Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi bạo lực gia đình áp dụng với: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.
Đặc biệt, hành vi bạo lực gia đình cũng áp dụng với những đối tượng sau đây: Vợ chồng đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người đã từng có các mối quan hệ: Cha mẹ con riêng; anh chị em của người đã ly hôn hoặc của người chung sống như vợ chồng; cha mẹ nuôi và con nuôi.
Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Ảnh minh họa.
Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, người thực hiện hành vi bạo lực gia đình có thể bị xử lý theo quy định của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 và Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Dưới đây là 08 hành vi bạo lực gia đình và mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 52, 53, 54 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP:
Mức xử phạt hành chính các hành vi bạo lực gia đình hiện nay.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, căn cứ vào mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ Luật Hình sự, cụ thể:
Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 BLHS)
Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
- Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
- Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo
Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186 BLHS)
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Mới đây, để quy định chi tiết Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2023/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 25/12/2023.
Theo đó, Điều 38 Nghị định 76/2023/NĐ-CP đã quy định mức hỗ trợ cho người bị bạo lực gia đình gồm các khoản:
Tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình: Theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu khi thực hiện cấm tiếp xúc: Mức chi như đối tượng bảo trợ xã hội.
Thanh toán chi phí khám chữa bệnh nếu người bị bạo lực gia đình bị tổn hại sức khỏe được chăm sóc, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, nghị định nêu rõ quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.
Theo đó, Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tổng đài) sử dụng số điện thoại ngắn có 3 chữ số để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.
Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình. Tổng đài được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và chi trả phí viễn thông đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi.
Nghị định cũng nêu rõ quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua địa chỉ quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 19 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam bị bạo lực gia đình được bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; chăm sóc, điều trị; trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 22 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Bảo An (T/h)