Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nan giải bài toán quản lý xe ghép, xe tiện chuyến

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Theo các chuyên gia giao thông, xe ghép, xe tiện chuyến thực chất là kinh doanh tự phát. Điều đáng nói nhất, các chủ xe có hiểu biết về pháp luật, biết những "lỗ hổng" để lách.

Xe ghép, xe tiện chuyến là loại hình sử dụng xe cá nhân, kinh doanh vận chuyển hành khách liên tỉnh, thu giá cước tự phát, không nộp thuế và không có bảo hiểm cho khách hàng. Vài năm qua, loại hình này nở rộ cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội. Người dân chỉ cần lên các trang mạng xã hồi tìm kiếm, sẽ luôn có những chuyến xe biển trắng sẵn sàng đưa đón.

Thậm chí, nhiều xe ghép, xe tiện chuyến không hề hoạt động “chui” mà ngang nhiên mời chào khách trên mạng xã hội, lập tổng đài điện thoại, văn phòng để nhận đưa đón khách.

Ảnh minh hoạ

Theo các chuyên gia giao thông, xe ghép, xe tiện chuyến thực chất là kinh doanh tự phát. Và điều đáng nói nhất, các chủ xe có hiểu biết về pháp luật, biết những lỗ hổng để lách luật, cố tình kinh doanh “chui”, không đăng ký, không nộp thuế, không có các giao kết trách nhiệm với khách hàng. Đó là hành vi tư lợi, gây hại cho nền kinh tế - xã hội, cho các doanh nghiệp và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân.

Không thể phủ nhận sự tiện lợi và những ưu điểm từ loại hình dịch vụ chở khách bằng xe cá nhân này. Tuy nhiên, việc xe tiện chuyến, xe ghép mang biển trắng nhưng thực hiện các hoạt động vận tải bằng xe ô tô cũng mang đến những bất cập trong quản lý, khi nhiều người đang tham gia chuyên chở khách hằng ngày mà không thực hiện các thủ tục về kinh doanh vận tải theo quy định.

Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định: Tất cả xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen.

Tuy nhiên, các xe đang chạy xe ghép hiện tại đều là xe cá nhân và không đổi sang biển số màu vàng, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải. Đơn cử như vào giờ cao điểm, một số tuyến đường sẽ cấm theo giờ đối với xe biển vàng (xe kinh doanh) nên xe ghép đeo biển trắng sẽ có lợi thế hơn nhiều so với xe biển số màu vàng.

Việc phát hiện để xử lý các trường hợp dùng xe ô tô biển trắng chở khách gặp khó khăn. Bởi lẽ, quá trình thực hiện nhiệm vụ, không phải lúc lực lượng chức năng cũng có thể dừng ô tô để kiểm tra mà chỉ dừng kiểm tra theo chuyên đề hoặc qua trực quan thấy có dấu hiệu vi phạm.

Theo quy định pháp luật, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải nộp lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp…

Tuy nhiên, tại khoản 10 Điều 56, Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 vừa được Quốc Hội thông qua, chỉ bắt buộc xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản, còn các trường hợp xe 8 chỗ trở xuống thì lại không được nhắc đến.

Như vậy, chủ xe ghép, xe tiện chuyến khi vận hành loại xe dưới 8 chỗ chỉ việc thu tiền mà không phải nộp bất cứ một loại thuế/phí nào với xe kinh doanh vận tải. Với một số lượng rất lớn xe ghép đang hoạt động như hiện nay, có thể thấy việc thất thoát thuế là một con số không hề nhỏ.

Quy định tại khoản 10, Điều 56, Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 cũng chưa đưa loại hình xe tiện chuyến, xe ghép như đã đề cập vào Luật, khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn để xử lý.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Luật đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025 cho phép các cá nhân kinh doanh vận tải mà không cần thông qua tổ chức doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là liệu trong công tác quản lý nhà nước có quản lý được hay không?

Phân tích về vấn đề này, ông Hùng cho rằng để giải quyết được bài toán quản lý nêu trên, vấn đề cốt lõi là cơ quan quản lý phải áp dụng được các công nghệ như quản lý biển số; quản lý được các cá nhân này tuân thủ các quy định (việc tuân thủ quy định về an toàn giao thông; kê khai giá; nộp thuế tại các địa phương,...); quản lý về việc lắp camera giám sát hành trình GPS, từ đó liên thông sang Cục thuế để có dữ liệu truyền về các địa phương. 

"Điều kiện tiên quyết nhất là phải xây dựng được một phần mềm kinh doanh, bắt buộc các hộ kinh doanh phải tham gia. Anh kinh doanh xe hợp đồng thì anh phải có phần mềm của chủ xe hợp đồng, phải có ứng dụng xe hợp ứng dụng ấy phải hiện diện thương mại điện tử, hiện diện biển số xe,... hiện diện thương hiệu của hộ kinh doanh đó", ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết thêm, công tác quản lý sẽ là "then chốt" đối với bài toán xe ghép, xe tiện chuyến. Chỉ khi làm tốt công tác quản lý, đưa ra được những quy định cụ thể thì mới chặn được các trường hợp cố tình "lách luật" bởi thực tế, trong Luật đường bộ chưa quy định được cụ thể gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

"Đặc biệt, trong luật cho phép tài xế có thể thoả thuận giá cước với khách mà không cần thông qua một thiết bị nào. Vậy cơ quan Thuế sẽ lấy chuẩn mực nào để tính thuế?", ông Hùng nhấn mạnh. 

Tin nổi bật