Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lý do không nên đi giày vào nhà

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Việc đi giày dép vào trong nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe, do đó một số chuyên gia khuyên nên cởi giày trước khi vào nhà.

VnExpress dẫn thông tin từ Daily Mail cho biết, một nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ) chỉ ra rằng, 96% số giày dép đi từ ngoài vào dương tính với vi khuẩn coliform, trong khi 27% số giày dép chứa vi khuẩn E. coli, vốn có thể gây tiêu chảy, nhiễm trùng nặng, thậm chí là tử vong.

Đáng lo ngại hơn, chất trám nhựa đường có chứa các hợp chất gây ung thư. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, các hóa chất này có thể tồn tại ở trong nhà, với nồng độ cao gấp 37 lần ngoài trời.

Trẻ nhỏ thường bò trườn dưới sàn - nơi dễ tích tụ vi khuẩn và hóa chất độc hại từ đế giày. Vậy nên, có thể nói đây chính là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất khi người lớn đi giày ngoài đường vào nhà.

Ngoài E. coli, các nghiên cứu còn phát hiện ra giày dép có thể chứa vi khuẩn Clostridium difficile gây ra tiêu chảy và tụ cầu khuẩn, vốn là tác nhân của những vết nhiễm trùng da.

VietNamNet dẫn thông tin từ Newsweek cho biết thêm, dữ liệu tổng hợp của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Vệ sinh Mỹ công bố đã ghi nhận "một lượng lớn vi khuẩn" ở cả phần đế và bên trong giày.

Tiến sĩ Charles Gerba - một nhà vi trùng học, kiêm giảng viên Đại học Arizona, đã tìm thấy trung bình 421.000 đơn vị vi khuẩn ở phía bên ngoài giày và hơn 2.800 đơn vị ở bên trong.

“Phổ biến nhất (chiếm tới 96%) là vi khuẩn coliform và E. coli ở phía bên ngoài giày, cho thấy sự tiếp xúc thường xuyên với phân, có thể là từ sàn phòng vệ sinh hoặc là tiếp xúc với phân động vật ngoài trời”, Tiến sĩ Gerba chia sẻ.

Một số chuyên gia khuyên nên cởi giày trước khi vào nhà. Ảnh minh họa: Houseofwellness

Một nguy cơ khác của việc đi giày vào trong nhà là bụi chì, kim loại nặng có nguy cơ gây tổn thương não bộ và ảnh hưởng tới  sự phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ. Ngoài ra, phấn hoa và chất gây dị ứng có thể bám vào giày dép rồi phát tán trong nhà, khiến người bị viêm mũi dị ứng càng khổ sở hơn.

Tiến sĩ Manal Mohammed - chuyên gia vi sinh tại Đại học Westminster (Anh) cảnh báo: "Giày dép ngoài đường mang theo vi khuẩn, chất gây dị ứng, cũng như hóa chất độc hại. Đi giày vào nhà chẳng khác nào đang mời cả đường phố vào không gian sống".

Theo Tiến sĩ Mohammed, hàng ngày giày dép tiếp xúc với nhiều môi trường ô nhiễm khác nhau, ví dụ như sàn nhà vệ sinh công cộng, hành lang bệnh viện, công viên hoặc là cánh đồng và tích tụ các vi khuẩn, hóa chất có hại từ những nơi này.

Vậy nên, bà kêu gọi mọi người nên tháo giày ngay khi bước vào nhà để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn và hóa chất có hại. "Cấm giày ngoài đường vào trong nhà là một trong những biện pháp sức khỏe cộng đồng đơn giản, hiệu quả nhất có thể làm", Tiến sĩ Mohammed bày tỏ.

Tương tự, Tiến sĩ Saurabh Sethi - bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa được đào tạo ở Đại học Harvard và Đại học Stanford (Mỹ) cũng khuyên: “Để tránh các nguy cơ và giữ gìn sức khỏe cho các thành viên, tôi khuyến khích mọi người nên cởi giày trước khi đi vào nhà bạn hoặc là bất kỳ nơi cư trú nào".

Được biết, Tiến sĩ Sethi đã làm bác sĩ 20 năm, có phòng khám chuyên khoa tiêu hóa riêng tại Fremont (California, Mỹ). Anh bắt đầu để giày ở  ngoài cửa sau khi trở thành bác sĩ do “lo lắng mang vi trùng có hại từ bệnh viện, phòng khám và trung tâm phẫu thuật về nhà”.

Trong trường hợp không thể hoặc không muốn cởi giày, bạn có thể sử dụng bọc giày dùng một lần để giảm thiểu việc truyền chất ô nhiễm.

"Lớp bọc tạo ra một rào cản giữa giày với các bề mặt trong nhà, giảm thiểu nguy cơ lây lan bụi bẩn và chất gây ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh sàn cũng như các bề mặt là một biện pháp vệ sinh tốt", Tiến sĩ Sethi chia sẻ thêm.

Ngược với các ý kiến trên, mội số chuyên gia cho rằng vẫn có lợi ích nhất định khi đi giày trong nhà, nhất với trẻ em. Theo một nghiên cứu tại Phần Lan năm 2019, trẻ sống trong các gia đình đi giày dép vào nhà có tỷ lệ hen suyễn thấp hơn. Lý do được đưa ra là vì trẻ em tiếp xúc với nhiều loại vi sinh vật từ đất có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ bị dị ứng hay hen suyễn.

Đây cũng chính là nội dung của "giả thuyết vệ sinh" cho rằng cuộc sống hiện đại quá sạch sẽ làm cho hệ miễn dịch không được rèn luyện từ nhỏ, dẫn tới phản ứng thái quá trước các yếu tố vô hại như bụi hay phấn hoa. Tuy nhiên, đến nay giới khoa học vẫn còn tranh cãi gay gắt về tính xác thực của giả thuyết này.

Tin nổi bật