Theo thông tin trên VOV, vào 17h ngày 2/2 (giờ địa phương), tên lửa đẩy H3 số 5 đã được phóng từ Trung tâm hàng không vũ trụ Tanegashima thuộc tỉnh Kagoshima – miền Nam Nhật Bản, mang theo vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) phiên bản Nhật Bản có tên gọi Michibiki số 6.
Sau 29 phút, vệ tinh Michibiki số 6 đã được đưa vào đúng quỹ đạo dự định. Đây là lần thứ tư liên tiếp tên lửa H3 đưa thành công các vệ tinh lên quỹ đạo, chứng tỏ độ an toàn và sự tin cậy của công nghệ tên lửa đẩy Nhật Bản.
Vệ tinh Michibiki số 6 sẽ hoạt động trên quỹ đạo địa tĩnh cách trái đất 36.000km, được sử dụng cho dịch vụ thông tin di động, định vị điện thoại thông minh và cung cấp thông tin cảnh báo động đất cho các khu vực khó phủ sóng vô tuyến điện.
Vệ tinh này cũng được gắn các mắt thần quan trắc vũ trụ do Lực lượng không gian của quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản cung cấp giúp tầm soát rác thải vũ trụ một cách hiệu quả.
Hình ảnh phóng tên lửa đẩy H3 số 5 mang theo vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) phiên bản Nhật Bản có tên gọi Michibiki số 6. Ảnh: Kyodo
Bên cạnh Michibiki số 6, hiện nay, Nhật Bản có một số vệ tinh cùng loại đang hoạt động trên quỹ đạo, là vệ tinh Michibiki số 1 đến số 4. VTC News dẫn thông tin từ Kyodo News cho biết, do nhiều quốc gia tranh cãi gay gắt buộc Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản ưu tiên phóng vệ tinh số 6 trước vệ tinh số 5 để đảm bảo vị trí quỹ đạo của nó.
Được biết, Michibiki là vệ tinh nhân tạo có chức năng định vị tương tự GPS và còn được gọi là vệ tinh GPS phiên bản Nhật Bản.
“Michibiki là vệ tinh quan trọng. Chúng tôi đã thực hiện nhiều thử nghiệm đáng tin cậy trước khi phóng và sẽ tiếp tục chứng minh hiệu suất ổn định của vệ tinh sau khi phóng vào quỹ đạo địa tĩnh", ông Kishimoto Toshihisa - Giám đốc Kế hoạch Ban thư kí xúc tiến chiến lược phát triển không gian của Văn phòng Nội các từng chia sẻ.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu xây dựng hệ thống 7 vệ tinh vào năm tài chính 2026. Nếu đạt được điều này, nó có thể cung cấp thông tin vị trí bằng vệ tinh của Nhật Bản mà không cần dựa vào vệ tinh ở nước ngoài.
Thành công lần này đã giúp Nhật Bản xác lập vị trí quốc gia trên quỹ đạo địa tĩnh trong bối cảnh sự cạnh tranh quốc tế để giành vị trí trên quỹ đạo này đang ngày càng trở nên khốc liệt.
Thành công lần này cũng nhận được sự hoan nghênh của mọi giới trong xã hội Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru nhấn mạnh vệ tinh Michibiki số 6 sẽ được tận dụng triệt để nhằm cung cấp các dịch vụ thế hệ mới cho ngày càng nhiều thuê bao dịch vụ thông tin di động. Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao tính chính xác, độ tin cậy của vệ tinh cũng như tên lửa đẩy H3.
Trong khi đó, Lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản cho rằng thành công này góp phần nâng cao năng lực cho quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật trong thời gian tới.