Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Truyền thuyết về vị Tổ sư Linh Phù có phép thần thông

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Ngày nay, bất kỳ du khách nào đến với Vạn Thiện ít nhiều đều được nghe giai thoại về những phép "thần thông quảng đại" của Ngài Linh Phù - một vị sư chân tu đắc đạo thành Phật sống giữa đời thường cách đây hơn 300 năm.

(ĐSPL) - Ngày nay, bất kỳ du khách nào đến với Vạn Thiện ít nhiều đều được nghe giai thoại về những phép "thần thông quảng đại" của Ngài Linh Phù - một vị sư chân tu đắc đạo thành Phật sống giữa đời thường cách đây hơn 300 năm.

Tương truyền, vị sư Tổ này có thể lấy tay trần khuấy chảo dầu từ lúc đông đặc cho tới khi dầu nóng sôi sùng sục mà không hề hấn gì. Không những vậy, ngài còn "điều khiển" đàn trâu đi ăn bằng tuệ cảm, biến đàn trâu đen thành trâu trắng. Hơn nữa, ông còn có thể gióng chuông gọi phượng hoàng từ trên trời xuống trần cùng tu tập...?

Vị "Phật sống" chăn đàn trâu bằng ý nguyện của tuệ cảm?

Chúng tôi được diện kiến với trụ trì tiền thân chùa Vạn Thiện (tại thôn An Ninh, xã Diên An, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), ngày nay là chùa Phụng Thùy Sơn, do Thiền sư Thiệt Vinh, hiệu Bửu Hạnh khai sinh vào khoảng đời vua Lê Hy Tông (1676-1705). Chùa xây cất tại Suối Đổ, trên triền một ngọn núi trong dãy Hoàng Ngưu Sơn, thuộc địa phận thôn Phước Trạch. Do đó núi có tên là Hòn Chù. Đến năm Giáp Dần (1794), Thiền sư ân Tùy cho dời chùa xuống thôn An Ninh như ngày nay và đổi tên thành chùa Vạn Thiện.

Trụ trì Thích Trừng Thông và ngôi tháp thờ tự Ngài Linh Phù ở chùa Vạn Thiện ngày nay.

Theo lời kể của trụ trì Thích Trừng Thông, tương truyền, ngài Linh Phù tên thật là Keo, người gốc Bình Định, không rõ năm sinh, năm mất. Khi lên núi học đạo cùng với sư thầy Bửu Hạnh, sư Keo được giao nhiệm vụ ngày ngày chăn một bầy trâu hơn 100 con, sáng thả lên núi đi ăn, chiều lại lùa về chùa. Mỗi ngày, khi đàn trâu về chuồng, trên lưng mỗi con đều có một bó củi, khiến cho sư thầy Bửu Hạnh hết sức hài lòng về người đệ tử vừa siêng năng lại hiền lành, từ tốn của mình. Sau này, chính vị đại sư đã truyền lại cho sư Keo không chỉ giáo lý, kinh sách nhà Phật mà cả những phép thuật "thần thông quảng đại".

Sau khi Tổ sư Bửu Hạnh viên tịch, sư Keo vẫn ở lại núi để chuyên tâm học đạo và chăn giữ một bầy trâu, do sư thầy căn dặn lúc còn sống. Trong số những đệ tử chân truyền của ngài thì chỉ có một mình sư Keo là có đủ sức mạnh và tâm trí tự tại để gióng tiếng chuông vang vọng nhất, gọi những cánh chim phượng hoàng ghé xuống trần gian cùng tu đạo. Theo đó, cứ hàng đêm trăng sáng, thầy Keo lại một mình tu luyện khổ hạnh với đàn chim phượng và chiếc chuông đồng. Để tang thầy xong, sư Keo mang theo chiếc chuông đồng xuống núi, lập một ngôi chùa mới lấy tên là Phụng Thùy Sơn Vạn Thiện ở gần bờ sông tiếp tục tu đạo và truyền giảng Phật pháp.

Bia đá ghi lại huyền tích về những phép "thần thông quảng đại" của Ngài Linh Phù.

Thầy trụ trì Thích Trừng Thông giải thích: "Tên chùa được ghép từ tên tổ đình cũ là Phụng Thùy Sơn do ngài Bửu Hạnh khai mở, rồi thêm vào chữ Vạn Thiện với ý nghĩa kính trọng người thầy dạy đã truyền Phật pháp. Vì lúc này trong vùng chưa có người ở nên chùa của vị sư trẻ được mở rộng ra mấy chục mẫu đất. Sau khi đặt chuông lên gác để thờ tự, ngày ngày sư Keo vẫn lên núi chăn trâu và tu đạo, để chùa lại cho những vị sư tăng khác coi giữ. Mãi một thời gian sau, sư Keo mới chính thức ở lại chùa truyền giảng kinh Phật cho tăng ni".

Từ đó, sư Keo không còn tự mình đi chăn đàn trâu nữa, mà mỗi sáng ông đều mở cửa chuồng cho chúng tự đi ăn ở núi Hòn Chúa, chiều chúng lại tự động đi về chùa. Điều kỳ lạ là, dù không có ai trông nom, chăn thả đàn trâu, nhưng mỗi chiều về trên lưng mỗi con vẫn có một bó củi. Chính điều này khiến cho tất cả mọi người trong chùa cũng như dân trong vùng đều ngạc nhiên, thán phục. Mọi người cho rằng, thầy Keo đã tu hành đắc đạo, nên có phép thần thông để điều khiển những vật từ xa theo ý nguyện tuệ cảm của mình. Kể từ đó, mọi người trong vùng tôn kính "vị sư chăn trâu" này như một vị Phật sống. Sự thần thông của thầy Keo vang xa khắp vùng Diên Khánh. Nhân dân nườm nượp kéo nhau lên chùa, nghe thầy giảng đạo.

Sự tích tay không nấu sôi chảo dầu

Cũng theo như thầy Thích Trừng Thông, những câu chuyện về vị tổ sư của chùa Vạn Thiện dù có kể cả ngày cũng không hết. Ngoài câu chuyện chăn trâu ly kỳ, tổ sư Linh Phù còn có thể tay không khuấy chảo dầu đông đặc như băng, cho tới khi dầu sôi sùng sục mà chẳng cần đốt củi ở bên dưới. Câu chuyện này không những đi vào tâm khảm của các thầy chùa, sư sãi ở Vạn Thiện mà "ăn sâu" vào lòng dân các vùng lân cận. Tới giờ họ vẫn còn kể cho con cháu mình nghe, như nhắc nhớ về một vùng đất thiêng liêng được quý nhân phù trợ hàng trăm năm qua.

Thầy trụ trì Thích Trừng Thông kể tiếp, xưa, ở chùa có rất nhiều ni cô chuyên đảm trách việc nấu dầu chay từ cây hạt tía để phục vụ nấu ăn. Khu vực này chỉ dành riêng cho ni cô, đặc biệt kiêng các sư thầy qua lại. Vì chỉ cần có bóng dáng người đàn ông bước vào, ngay lập tức lửa trong lò sẽ tắt, mẻ dầu coi như "xôi hỏng bỏng không", "vị thiêng" của dầu không còn. Vì thế, nhà chùa đặt ra nội quy và thực hiện nhiều hình phạt dành cho bất cứ ai phạm điều này.

Một hôm, sư Keo đi chăn trâu trên núi về, không hiểu đầu óc để đi đâu mà lại đi nhầm vào phòng nấu dầu của các ni cô. Nhìn thấy sư Keo đẩy cửa bước vào, một ni cô lớn tuổi thất kinh la lớn: "Thôi rồi, ông Keo làm hư hỏng hết mẻ dầu chay này rồi!". Đúng lúc đó thì lửa trong lò bỗng dưng tắt ngấm, dầu đóng lại thành băng trong chảo, đông cứng. Để cứu vãn tình thế, các ni cô yêu cầu sư Keo phải tự lấy củi đun lại bếp, đồng thời dùng đũa khuấy cho sôi chảo dầu lên.

Những tưởng, sư Keo sẽ rơi vào thế bí nhưng ngài không nói không rằng, lẳng lặng tiến đến chảo dầu đông như tuyết, vén tay áo lên và nhúng cả cánh tay vào khuấy tan những bọng dầu cho đến lúc dầu sôi sùng sục mới thôi. Khuấy xong, ngài điềm nhiên bước ra ngoài mà cánh tay vẫn không hề có dấu hiệu bị bỏng và cũng chẳng đọng lại một giọt dầu nào cả. Các ni cô thấy vậy thì thất kinh, vội đem sự việc này trình lên với sư trụ trì Bửu Hạnh. Khi được mọi người thẩm vấn, sư Keo thừa nhận sự việc và lý giải, đó là công phu thiền định mà thầy tu tập mỗi khi dẫn đàn trâu đi ăn trong núi Hòn Chúa.

Sự thần thông của sư Keo trong chùa Vạn Thiện bay xa, nhiều người dân địa phương kéo đến để xem thực hư chuyện kỳ lạ này. Đứng trước nhiều người, sư Keo được trụ trì cho phép chứng minh khả năng của mình, để đại đồng dân chúng thưởng lãm. Những người có mặt ở sân chùa hôm đó không ai ngờ rằng một người trẻ tuổi như thầy Keo lại có công đức tu hành đạt đến cảnh giới phi phàm như vậy. Sau khi tận mắt chứng kiến sư Keo nấu dầu sôi bằng tay trần, nhiều người đã chắp tay quỳ lạy. Sau đó, sư trụ trì phong tặng sư Keo pháp hiệu Linh Phù.

Từ đó, người dân từ nhiều nơi kéo đến chùa Phụng Thùy Sơn Vạn Thiện chiêm ngưỡng và học đạo của thầy Linh Phù ngày càng đông. Một thời gian sau, ngài Linh Phù xin với trụ trì chùa cho được lên núi để tịch cốc. Rồi ngài lập đài, tự thiêu để lại cho đời nhiều điều kỳ bí và sự linh thiêng, phù trợ mùa màng cho cả một vùng dân cư rộng lớn...

Chuyện kể của nhà sư trụ trì

Sư thầy trụ trì Thích Trừng Thông dẫn chúng tôi ra hai ngôi tháp thờ Ngài Linh Phù và ni cô nấu dầu bên gốc me cổ thụ. ông bảo rằng: "Những chuyện kể trên đã được ghi lại trên bia tháp thờ tại chùa: Ngài Linh Phù, húy là Tế Cảm, tự Thiện Khoáng, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 36. Ngài là đệ tử của Tổ sắc tứ thụy hiệu Viên Tịnh thượng Thiệt hạ Vinh, hiệu Bửu Hạnh, phái Lâm Tế đời thứ 35 khai sinh Tổ đình sơn Phụng Thùy Sơn. Ngài là vị Thiền sư hành trì miên mật pháp môn Tịnh Độ chứng nhiều thánh quả: Chăn một bầy trâu đen biến thành trâu trắng, dùng cánh tay khuấy vào chảo dầu sôi...".

Tô Hương Sen

Tin nổi bật