Cứng cáp từ trong “trứng”
Hiện trên cả nước có 03 cơ sở đào tạo báo chí chính quy là Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội); Trường Đại học Khoa học xã hội – nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trường Đại học Khoa học xã hội – nhân văn TP. Hồ Chí Minh (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở đào tạo khác cũng như các lớp đào tạo văn bằng 2, đại học tại chức…
Sinh viên đi thực tế tại phim trường của một tổ chức chuyên sản xuất phim quảng cáo.
Riêng tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ngành báo chí do 02 đơn vị đảm trách phần đào tạo: Khoa Phát thanh Truyền hình và Viện báo chí (trước đây là Khoa báo chí). Hiện hai đơn vị này đang giảng dạy 06 chuyên ngành báo chí bậc cử nhân, một số chuyên ngành cao học báo chí và ngành Tiến sĩ Báo chí học. Các chương trình tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện được đánh giá là một trong những chương trình đào tạo báo chí hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam.
Về phương pháp đào tạo, bên cạnh lý thuyết được xen kẽ rất nhiều với nội dung về lý luận chính trị (vốn là một đặc trưng lớn của trường đại học trực thuộc Đảng, cũng như trực thuộc hệ thống giáo dục công dân của Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì còn có những học phần thiên về thực hành rất mạnh để sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp thuộc mọi loại hình báo chí.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các phòng học đều được trang bị theo tiêu chuẩn tốt nhất, chất lượng cao và đang ngày càng được nâng cấp cao hơn. Đơn cử như Học viện hiện có một studio được đầu tư 60 tỷ đồng (là studio trường quay ảo). Bên phát thanh cũng có các phòng studio phát thanh để sinh viên có thể thực hành các chương trình phát thanh, toạ đàm hiệu quả. Hay phòng báo mạng cũng là nơi giúp các sinh viên của Học viện được thực hành các hoạt động liên quan đến các toà soạn làm báo mạng điện tử. Ngoài ra, còn có studio ảnh để phục vụ cho chuyên ngành báo ảnh…
Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền (áo đen) là Chủ tịch Hội đồng đánh giá tại buổi bảo vệ khoá luận tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên báo chí hệ chất lượng cao năm 2023.
Tuy nhiên, dù trang thiết bị có đầy đủ đến đâu, thứ quan trọng nhất chính là ý thức học tập, rèn luyện của sinh viên. Theo Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền – Khoa Phát thanh Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), chỉ những sinh viên có kỹ năng, chăm chỉ, chịu khó học tập mới rèn luyện được những kiến thức về lý thuyết và kỹ năng thực hành báo chí. Bởi giảng viên ngoài giảng dạy lý thuyết cũng rất chăm chú hướng dẫn thực hành cho sinh viên.
Tại khoa Phát thanh và Truyền hình hay tại Học viện Báo chí đều chú trọng cho sinh viên thực hành nhiều nhất có thể trong từng học phần. Ví dụ như học phần tác phẩm báo truyền hình hay tác phẩm báo mạng điện tử, báo phát thanh, báo in… đều là những học phần trang bị cho sinh viên kiến thức cơ bản nhất về các thể loại báo chí trong từng loại hình và được rèn luyện nhiều nhất có thể về sản xuất, sáng tạo những thể loại đó.
Ví dụ tin truyền hình, sinh viên sẽ được rèn luyện việc thực hiện một tin tức báo chí nói chung, cũng như một tin truyền hình nói riêng như thế nào để hiểu được đặc thù của phóng viên truyền hình trong việc sản xuất tin tức. Hay đối với một tác phẩm báo mạng điện tử cũng vậy, sinh viên sẽ được biết cách làm bài “Longform” (định dạng thể hiện kiểu tạp chí với đồ họa, hình ảnh chất lượng cao) như thế nào. Đó đều là những học phần nghiệp vụ rất cần thiết, gắn với yêu cầu thực tiễn, hiện đại. Tại Học viện báo chí, giảng viên cũng như sinh viên đều hiểu tầm quan trọng của việc thực hành thường xuyên thì mới mang lại hiệu quả cao cho học phần, cho cả chuyên ngành.
Giữ lửa đam mê cho lứa trẻ
Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền – Khoa Phát thanh Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
Báo chí tại Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đơn cử trong việc tự chủ tài chính. Không phải tờ báo nào cũng đáp ứng được mức lương mong muốn cho phóng viên, cán bộ công nhân viên tại cơ quan mình. Trong công tác đào tạo báo chí cũng vậy, điều này sẽ ảnh hưởng đến đầu ra. Sinh viên có thể nhận thức được mặt bằng lương của các cơ quan không được cao như mong muốn, ảnh hưởng đến tham vọng nghề nghiệp, tương lai sau này của sinh viên. Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn sinh viên chịu khó đầu tư chuyên môn, học hỏi bởi các bạn có sự đam mê nghề, song để sinh viên vươn lên vì đam mê không phải điều dễ dàng.
Để làm được điều đó sẽ phải phụ thuộc rất lớn vào cơ sở đào tạo, cũng như cá nhân từng giảng viên trong việc truyền đạt kiến thức, cảm hứng cho sinh viên trong học tập. Để làm được điều đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền, không có cách nào khác hơn ngoài việc chính giảng viên phải là người có sự nhìn nhận thực tế về nghề báo, những sự cao đẹp của nghề báo để có thể truyền được những ngọn lửa đam mê, cho sinh viên thấy được ý nghĩa lớn lao của công việc mà người làm báo mang đến cho xã hội: đó là phản biện xã hội, tạo ra sự công bằng cũng như những giá trị tốt hơn trong xã hội. Có như thế mới giúp sinh viên nhìn thấy bản chất, giá trị lớn lao của nghề mà có sự yêu thích, đam mê cống hiến hơn.
Một buổi tư vấn tuyển sinh được livestream tại studio ảo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền thứ hai từ trái sang).
Nếu chỉ nhìn từ góc độ đãi ngộ, quản lý, những cái còn đang ràng buộc thì sẽ khó có thể thấy được những lợi ích để đi đến với nghề báo. Đây cũng là nỗ lực của các cơ sở đào tạo báo chí nói chung, không riêng gì Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng như nỗ lực của từng giảng viên, sinh viên.
Theo thống kê tại Học viện, số lượng sinh viên ra làm báo vẫn chiếm tỉ lệ khá tốt. Sinh viên nào đã làm tốt khi còn là sinh viên, hầu hết khi ra trường sẽ được các cơ quan báo chí đón nhận, đánh giá cao.
Hoàng Giang