Cơ quan quản lý quân sự - dân sự Nga tại khu vực Kharkov mới đây báo cáo rằng một số phiến quân Ukraine bị bắt đã thừa nhận nước này có kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Nga. Nhà máy điện hạt nhân Kursk và Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công.
Các phóng viên quân sự Nga cũng cảnh báo rằng lực lượng Ukraine có thể đang chuẩn bị kế hoạch sử dụng thiết bị nổ chứa đầy vật liệu phóng xạ được thiết kế để gây ô nhiễm môi trường - như một phần trong chiến dịch khiêu khích chống lại Nga.
Hỏa hoạn tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye sau một vụ tấn công bằng máy bay không người lái. Ảnh: Slobodenpecat
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rất để tâm đến thông tin về kế hoạch tấn công Nhà máy điện hạt nhân Kursk của Ukraine. Kiev dường như có ý định đổ lỗi cuộc tấn công nhằm vào nhà máy điện hạt nhân này cho Moscow.
"Chúng tôi coi những hành động như vậy của chế độ Ukraine với sự hỗ trợ của các nước phương Tây là hành vi vi phạm trực tiếp và rõ ràng đối với công ước quốc tế được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua trong nghị quyết ngày 13/4/2005 về chống các hành vi khủng bố hạt nhân", bộ này cho hay.
Các quan chức quốc phòng Nga cũng cảnh báo rằng, nếu Kiev thực hiện "khiêu khích hạt nhân", gây ô nhiễm phóng xạ cho các vùng lãnh thổ rộng lớn ở "phần châu Âu của lục địa", Nga sẽ ngay lập tức ban hành "các biện pháp quân sự và kỹ thuật quân sự trả đũa khắc nghiệt".
Bộ Ngoại giao Nga cũng đã kêu gọi các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), lên án những hành động khiêu khích mà Ukraine được cho là đang chuẩn bị nhằm vào các nhà máy điện hạt nhân (NPP) của Nga.
"Thông tin nhận được cho thấy Ukraine đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Kursk. Chúng tôi kêu gọi các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc và IAEA, ngay lập tức lên án các hành động khiêu khích đang được chuẩn bị đồng thời ngăn chặn hành vi vi phạm an toàn hạt nhân và an toàn hạt nhân vật lý của nhà máy điện hạt nhân Kursk, có thể dẫn đến thảm họa do con người gây ra trên quy mô lớn ở châu Âu", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trong một tuyên bố.
Theo tuyên bố, những bước đi này không chỉ đe dọa trực tiếp đến các nhà máy điện hạt nhân mà còn làm suy yếu các tiên đề của IAEA về an toàn và an ninh hạt nhân đã được nêu rõ vào năm 2022. Trong khi đó, người đứng đầu IAEA Rafael Grossi bày tỏ sự sẵn sàng đến thăm Nhà máy điện hạt nhân Kursk và đánh giá tình hình thực tế tại nhà máy.
Theo Sputnik