Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hội nghị COP26: Những dấu ấn nổi bật nhất trong ngày họp đầu tiên

(DS&PL) -

Gần 120 nhà lãnh đạo thế giới đã tụ họp tại Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) để giải quyết vấn đề mà các nhà khoa học và chuyên gia y tế cho là cuộc khủng hoảng lớn nhất thế giới: Biến đổi khí hậu.

Ngày 1/11 (theo giờ địa phương), gần 120 nhà lãnh đạo trên thế giới đã tụ họp tại Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) để tham gia hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc COP26. Cuộc gặp diễn ra sau khi Hội nghị thượng đỉnh G20 đưa ra những tín hiệu không rõ ràng về vấn đề biến đổi khí hậu. Trong đó, lãnh đạo của các quốc gia giàu nhất thế giới vẫn chưa đạt được thống nhất về các mục tiêu chính, chẳng hạn như thời hạn họ ngừng sử dụng điện than.

Ngày họp đầu tiên của COP26 đã kết thúc, dưới đây là những vấn đề nổi bật được nêu ra trong ngày:

Lời xin lỗi của Tổng thống Joe Biden

Trong ngày họp đầu tiên của COP26, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng xin lỗi về việc chính quyền người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Donald Trump, từng đưa Washington rời khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. Cụ thể, phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Glasgow, ông Biden đã nói: "Tôi nghĩ là tôi không nhất thiết phải nói điều này nhưng tôi xin lỗi về việc Mỹ, chính quyền tiền nhiệm, đã rút khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu". 

Được biết, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng trở lại thoả thuận này. 

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại COP26. Ảnh: CNN

Đồng thời, ông Biden nói thêm: "Chúng tôi sẽ chứng minh cho thế rằng Mỹ không chỉ quay lại hiệp ước mà còn trở thành nước đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".

Nhưng trong khi ông Biden cho thấy tham vọng trong bài phát biểu của mình, nói với những người tham dự rằng "chính quyền của ông đang làm việc ngoài giờ để chứng tỏ rằng cam kết về khí hậu là về hành động, chứ không phải lời nói", bóng đen vẫn còn bao trùm lên chương trình nghị sự về khí hậu của ông ở Washington. Các nhà lập pháp đang Dân chủ vẫn đang tranh luận và đến nay vẫn chưa thống nhất được gói tài chính bao gồm các điều khoản về biến đổi khí hậu trị giá 555 tỷ USD.

Nước chủ nhà thúc giục hành động

Với tư cách là nước chủ nhà, Vương quốc Anh đang gây sức ép lên các nhà lãnh đạo thế giới rằng đã đến lúc hành động về vấn đề biến đổi khí hậu. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Boris Johnson đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vấn đề biến đổi khí hậu, nói rằng "đồng hồ tận thế thật sự tồn tại" và cảnh báo "trái đất có thể bị bao phủ bởi lớp khí CO2 dày đặc". 

Các thành viên Hoàng gia Anh cũng tham gia hội nghị theo cả hình thức trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, Thái tử Charles thúc giục các nhà lãnh đạo hợp tác cùng nhau để giải quyết vấn đề này. Nhà tự nhiên học và phát thanh viên nổi tiếng David Attenborough nhận xét các thế hệ tương lai sẽ đánh giá họ bằng hành động trong hội nghị COP26.

Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động để chống biến đổi khí hậu. Ảnh: CNN

Cuối ngày, Nữ hoàng Elizabeth II đã chào đón các nhà lãnh đạo thế giới thông qua hình thức trực tuyến. Bà chia sẻ: "Trong hơn 70 năm, tôi đã may mắn được gặp và quen biết nhiều nhà lãnh đạo vĩ đại trên thế giới. Và tôi có lẽ đã hiểu một chút về điều gì đã khiến họ trở nên đặc biệt. Đôi khi người ta nhận thấy rằng những gì các nhà lãnh đạo mang đến cho người dân của họ ngày hôm nay là chính phủ và nền chính trị. Nhưng những gì họ làm cho người dân ngày mai, đó là vị thế".

Cam kết mức phát thải bằng 0 của Ấn Độ

Một trong những điểm nổi bật trong ngày đầu hội nghị COP26 là cam kết của Ấn Độ về mức phát thải bằng 0. Trong đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh mục tiêu của nước này là trung hoà carbon tính tới năm 2070. Đây được xem là thông báo quan trọng vì trước nay Ấn Độ chưa từng ấn định thời điểm đạt mức phát thải bằng 0. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2070. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, mốc thời gian năm 2070 của Ấn Độ được cho là chậm hơn 10 năm so với Trung Quốc và 20 năm so với mục tiêu của thế giới để tránh việc nhiệt độ toàn cầu tăng quá 1,5 độ C. 

Bà Ulka Kelkar, giám đốc chương trình khí hậu tại WRI Ấn Độ, một tổ chức nghiên cứu môi trường, nhận xét vì sự phát triển kinh tế và sự kết hợp năng lượng của Ấn Độ, ngày đạt được mục tiêu này không nên bị đem ra so sánh với Mỹ hoặc châu Âu. Bà Kelkar nhận định: "Nó còn nhiều hơn cả những gì chúng tôi mong đợi. Mức phát thải ròng bằng 0 đã trở thành chủ đề bàn luận của công chúng chỉ trong 6 tháng trở lại đây. Đây là một điều rất mới đối với người Ấn Độ. Chỉ cần hiểu khái niệm này sẽ mang lại một tín hiệu rất mạnh mẽ cho tất cả các lĩnh vực công nghiệp ở Ấn Độ".

Được biết, với thông báo của Ấn Độ, tất cả 10 quốc gia điện than hàng đầu thế giới cũng đã cam kết mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0. 

Các nước nhỏ vẫn còn thất vọng

Tuy nhiên, các nước nghèo cho biết họ vẫn cảm thấy thất vọng vì các nước giàu vẫn chưa thật sự có hành động quyết liệt đối với biến đổi khí hậu. Bà Mia Mottley, Thủ tướng Barbados, một hòn đảo vốn đã bị đe dọa nghiêm trọng do mực nước biển dâng cao, đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng khí hậu mà đất nước của bà đang đối mặt là rất nguy hiểm. Bà đã gọi đó là "mật mã đỏ" đối với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu và cả Ấn Độ.

Thủ tướng Gaston Browne của Antigua và Barbuda nói với CNN rằng ông "cảm thấy lạc quan bởi những tham vọng" mà các nhà lãnh đạo thế giới đặt ra tại hội nghị thượng đỉnh COP26. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự thất vọng khi các mục tiêu đặt ra không "đủ xa để kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ 1,5 độ C toàn cầu". 

Tổng thống Panama Laurentino Cortizo cho biết ông không cảm thấy lạc quan về những gì mà hội nghị COP26 có thể đạt được. Ông chia sẻ: "Chúng tôi đã nghe tất cả những điều này trước đây. Điều chúng tôi cần là một hành động".

Minh Hạnh (Theo CNN)

 

 

Tin nổi bật