Nhiều đời làm nghề mộc, nhưng một số người dân tại TP. Phủ Lý (Hà Nam) không còn “đất dụng võ” ở quê, phải lên thành phố kiếm thêm thu nhập.
Bỏ quê ra phố…
Như mọi ngày, cứ 7h sáng, những người thợ mộc lại không hẹn mà gặp ở đầu phố Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Họ ngồi đó chờ khách, và trở về nhà lúc 5h chiều, tùy thuộc vào công việc của mỗi ngày. Giáp Tết là thời điểm đắt khách nhất năm, do nhiều người Hà Nội có nhu cầu sửa chữa, đặt đóng một số đồ gỗ dùng trong dịp Tết.
Chia sẻ với PV tạp chí ĐS&PL, ông Nguyễn Văn Tề cho biết, do xã hội phát triền, nghề mộc ở quê không còn việc làm nên tôi phải ra Hà Nội tìm việc. “Cứ sau vụ mùa là chúng tôi lại lên đây kiếm thêm thu nhập. Đa số những tháng gần Tết là ở trên này để ngóng khách thuê, vì ở quê cũng không có việc gì làm.
Ngoài việc làm mộc, ở nhà tôi làm nông nghiệp, một năm được 2 vụ mùa, nếu cứ trông vào đấy thì có mà... chết đói. Hơn nữa, làm nghề mộc ở quê thời điểm hiện tại cũng không được nữa, do các xưởng lớn người ta đầu tư máy móc hiện đại, họ sản xuất số lượng lớn. Do vậy, khách hàng thường đặt hàng ở đó chứ đâu đến lượt mình...
Những người làm nghề cầm cưa đứng phố chờ khách tại đầu phố Nguyễn Đình Chiểu. |
Bên cạnh đó, trước đây các hàng nước, quán ăn đa số đều sử dụng bàn ghế bằng gỗ. Nhưng, bây giờ hầu hết các hàng quán đều dùng đồ nhựa thay thế đồ gỗ nên nghề mộc nhỏ lẻ ở quê cũng bị lãng quên. Đây cũng là lý do khiến nghề mộc mất khách hàng và chúng tôi phải rời quê lên đây kiếm sống”, ông Tề cho hay.
Cũng là một người làm nghề mộc vỉa hè, ông Nguyễn Văn Nên – người được cho là tổ trưởng nhóm thợ mộc đầu phố Nguyễn Đình Chiểu - cho biết: “Những người ở đây hầu như là người quê ở Hà Nam, và có truyền thống làm nghề mộc lâu năm. Ngoài ra, một số người làm nông nghiệp, cứ sau mỗi mùa vụ họ lại khăn gói quả mướp kéo nhau lên đây kiếm thêm thu nhập”.
Được biết, họ là những người được thừa hưởng nghề mộc thủ công từ ông cha đời trước truyền lại tại làng Bùi (Trịnh Xá, Phủ Lý, Hà Nam). Do xã hội phát triển, đồ dùng bằng gỗ được thay thế bằng chất liệu khác như nhựa, nhôm, inox... khiến nghề mộc tại các vùng quê bị mai một. Cuộc sống ngày càng khó khăn, hầu hết những thợ mộc phải xa quê để lên thành phố kiếm sống với nghề cầm cưa đứng phố.
Vui buồn nghề cầm cưa đứng phố
Ông Nên chia sẻ, với nghề cầm cưa đứng phố, ông đã rong ruổi khắp nơi ở phố phường Hà Nội. Nghề đứng đường chờ khách này thu nhập bấp bênh, khổ nhất là lúc nắng mưa, thời tiết xấu vẫn phải đứng. Vì không đủ vốn để mở xưởng nên ông Nên và những đồng nghiệp khác vẫn phải bám trụ lấy vỉa hè Hà Nội.
“Hầu hết thợ mộc dạo ở đây đều là người đã có tuổi nên không thể đuổi kịp lớp trẻ, theo ngành nghề này ở địa phương nữa. Hơn nữa để phát triển nghề mộc ở quê hương giờ đây cũng phải có mức chi phí cao. Chúng tôi là người làm nông, không lấy đâu ra số tiền lớn để đầu tư nên đành phải xa nhà, xa quê lên đây lăn lộn kiếm sống qua ngày”, ông Nên nói.
Chiều cuối năm, vừa kiểm đồ nghề để chuẩn bị ra về, ông vừa nói: “Tuổi này cũng chỉ kiếm thêm chút thu nhập chứ làm giàu thế nào được mà đợi khách đến muộn mới về?”.
Trao đổi thêm với PV, ông Nguyễn Văn Bản, một người thợ khác, cho biết: “Nghề này không khác việc đi câu cá. Hôm đông khách thì có việc để làm. Còn không có, chúng tôi lại phải về tay không, chỉ ngóng vào những ngày gần Tết, lúc đó nghề thợ mộc vỉa hè “kiếm ăn” dễ dàng hơn. Khi mà người dân dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, những món đồ gỗ cũ kỹ, hỏng hóc sẽ được đem ra sửa chữa”.
Cũng theo ông Bản, tuy là việc kiếm cơm riêng của mỗi người nhưng họ rất đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc. Ai nhận được những công trình lớn thì rủ nhau cùng làm. “Mỗi dịp Tết về là anh em chúng tôi chạy sô liên tục, làm từ sáng sớm đến tối muộn. Thu nhập của tôi mỗi ngày cận Tết cũng được kha khá” .
“Số tiền thu được phụ thuộc vào khối lượng công việc cũng như quãng đường đi đến nhà gia chủ. Để tránh những mâu thuẫn về giá cả, những người thợ mộc vỉa hè này sẽ tính toán tiền công, nếu gia chủ đồng ý mới tiến hành làm việc”, ông Bản cho hay.
Xa gia đình, khi lên làm nghề, vài ba người thợ mộc cùng thuê một căn nhà trọ để chung sống, sinh hoạt. Hầu hết thời gian họ ở tại Hà Nội, chỉ khi nhà có việc thì trở về 2 - 3 ngày, rồi lại trở lại đây đứng phố cùng những món đồ nghề quen thuộc để chờ khách.
Làm nghề “cầm cưa đứng phố”, tuy mục đích chính là kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn để trang trải cuộc sống, nhưng cũng không ít người có niềm đam mê thực sự đối với cái nghề của ông cha để lại. Do vậy, dù trời nắng hay trời mưa, ngày có khách cũng như không, họ vẫn đứng đây để chờ đợi những cái vẫy tay, những bóng người từ xa đi tới, mang cho họ cơ hội được làm nghề.
Cùng với nghề làm trống Đọi Tam, dệt lụa Nha Xá…, nghề mộc làng Bùi là 1 trong số 24 nghề truyền thống lâu đời của tỉnh Hà Nam. Làng Bùi thuộc xã Trình Xá, huyện Bình Lục, nay là địa phận TP. Phủ Lý của tỉnh Hà Nam. Được biết, nghề mộc làng Bùi đã có từ thời xa xưa. Những sản phẩm làm từ gỗ của họ được các vua chúa triều Nguyễn yêu thích. Tiếng tăm làng nghề bay xa khắp Bắc - Trung - Nam. Không phải chỉ bây giờ mà từ những thế hệ trước, người làng Bùi đã ra Hà Nội kiếm sống bằng nghề thợ mộc.