Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mê mẩn căn nhà của nữ giảng viên đại học: Chi hơn 1 tỷ đồng để cải tạo, chuẩn không gian sống trong mơ

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Căn nhà bị bỏ hoang “lột xác” trở thành không gian sống nhiều người mơ ước, vừa thân thiện với môi trường, vừa tiết kiệm năng lượng.

Theo thông tin trên The Paper, cô Wang Yiqiong vừa là nhà thiết kế, vừa là giảng viên và nghiên cứu sinh tại Đại học Kiến trúc và Công nghệ Tây An (Trung Quốc). Được biết, cô cùng cha mẹ rời quê hương đến Tây An sinh sống từ năm 6 tuổi.

Cách đây 3 năm, cô Wang biết về dự án của một giáo sư ở trường đại học về tạo công trình xanh cho nhà dân ở vùng nông thôn. Nữ giảng viên đã đề xuất tham gia dự án và giới thiệu căn nhà do cha cô xây dựng cho bà nội dưỡng già nhưng đã bị bỏ hoang nhiều năm để cải tạo. 

Hình ảnh căn nhà trước khi cải tạo. Ảnh: The Paper

Trong 1 năm, cô Wang cùng nhóm ở trường đại học đã chi 400.000 NDT (hơn 1,3 tỷ đồng) để xây căn nhà tiết kiệm năng lượng. Nhà có bố cục truyền thống, gồm cổng nhà, sân trước, nhà chính và sân sau.

Thiết kế ban đầu theo kiểu truyền thống, ít ánh sáng, không khí tối tăm và lạnh lẽo. Chưa kể, do có mái bằng nên phần mái gặp vấn đề thấm nước nghiêm trọng. Trong quá trình cải tạo, cô đã dần xử lý các vấn đề về nhiệt, gió, ánh sáng, nước và điện.

Nhiệt độ tại khu vực mà căn nhà tọa lạc tương đối lạnh quanh năm, có thời điểm nhiệt độ thấp nhất vào mùa đông xuống khoảng 5 độ C. Do đó, cô Wang thiết kế thêm một gian nhỏ chạy dài phía trước, quay về hướng Nam giúp không gian như có một "áo khoác" mới để tránh lạnh, nhất là vào mùa đông.

Nơi này có thể được tận dụng làm phòng tắm nắng, đọc sách vào ngày ấm áp. Cũng tại không gian đó, nữ giảng viên đặt 3 bức tranh được làm bằng công nghệ có thể hấp thụ nhiệt khi nhiệt độ trong nhà cao hơn 17 độ C. 

Phần hành lang được xây thêm để ngăn gió lạnh vào mùa đông. Ảnh: Toutiao

Do căn nhà có ánh sáng kém nên cô thiết kế một phần mái kính ở phía trên tầng 2 để đón được nhiều ánh sáng mặt trời hơn. Việc đặt mái kính còn hút gió nhằm tăng cường thông gió trong nhà. Cạnh mái kính là một khoảng sân, nơi mọi người có thể ngồi đây để trò chuyện, sưởi nắng.

Phần mái kính ở tầng 2 vừa đón ánh sáng vào nhà, vừa hút gió. Ảnh: The Paper

Các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà. Ảnh: The Paper

Theo Toutiao, cô Wang và cộng sự đã đặt thêm các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà để tạo ra điện cho cả nhà sử dụng. Nữ giảng viên chia sẻ, sau khi tính toán, về cơ bản không cần phải tốn thêm tiền điện trong một năm.

Tường ngoài phòng khách và phòng ngủ sử dụng vật liệu cách nhiệt, trong khi cửa sổ bên ngoài sử dụng kính cách nhiệt ngăn nhiệt thoát ra ngoài vào mùa đông. Toàn bộ ngôi nhà về cơ bản có thể đạt được hệ thống sưởi không carbon.

XEM THÊM: Du khách trên chuyến bay từ Việt Nam ghi lại cảnh tượng "kỳ thú" khiến dân mạng trầm trồ

Do khu vực này ít mưa vào mùa đông và mưa nhiều vào mùa hè, cô Wang cùng cộng sự đã thiết kế 3 hệ thống nước, trong đó có một hệ thống thu nước mưa, một hệ thống để tận dụng nước thải sinh hoạt, hệ thống còn lại là xả nước thải nhà vệ sinh.

Nước đã qua sử dụng của nhà bếp và tắm rửa được lọc, xử lý và dùng để tưới hoa, xả nhà vệ sinh. Trong khi đó, nước từ nhà vệ sinh sẽ đi qua hệ thống thoát nước hiện sẽ được lọc để tưới cho đất nông nghiệp sau sân. Ngoài ra, nước mưa thu được sẽ được dẫn vào bể chứa ở sân trước sau khi được lọc sạch.

Gạch được dùng để xếp tạo thành bệ đỡ cho đồ nội thất. Ảnh: The Paper

Theo lời kể của nữ giảng viên, về cơ bản cô không sắm thêm đồ nội thất nào cho căn nhà, cũng không dùng quá nhiều kệ gỗ. Phần chính của đồ nội thất do chính cô Wang và các học trò làm ra từ gạch đất sét. Trong vòng một tuần, cô đã làm quầy bar bếp, ghế dài trong phòng khách, bồn rửa mặt, tủ giày ở lối vào, kệ trên tường và vách ngăn trên tầng 2.

Các đồ nội thất khác cũng là đồ cũ mà cô và các học trò tái chế. Cụ thể, mặt bàn ăn được biến tấu từ cửa gỗ tái chế từ dân làng, cửa phòng ngủ làm bằng gỗ còn sót lại từ ngôi nhà. Những bức tranh treo trên tường được học trò vẽ bằng vật liệu tại công trường xây dựng như cát thạch anh và sơn.

Đặc biệt, nhiều loại rau khác nhau như ớt, cà tím… được trồng phía trước căn nhà. Sau khi căn nhà được cải tạo xong, cha mẹ và cô Wang thường xuyên về quê hơn. Bất cứ ngày lễ hay cuối tuần nào rảnh rỗi, nữ giảng viên đều lái xe đưa bố mẹ về thăm xóm làng.

Chiếc bàn ăn được làm từ vật liệu tái chế. Ảnh: Toutiao

“Trong ngôi nhà này, tôi có thể làm một số việc mình thích, đọc sách, viết báo, cắm hoa trong khi các con tôi chơi ngoài sân. Nơi tôi thích nhất là khoảng sân ngồi tắm nắng, ngồi đây, tầm nhìn của tôi hướng vào rặng tre ngoài sân.

Hai mươi năm trước, mẹ tôi trồng ba bốn cây tre trước nhà, bây giờ đã trở thành rặng tre. 20 năm thời gian bỗng nhiên xuất hiện trong khung cảnh này, tôi thấy rất cảm động”, Toutiao dẫn lời nữ giảng viên.

Cô Wang chia sẻ thêm, cô gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình cải tạo nhà, ngân sách có hạn và mọi chi phí đều phải tính toán kỹ lưỡng. Điều khiến cô tiếp tục thực hiện là một mong muốn đơn giản: 20 năm trước, cha cô đã xây ngôi nhà cho bà nội dưỡng già, 20 năm sau, khi cha cô sắp nghỉ hưu, cô cũng muốn biến ngôi nhà đã được cải tạo thành một món quà tặng cha.

Căn nhà "lột xác" hoàn toàn sau khi được cải tạo. Ảnh: Toutiao

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật