chống Taliban Ahmad Shah Massoud, lãnh đạo. Các thủ lĩnh phe kháng chiến sau đó đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul hồi tháng 8 vừa qua, hàng trăm nghìn cựu sĩ quan tình báo, binh lính và cảnh sát của Afghanistan đã mất việc và vô cùng lo sợ cho sự an nguy của mình bất chấp cam kết ân xá từ nhóm Hồi giáo. Chỉ một phần nhỏ trong số họ, chủ yếu ở Tổng cục An ninh Quốc gia, trở lại làm việc dưới sự giám sát của Taliban. Tuy nhiên, giống như hầu hết các nhân viên chính phủ Afghanistan khác, họ không được trả lương trong nhiều tháng.
Đó cũng là một trong những lý do khiến ngày càng nhiều cựu binh Afghansitan gia nhập hàng ngũ IS-K. Ngoài khả năng bảo vệ các cựu binh khỏi Taliban, Nhà nước Hồi giáo đang cung cấp một lượng tiền mặt đáng kể cho các thành viên mới của mình ở Afghanistan. Trong phiên điều trần gần đây tại Thượng viện Mỹ, ông Colin Kahl, Thứ trưởng Quốc phòng về chính sách của Mỹ, cảnh báo rằng Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan sẽ có đủ khả năng tấn công phương Tây trong vòng 6-12 tháng tới.
Được biết dù Taliban và IS-K đều muốn áp đặt một trật tự Hồi giáo nghiêm ngặt ở Afghanistan, tuy nhiên vẫn có những điểu khác biệt sâu sắc giữa 2 nhóm về tôn giáo, ý thức hệ và chính trị. Trong đó, Taliban chủ yếu theo trường phái Hanafi của Hồi giáo Sunni, tin tưởng vào quốc gia-dân tộc Afghanistan và nói rằng họ tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước khác bao gồm cả Mỹ.
IS-K theo đuổi hệ tư tưởng cực đoan và bạo lực của IS toàn cầu. Ảnh: BBC
Trong khi đó, IS theo truyền thống Hồi giáo Salafi cứng rắn hơn, coi người Shiite là những kẻ bội đạo nên bị tiêu diệt về thể chất và đang tìm cách thiết lập một vương quốc Hồi giáo trên toàn thế giới thông qua chinh phục quân sự.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo ban đầu của IS ở Syria và Iraq nhưng IS-K được thành lập vào năm 2014 bởi các tay súng Taliban ở Afghanistan và Pakistan, những người cảm thấy sự lãnh đạo của Taliban, khi đó đang tìm kiếm các cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ, là không đủ triệt để. Nhóm này đã kiểm soát một số quận ở miền Đông Afghanistan cho đến khi một cuộc tấn công của Taliban vào năm 2015 khiến họ suy yếu đáng kể.
Tuy nhiên, IS-K đã dần khôi phục tầm ảnh hưởng trong năm nay, lợi dụng sự sụp đổ của chính phủ Afghansitan và việc Mỹ cùng đồng minh rút quân. Theo đó, nhóm này đã tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố tại Afghanistan trong nhiều tháng qua. Điển hình là vụ đánh bom sân bay Kabul hồi cuối tháng 8 khiến 13 quân nhân Mỹ cùng hơn 160 người dân thiệt mạng. Những điều này đã khiến IS-K trở thành một thách thức lớn đối với Taliban trên đường tìm kiếm sự công nhận của thế giới.
Minh Hạnh (Theo Wall Street Journal)