(ĐSPL) - Tồn tại hàng trăm năm, cổ tự Vạn Thiện gắn liền với nhiều huyền tích bí ẩn được dân gian lưu truyền đến ngày nay. Trong số vô vàn câu chuyện lớn nhỏ được truyền tụng ấy, mầu nhiệm nhất có lẽ vẫn là giai thoại ngài Linh Phù lập đàn tự thiêu để lại “báu vật” linh thiêng cho đời và câu chuyện về cặp rắn khổng lồ tịnh tu bên chân tháp của ngài...
Chánh pháp nhãn tạng của Thiền sư Linh Phù hiện còn lưu tại ban Tổ chùa Vạn Thiện. |
Sau khi chuyện thầy Keo dùng chính đôi tay của mình thản nhiên khuấy cả chảo dầu đang sôi được truyền tới vị sư trụ trì và người dân trong vùng, thì thầy nghỉ hẳn việc chăn trâu mà chỉ chuyên tâm kệ kinh, học pháp. Theo lời kể của Đại đức Thích Trừng Thông, trụ trì hiện tại của chùa Vạn Thiện, một thời gian sau, khi đạo duyên đã mãn, sư thầy Thiện Khoáng (tức thầy Linh Phù – PV) quyết định tịnh cốc tuyệt thực và lập đàn Trà Tỳ tự thiêu. Sự việc này được hòa thượng trụ trì đồng ý. Ngoài số củi do trâu mang về mỗi ngày, thầy Keo xin thêm người dân trong thôn mỗi người một bó củi.
Phần đông mọi người đều hoan hỉ, nhưng cũng có một số tỏ vẻ không vui lòng. Trước khi lên giàn thiêu, ngài có ngụ ý để lại cho dân làng trong vùng một món vật mọn, có thể giúp dân làng cầu mưa trong mỗi vụ mùa. “Đúng Ngọ, ngài ung dung lên ngồi trên đống củi, gõ mõ tụng kinh.
Không ai nỡ châm lửa, ngài phải trở xuống mồi lửa, lửa cất ngọn rồi, ngài bước lên giàn trở lại, tay gõ mõ miệng tụng kinh. Ngọn lửa càng cao, tiếng mõ tiếng kinh nghe càng rõ. Mãi đến khi lửa tắt, tiếng kinh tiếng mõ mới lần lần theo bóng khói bay lên tầng mây xanh để chìm vào im lặng...”, trụ trì Thích Trừng Thông kể lại.
Sau khi hỏa thiêu, dân làng nhớ lời dặn và lên nhặt xá lợi, thì thấy một cái chung cổ (bình nhỏ - PV) đựng cái móng tay của ngài còn tươi hấn, không dính chút khói, chút tro nào. Ngoài những cây củi cháy hết, bên cạnh vẫn còn một số cây củi còn nguyên, không xổ dây, không sém lửa, ai nấy đều cho rằng những bó củi còn nguyên kia là của những người không thành tâm cúng dường, ngài Thiện Khoáng hoàn lại hầu mong họ sám hối. Cái chung đựng móng tay là vật báu sau này được người trong thôn thờ tự. Từ đấy, hễ người dân muốn cầu mưa, đặt cái móng tay ấy ở đâu, lập tức mưa kéo đến nơi đó. Sau sự kiện đó, hòa thượng bổn sư phong cho ngài danh tự là Linh Phù.
Về phía đàn trâu, sau khi ngài Linh Phù viên tịch, không còn ai trông nom, cho nên đã lần lượt kéo nhau vào núi và không trở về chùa nữa. Sự ly kỳ chưa dừng lại ở đó, Đại đức Thích Trừng Thông kể tiếp: “Tại đài hóa thân Thiền sư Linh Phù, không biết từ bao giờ mọc lên một cây song giá. Đến khoảng năm 1920 thì bị cơn bão lớn xô đổ.
Cũng tại nơi này mọc lên một cây me, đồng thời một cặp rắn lớn xuất hiện và lấy gốc cây này làm nơi trú ngụ”. Lúc bấy giờ, tại đây, sư sãi trong chùa cùng dân làng đã lập bia tưởng niệm và hai tháp thờ (tháp lớn thờ Tổ sư Linh Phù, tháp nhỏ thờ sư cô nấu dầu) trong một khuôn viên nhỏ trước cổng chùa, cạnh gốc me đại thụ.
Cây me cổ thụ bên ngôi tháp của ngài Linh Phù và ni cô nấu dầu tương truyền có cặp rắn thần canh giữ rất linh thiêng. |
Về “báu vật” ngài Linh Phù để lại, ngày nay người dân quanh Núi Chúa, cạnh Suối Đổ vẫn còn thờ tự. Từ khi “báu vật” được đem lên núi thì vùng chung quanh nơi đó luôn luôn được mùa vì trời thường mưa. Người bên Đại Điền biết được, bèn lén sang lấy đem về để nơi am Chúa, trên Núi Chúa. Từ ấy Đại Điền ruộng nương mỗi ngày trở nên phì nhiêu. Người bên này biết được, song nghĩ rằng Đại Điền nhiều ruộng hơn nên hoan hỷ để “báu vật” bên đó, chỉ khi nào trời nắng hạn quá mới thỉnh về ít hôm, rồi cũng giao hoàn.
Đại Đức Thích Trừng Thông dẫn lời các bậc tiền bối cho hay: “Lúc còn sống, sư thầy tôi có nhiều lần nhắc đến cặp rắn sống bên ngôi tháp. Cặp rắn này thường hay xuất hiện, người dân trong vùng chỉ thấy vào ban ngày trong lúc đi ngang qua. Còn về đêm thì không ai dám đến gần ngôi tháp linh thiêng này vì sợ cặp rắn nổi giận”.
Ngày trước, nơi đây là chốn thâm u và tĩnh mịch nên mỗi lần đi qua ngôi tháp mọi người đều rất sợ hãi, nhất là mỗi khi bắt gặp cặp rắn này. Cũng theo lời vị trụ trì, lần đầu tiên người ta phát hiện cách đây đã 60 năm trong một lần đi săn bắn nơi gần tháp. Hôm đó, khi một tay thợ săn đến khu vực tháp, thì thấy hai con rắn lớn đang bò cùng nhau rồi nằm khoanh tròn trước ngôi tháp. Người thợ săn từng bắt bao loài mãnh thú, nhưng hôm đó phải kinh sợ bỏ chạy và dừng cuộc săn bắt khi giáp mặt “rắn thần”.
Theo mô tả thì cặp rắn này thuộc loài hổ mang chúa, có mào đỏ gồm một con đực, một con cái. Rắn đực màu đen, thân to bằng bắp đùi người lớn, dài hơn 5 thước. Con cái to và dài hơn nữa. Trông rất hung dữ, nhưng chưa thấy chúng làm hại ai bao giờ. Có một điều lạ là trên đầu của mỗi con rắn đều có hình chữ thập màu trắng nhạt, trông rất khác lạ so với những con rắn từng thấy trong vùng. Người dân nơi đây thường gọi là “rắn ông, rắn bà” hay “thần rắn”. Và cho rằng đôi rắn đã tịnh tu lâu năm đã thành tinh bên ngôi tháp này.
Sau này, không ai còn nhớ lần cuối cùng nhìn thấy cặp rắn này là vào thời điểm nào nữa.