Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

EU “chia rẽ” vì vấn đề nối lại nhập khẩu khí đốt của Nga

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Cuộc thảo luận về vấn đề nối lại nhập khẩu khí đốt của Nga diễn ra trong bối cảnh EU đẩy mạnh nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ từ Moscow.

Báo Lao Động dẫn thông tin từ Financial Times cho biết, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về khả năng nối lại nhập khẩu khí đốt Nga trong khuôn khổ thỏa thuận giải quyết xung đột ở Ukraine.

Việc cung cấp khí đốt Nga cho EU đã gây tranh cãi trong khối, đặc biệt sau khi Brussels tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ của Nga do xung đột ở Ukraine nổ ra năm 2022.

Theo các quan chức Đức và Hungary, việc nối lại nhập khẩu khí đốt Nga có thể giúp giảm đáng kể chi phí năng lượng của EU và khuyến khích Moscow tham gia đàm phán. Họ tin rằng, động thái này sẽ khuyến khích các bên trong cuộc xung đột duy trì lệnh ngừng bắn.

Thế nhưng, ý tưởng này khiến các quan chức ở Brussels và các nhà ngoại giao Đông Âu tức giận, nêu ra mối lo ngại về việc thúc đẩy doanh thu xuất khẩu của Nga và đảo ngược các nỗ lực giảm sự phụ thuộc của khối vào năng lượng của Nga.

Các quan chức EU đang thảo luận về khả năng nối lại nhập khẩu khí đốt Nga trong khuôn khổ thỏa thuận giải quyết xung đột ở Ukraine. Ảnh minh họa: Financial Times

Chủ tịch Quốc hội Litva Skvernelis cho rằng, việc châu Âu nối lại nhập khẩu khí đốt với Nga sẽ là một sai lầm lớn, theo thông tin trên VOV.

Theo ông Skvernelis, bước đi này có thể sẽ tạo điều kiện để Nga tiếp tục sử dụng năng lượng như một công cụ để gây áp lực đối với châu Âu, đồng thời sẽ góp phần củng cố nền kinh tế Nga, qua đó Nga sẽ có thêm nguồn lực cho cuộc xung đột tại Ukraine.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Litva Vaičiūnas cũng khẳng định, Litva không  ủng hộ các cuộc thảo luận về vấn đề này. Ông cũng lưu ý, Litva đã trở thành quốc gia EU đầu tiên từ chối nhập khẩu khí đốt của Nga sau khi cuộc xung đột nổ ra.

Về phía Nga, Moscow cũng bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch nói trên. Ngày 30/1, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Năng lượng Duma Quốc gia Nga Igor Ananskikh chia sẻ với Lenta.ru rằng EU khó có thể sẵn sàng tái khởi động việc mua khí đốt của Nga trong tương lai gần.

Vấn đề về nguồn cung khí đốt từ Nga sang EU đã trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi trong khối kể từ sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022. Cuộc thảo luận của các quan chức EU về vấn đề nối lại nhập khẩu khí đốt của Nga diễn ra trong bối cảnh EU đẩy mạnh nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ từ Nga.

Thay vào đó, EU đã gia tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia như Mỹ và Na Uy, khiến giá năng lượng tăng vọt, ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế EU. Theo số liệu chính thức, nền kinh tế Đức đã suy giảm trong năm thứ 2 liên tiếp vào năm 2024.

Ngày 1/1/2025, Ukraine đã dừng trung chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ sau khi thỏa thuận trung chuyển với Nga hết hạn. Slovakia - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi việc dừng vận chuyển khí đốt qua Ukraina - cáo buộc Kiev gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng nước này.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico cam kết phủ quyết mọi khoản viện trợ của EU cho Ukraine nếu hoạt động vận chuyển khí đốt Nga không được nối lại.

Tin nổi bật