Năm 1991, tại một ngôi làng nhỏ ở Quảng Tây, Trung Quốc, ông Trần Tam (tên nhân vật đã được thay đổi) cùng con trai lên núi săn cáo vì ruộng vườn nhà ông bị cáo phá hoại. Trong lúc tìm kiếm, hai cha con tình cờ phát hiện một hang động tối om. Tò mò, họ chui vào hang và vô cùng ngạc nhiên khi thấy một cục sắt khổng lồ. Nghĩ rằng cục sắt này có thể bán được tiền, ông Trần Tam liền bảo con trai khiêng ra khỏi hang.
Tuy nhiên, khi ra đến cửa hang, cục sắt bất ngờ rơi xuống đất vỡ tan, để lộ ra hàng chục món đồ cổ bên trong.
Cục sắt phủ đầy bùn đất ban đầu không khiến hai cha con họ Trần chú ý lắm. Chỉ đến sáng hôm sau, khi lau sạch lớp bùn đất, họ mới ngỡ ngàng nhận ra đó là một bức tượng kỳ lạ, hình dáng tựa như một con chó nhưng lại có sừng và đuôi ngắn.
Kho báu được lão nông phát hiện. Ảnh: Sohu
Sự kỳ lạ của bức tượng khiến ông Trần bối rối, linh cảm mách bảo lão nông đây không phải món đồ tầm thường. Hai cha con quyết định quay lại hang động, và quả nhiên, họ tìm thấy vô số bảo vật khác như chậu, kiềng ba chân, chai lọ cùng nhiều vật dụng với hình dáng độc đáo. Tổng cộng, họ mang về nhà 30 món đồ cổ còn nguyên vẹn.
Tin đồn về kho báu nhanh chóng lan rộng, thu hút sự chú ý của giới buôn bán cổ vật trong vùng. Họ đổ xô đến nhà ông Trần, và khi tận mắt chứng kiến những báu vật, sự mừng rỡ hiện rõ trên khuôn mặt những tay buôn lão luyện này. Họ nhận ra giá trị khổng lồ của những cổ vật và tiềm năng sinh lời kếch xù từ chúng.
Không chần chừ, họ ra giá cao ngất ngưởng cho ông Trần. Ngay cả bức tượng kỳ dị kia cũng được định giá lên tới 2 triệu NDT (6,8 tỷ đồng).
Mặc dù khoản tiền kếch xù do giới buôn cổ vật đưa ra vô cùng hấp dẫn, nhưng ông Trần vẫn lo ngại. Ông trăn trở rằng, nếu bán đi những cổ vật này, liệu có phải ông đang vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn bán trái phép, thậm chí có thể vướng vào vòng lao lý?
Sau những trăn trở, ông Trần quyết định liên lạc với cơ quan Quản lý Di tích Văn hóa địa phương ở Quảng Tây để giao nộp toàn bộ số cổ vật. Ảnh: Sohu
Sau những trăn trở, ông Trần quyết định liên lạc với cơ quan Quản lý Di tích Văn hóa địa phương ở Quảng Tây để giao nộp toàn bộ số cổ vật. Qua quá trình thẩm định, các chuyên gia xác định đây là kho báu có niên đại từ thời Chiến Quốc.
Trong số đó, nổi bật nhất là chiếc bình rượu bằng đồng hình kỳ lân với kỹ thuật chế tác vô cùng tinh xảo. Chiếc bình này sau đó được công nhận là di tích văn hóa hạng nhất quốc gia và trở thành báu vật của Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc. Các cổ vật còn lại cũng được xếp hạng di tích văn hóa hạng hai quốc gia.
Ghi nhận hành động đầy trách nhiệm của ông Trần, chính quyền địa phương đã trao tặng ông giấy khen và phần thưởng tiền mặt trị giá 200 NDT (khoảng 684.000 đồng).