Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nguyên Bộ trưởng GD: Kỳ thi quốc gia “thí nghiệm tương lai” HS?

(DS&PL) -

(ĐSPL)- "Chúng ta không có nghiên cứu, không có đề án cụ thể mà đã có kết luận phải thi một kỳ thi chung vào năm 2015 thì chỉ riêng điều này thôi cũng đã rất phản khoa học", nguyên Bộ trưởng Giáo dục Phạm Minh Hạc nhận định.

(ĐSPL)- "Chúng ta không có nghiên cứu, không có đề án cụ thể mà đã có kết luận phải thi một kỳ thi chung vào năm 2015 thì chỉ riêng điều này thôi cũng đã rất phản khoa học", nguyên Bộ trưởng Giáo dục Phạm Minh Hạc nhận định.
Trước thông tin sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia chung vào năm 2015, nhiều người e ngại sự vội vàng sẽ khiến cho công cuộc cải cách giáo dục sẽ đi vào “vết xe đổ” của những lần cải cách trước. Xung quanh vấn đề này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục.
Giáo dục theo kiểu “ăn xổi” là phản khoa học!
Nhiều ý kiến cho rằng, cải cách giáo dục của chúng ta luôn đặt học sinh vào tình cảnh lo lắng, gây hoang mang cho các em. ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Chúng ta không có nghiên cứu, không có đề án cụ thể mà đã có kết luận phải thi một kỳ thi chung vào năm 2015 thì chỉ riêng điều này thôi cũng đã rất phản khoa học. Tôi nghĩ rằng, trước khi đưa ra kết luận chúng ta cần phải thảo luận kỹ, trong đó phải lấy ý kiến của nhà giáo, chuyên gia, học sinh, phụ huynh và của người dân. Làm giáo dục theo kiểu “ăn xổi” như vậy thì học sinh cuối cùng là người chịu thiệt.
Tôi cũng từng trả lời báo chí rằng, chúng ta liên tục thay đổi, cải cách giáo dục, nhưng thay đổi theo kiểu giật cục và không có tính tiếp nối thì thêm mệt mỏi cho cả học sinh, thầy cô giáo và nhà quản lý. Nói một cách khoa học nhưng khôi hài và đau đớn thì chả lẽ cứ để học sinh làm “chuột bạch” mãi sao? Tôi nghĩ rằng, tại sao những đề án cải cách giáo dục (cụ thể là kỳ thi chung quốc gia này) chúng ta không làm thử nghiệm trong một thời gian rất ngắn. Qua dự án đó, chúng ta có thể xem cái gì được, cái gì không được, kết hợp với việc học hỏi kinh nghiệm từ nước khác để đưa ra phương án tối ưu nhất. Làm cái gì cũng phải lấy lợi ích của học sinh làm đầu chứ đừng mang các em ra làm vật thử nghiệm.
Những năm gần đây, chúng ta liên tục thực hiện các chương trình cải cách giáo dục. Thế nhưng “tuổi thọ” của những chương trình này không dài và không đạt được hiệu quả như mong muốn. Theo ông nguyên nhân vì sao?
Tôi lấy ví dụ ngay dự án kỳ thi chung quốc gia có thể sẽ được thực hiện vào năm 2015 tới đây. Nhiều người tự hỏi, vậy kỳ thi vào năm 2016 sẽ như thế nào? Tiếp tục giống kỳ thi năm 2015 hay lại tiếp tục cải cách? Giáo dục không thể cứ theo kiểu “ăn đong từng bữa”. Nếu vậy thì Nghị quyết 29 của Trung ương về cải cách giáo dục sẽ thực hiện thế nào? Nếu chúng ta có định hướng rõ ràng, có lộ trình cụ thể thì học sinh mới không bị biến thành “chuột bạch” nữa. Trong khi đó, mặc dù đã được góp ý, thảo luận rất nhiều nhưng chúng ta hiện nay lại thiếu lộ trình. Như vậy, đổi mới thi cử cho năm tới cũng phải nằm trong lộ trình đổi mới dài hạn. Đừng chỉ nói năm 2015 thi thế nào mà hãy công bố sớm cho người dân được biết lộ trình đổi mới thi trong 10- 20 năm tới ra sao và những thay đổi hiện tại sẽ đóng góp gì cho những đổi mới quyết liệt hơn nữa sau này.
 
GS. Phạm Minh Hạc.
Nặng thi cử, quên nhiệm vụ dạy và học
Có vẻ như chúng ta hiện nay đang lấy các kỳ thi làm trọng điểm để qua đó thực hiện cải cách giáo dục, thưa ông?
Không thể đánh đồng hết nhưng rõ ràng thực tế thi cử những năm qua không khỏi tạo ra những nghi ngờ như vậy. Tôi cho rằng, hình như chúng ta đang đặt quá nặng vấn đề thi cử mà bỏ quên mất nhiệm vụ chính của giáo dục là dạy và học. Thi cử chỉ là khâu cuối cùng trong cả một quá trình giáo dục và điều người dân quan tâm không phải là thi cử như thế nào, mà quá trình giáo dục sẽ đào tạo con người ra làm sao?
Thực tế hiện nay, có khoảng hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp (theo số liệu mà tôi có-PV). Sốở tiền để nuôi học những cử nhân thất nghiệp này khoảng hơn 1 tỉ USD và chúng ta đang quá lãng phí nhân lực cũng như tiền bạc. Đó là hậu quả của việc không coi trọng quá trình dạy học. Nhiều trường đại học tìm mọi cách để tuyển sinh thông qua các kỳ thi. Thế nhưng sinh viên ra trường lại không làm được việc rồi thất nghiệp. Từ thực tế này, dư luận nghi ngờ chúng ta đang bị “lệch hướng” trong nhận thức về cải cách giáo dục cũng là điều dễ hiểu.
Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để cải cách giáo dục không đi theo “vết xe đổ”?
Phải công nhận một thực tế là chúng ta đang làm giáo dục sai quy trình. Tôi lấy ví dụ, khi viết sách giáo khoa, thông thường thì người ta phải có lộ trình, đề án cụ thể rồi nương theo đó mà viết. Trong khi chúng ta cứ viết rồi dựa vào đấy để định hướng giáo dục, lấy đó làm lộ trình phát triển. Như vậy thì cải cách không có hiệu quả cũng là điều dễ hiểu.
Nếu chúng ta làm cải cách nghiêm túc thì phải có thời gian đủ dài để bàn bạc, thảo luận với đủ mọi thành phần xã hội tham gia. Thế nhưng, về ngắn hạn, theo tôi cứ trả quyền tự quyết trong tuyển sinh cho các trường đại học. Học sinh học hết phổ thông, chúng ta cấp cho họ một chứng chỉ công nhận học hết phổ thông. Còn việc tuyển sinh đại học thì mặc cho các trường tự quyết (điều này cũng được ghi rõ trong Luật Giáo dục đại học rồi) chứ bộ GD&ĐT đừng làm thay. Nếu làm được như vậy, theo tôi trước hết sẽ giảm bớt được sự phức tạp trong thi cử và chúng ta cũng đỡ tốn kém tiền của khi tổ chức các kỳ thi. Tất nhiên, việc này cần phải được bàn luận nghiêm túc nếu được áp dụng.
Chân thành cảm ơn ông!

Tin nổi bật