Thời gian thấm thoát thoi đưa, nhìn lại thì tôi cũng đã ra trường được hơn 1 năm và đó cũng chính là thời gian tôi gắn bó với nghề báo.
Có lẽ đây là một cái duyên bởi trước đây tôi đã từng rất nhiều lần tưởng tượng về nghề nghiệp của mình trong tương lai nhưng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ làm báo.
Thời mới cắp sách đến trường, có lẽ tôi cũng như bao bạn học khác đã từng ít nhất một lần ước mơ được trở thành cô giáo. Rồi lớn hơn, tôi lại ước mơ sẽ trở thành bác sĩ, khoác lên mình chiếc áo blouse trắng oai phong như những siêu anh hùng. Cũng có thời gian tôi ao ước được trở thành tiếp viên hàng không để được khám phá và đi du lịch nhiều nơi.
Tuy nhiên, đến khi trưởng thành, dưới sự định hướng của gia đình, tôi lại thi vào trường đại học Luật Hà Nội với dự định sẽ trở thành cô luật sư "đội mái tóc màu trắng uốn xoăn" giống như trong các bộ phim mà không biết được rằng để trở thành cái nghề "thầy cãi" đó không chỉ học đại học là xong.
Sau 4 năm học, tôi ra trường với tấm bằng xếp loại Khá trên tay. Khi đang "chới với" vì sự khác biệt giữa hiện thực với bài giảng của thầy cô và sốt sắng đi tìm việc làm thì từ một người quen tôi biết đến tòa soạn báo Đời sống & Pháp luật. Cô sinh viên vừa chân ướt chân ráo ra trường, chưa xác định được bản thân sẽ làm gì cũng không ưu tú đến mức được các công ty, văn phòng luật nhận về làm việc đã dùng hết sự dũng cảm để xin học việc tại một ban của tòa soạn báo Đời sống & Pháp luật. "Mối duyên kỳ ngộ" giữa tôi và nghề báo có lẽ cũng bắt đầu từ đây. Đến thời điểm hiện tại, tôi đã được nhận vào làm nhân viên chính thức của Đời sống & Pháp luật.
Xuất phát điểm là sinh viên trường luật dù hàng ngày tiếp xúc với những thông tin xã hội qua báo chí nhưng để "tạo" nên một bài báo là điều tôi. Những khái niệm như Title, Sapo hay SEO... hoàn toàn xa lạ, do vậy, tôi đã phải học lại từ đầu.
Tôi cảm thấy tự hào khi bản thân là một "tế bào nhỏ" của Đời sống & Pháp luật. |
Tôi đã gặp không ít khó khăn trong lúc tác nghiệp. Từ khâu phát hiện, triển khai đề tài đến cách phỏng vấn, thu thập thông tin... tất cả đều mới mẻ và đầy bỡ ngỡ. Một phần từ ý chí của bản thân không bỏ cuộc và trên hết chính là sự dìu dắt, giúp đỡ của những anh chị nhà báo đi trước đã giúp tôi làm quen và có những bước đi vững chải hơn. Là một phóng viên phụ trách mục pháp luật, mỗi khi dùng ngòi bút của mình để thông tin cho bạn đọc về các vụ án, tin nóng trong ngày hay đôi khi là ý kiến của luật sư về vấn đề nào đó với tôi là một niềm vinh dự và tự hào.
Để viết ra một bài báo không phải là điều đơn giản với một người học trái ngành, trái nghề. Đáng nói thêm ở chỗ, trong quá trình làm việc, thu thập tư liệu từ thực tế, điều tôi ngại và luôn luôn tránh là trong quá trình tác nghiệp gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của cơ quan.
Sau khoảng 1 năm, tôi phần nào nhận ra rằng "vũ khí" của người làm báo chính là cây bút, máy ảnh và máy quay phim. Với nhiệm vụ cao cả là “thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân” theo đúng quy định của Luật Báo chí.
Bên cạnh những khó khăn, nghề báo cũng đem lại cho tôi ất nhiều cái được: Được trải nghiệm, được luyện rèn không ngừng về đạo đức, về chuyên môn, nghiệp vụ, được kết nối, lan tỏa biết bao điều hay và góp nhặt kho kiến thức vô bờ cho mình.
Chính vì vậy, dẫu biết con đường phía trước đầy gian truân, nhưng bằng cái duyên của nghiệp cầm bút và sự nỗ lực không ngừng, cá nhân tôi luôn cố gắng, phát huy hết năng lực, sống hết mình với nghề để có được tác phẩm chất lượng phục vụ bạn đọc, góp sức nhỏ xây dựng Đời sống & Pháp luật ngày một phát triển hơn, vững mạnh hơn.
Tôi cảm thấy tự hào khi bản thân là một "tế bào nhỏ" của Đời sống & Pháp luật!
Link gốc: https://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-toi-lua-chon-theo-nghe-bao-a456393.html