Ngôn ngữ của đời sống vỉa hè, quán xá, phố phường Hà Nội nghìn năm văn hiến luôn biến hóa một cách cực kỳ khôn lường. Nếu chỉ căn cứ vào từ điển thông dụng, người ta, nhất là những người ngoại quốc mới học tiếng Việt, sẽ không tài nào hiểu nổi nghĩa của từ “hết vẹo” vốn đang thường trực trên đầu miệng người dân sống ở Thủ đô.
“Hết vẹo” là nói chệch của “hết vị”. “Hết vị” nghĩa là chấm dứt, là kết thúc, là mất đi vị trí, vị thế, ý nghĩa quan trọng đáng kể vốn có, hoặc cần phải có, của một ai đó, một sự vật, một sự kiện hay một biểu tượng nào đó.
“Hết vị rồi” nghĩa là thôi, xong rồi, là chẳng còn nghĩa lý gì cả. Như thế cũng đã là khẩu ngữ. Nhưng dân Thủ đô lại thích khẩu ngữ của khẩu ngữ hơn, nên người ta sẽ nói: “Hết vẹo rồi”.
Và tôi cũng sẽ bắt chước để nói “hết vẹo rồi” với bộ phim truyện dài 97 phút có cái tên là “Vị” (Taste), tác phẩm đầu tay của đạo diễn Lê Bảo, khi phim điện ảnh độc lập này phải nhận quyết định cấm phát hành tại Việt Nam do ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh ký ngày 12 tháng 7 năm 2021.
Nhưng tại sao phim “Vị” lại “hết vẹo”? Và khi nó “hết vẹo” thì điều gì đã thực sự xảy ra, đáng để chúng ta suy nghĩ?
Nên có vài dòng “Vị sử lược”. “Vị” của Lê Bảo, khởi thủy là một bản phim ngắn cùng tên, đoạt giải “Dự án triển vọng nhất” tại Silver Screen Awards ở Singapore năm 2016.
Có lẽ giải thưởng này chính là sự cổ võ, khích lệ rất lớn đối với Lê Bảo, nuôi dưỡng và thúc đẩy ở anh cái quyết tâm biến một “bài tập làm phim” trở thành một tác phẩm điện ảnh thực sự, đĩnh đạc, khẳng định một tư duy sáng tạo độc đáo mới lạ, chinh phục những con mắt nhà nghề khắt khe nhất.
Do đó suốt quãng thời gian từ năm 2016 đến năm 2020, đạo diễn Lê Bảo cùng với Đồng Thị Phương Thảo, nhà sản xuất đầy tinh thần dấn thân của phim “Vị”, đã nỗ lực không ngừng trong việc kêu gọi, săn tìm các nguồn kinh phí làm phim, và nỗ lực không ngừng trong việc vượt qua muôn vàn khó khăn của sự tổ chức thực hiện quay một bộ phim điện ảnh ở Việt Nam.
Để, vào ngày 1 tháng 3 năm 2021, dưới hình thức trực tuyến, bản hoàn chỉnh dài 97 phút của phim “Vị” đã được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin lần thứ 71, và được Ban giám khảo trao giải giành cho phim có ý tưởng mới lạ tại hạng mục “Encounters” (Những cuộc gặp).
Tuy nhiên vấn đề rắc rối là ở chỗ: Cho đến thời điểm tạm gọi là vinh quang đầu tiên ấy, phim “Vị” chưa hề đi qua cổng thẩm định, kiểm duyệt của Hội đồng duyệt phim quốc gia, chưa hề được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến, phát hành. Nghĩa là nó phạm lỗi “vượt rào”, nếu xét theo quy định của Luật Điện ảnh hiện hành.
Vì cái lỗi ấy, vào ngày 17 tháng 5 năm 2021, hãng sản xuất phim “Vị” đã bị Cục Điện ảnh ra quyết định phạt hành chính 35 triệu đồng, cho dẫu ông Cục trưởng Vi Kiến Thành vẫn có những lời ngợi khen rất mực trước năng lực sáng tạo của đạo diễn.
Nhưng “Vị” không phải phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên phạm lỗi này. Ít nhất, trước “Vị” cũng đã có phim “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy nêu gương vượt rào, với một khác biệt nhỏ: Ngày 4 tháng 9 năm 2019 nhà sản xuất phim “Ròm” gửi bản phim đến Cục Điện ảnh để thẩm định, và một tuần sau, ngày 11 tháng 9 năm 2019, Hội đồng duyệt phim quốc gia cho kết quả thẩm định, với yêu cầu phải sửa chữa một vài nội dung trong phim.
Nhưng trong khoảng thời gian ấy, dường như không quan tâm việc Hội đồng duyệt đang miệt mài ngồi “soi”, phim “Ròm” – bản nguyên dạng, tất nhiên – đã được gửi đi tham dự Liên hoan phim Quốc tế Busan và được xướng tên trong giải thưởng “New Currents” (Xu hướng mới) vào ngày 12 tháng 10 năm 2019.
Hai ngày sau, Cục Điện ảnh ra quyết định phạt hành chính nhà sản xuất phim “Ròm” 40 triệu đồng, kèm theo lệnh phải sửa bản phim theo đúng hồ sơ thẩm định của Hội đồng duyệt thì phim mới được cấp phép phổ biến, phát hành.
Quan sát hai trường hợp phạm lỗi vượt rào này theo một cách hời hợt rất dễ đưa người ta đến sự hồ nghi rằng, hình như cánh cổng của Hội đồng duyệt phim quốc gia luôn sập xuống đầy ác ý trước những bộ phim độc lập được trao giải tại các Liên hoan phim quốc tế uy tín?
Hình như các quyết định phạt tiền, bắt sửa chữa, hoặc cấm phổ biến của cơ quan quản lý Nhà nước về phim ảnh chẳng qua chỉ là những đòn trừng phạt trước sự bất tuân láo xược? Tôi không chia sẻ cách nghĩ này. Làm điện ảnh trong môi trường có Luật Điện ảnh, thì cứ căn cứ theo luật mà làm.
Luật quy định rằng phim phải qua thẩm định, kiểm duyệt rồi mới được cấp phép phổ biến, phát hành, thì nhà sản xuất phim chớ có liều mà đưa phim ra rạp – rạp trong nước hay rạp ở nước ngoài cũng vậy thôi – khi chưa đưa nó vào máy chiếu của Hội đồng duyệt phim quốc gia.
Quy định này chắc chắn gây ra lắm nỗi phiền phức khó chịu với nhiều nhà sản xuất phim, nhưng biết làm sao được, giá mà các vị được hành nghề điện ảnh ở một quốc gia không bắt buộc phim phải chịu kiểm duyệt trước khi ra rạp thì tốt biết bao nhiêu.
Phim Ròm và Vị đều bị phạt.
Nhưng ở đây, cũng như ở nhiều nơi khác, điều ấy đã được luật hóa, và trách nhiệm của các công dân gương mẫu chẳng phải là “thượng tôn pháp luật” hay sao?
Cái sự luật hóa ấy có thể sai hoặc đang trở thành sai, khi ấy thì cần phải sửa luật. Nhưng dù có sửa luật đến đâu chăng nữa, theo tôi, về nguyên tắc, việc kiểm duyệt, thẩm định một bộ phim trước khi phổ biến nó ra quảng đại công chúng cũng không bao giờ là thừa. Nó cần thiết chẳng khác gì việc phải kiểm định chất lượng và độ an toàn của một sản phẩm công nghiệp, điện tử, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ chơi cho trẻ em, sách báo, đồ gia dụng v.v... trước khi đưa ra thị trường.
Bởi thế, phim “Ròm” và phim “Vị” bị xử lý hành chính (phạt tiền), thì hoàn toàn không phải vì lý do: Chúng “đã là” những phim điện ảnh độc lập “lại can tội” đoạt giải tại các Liên hoan phim quốc tế uy tín. Mà đơn giản là vì các nhà sản xuất phim đã phạm phải cái lỗi hết sức sơ đẳng như đã nói, là vượt rào.
Vượt rào nghĩa là trốn duyệt. Trốn duyệt thì phải bị phạt, và sau đó vẫn phải chịu sự kiểm duyệt: Phải sửa chữa nếu chưa hợp lý, như phim “Ròm”, hoặc thậm chí bị cấm phổ biến nếu không thể sửa chữa được, như phim “Vị”. Đây chỉ là động tác hành pháp theo luật định, không thể không làm, của cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh mà thôi.
Tuy nhiên, nếu việc sửa chữa phim “Ròm” không gây ra những tranh cãi to tiếng – bằng chứng là nhà sản xuất và đạo diễn vẫn sửa “Ròm” theo yêu cầu của Cục Điện ảnh, và với bản phim đã sửa ấy, họ vẫn thắng lớn cả trong phòng vé quốc nội, cả ở một số Liên hoan phim Quốc tế sau Busan 2019 – thì việc phim “Vị” bị cấm phổ biến, phát hành ở Việt Nam quả thực là một vụ nổ lớn giữa làng điện ảnh, một cú trời giáng đối với những người làm phim.
Nói rằng đứa con tinh thần của họ bị bức tử ngay trên đất mẹ cũng không sai. Và một phim Việt Nam bị cấm chiếu ở Việt Nam thì đúng là... hết vẹo. Câu hỏi đặt ra: Tại sao?
Câu trả lời từ đại diện Cục Điện ảnh: Vì phim có nhiều cảnh khỏa thân tập thể, trực diện, trong đó có những cảnh năm nhân vật (một nam bốn nữ) cùng khỏa thân sinh hoạt trong nhà, kể cả khi ngồi ăn cơm.
Điều đó vi phạm quy định về “văn hóa truyền thống Việt Nam” mà Luật Điện ảnh bảo vệ. Hơn nữa tổng thời lượng những cảnh này lại lớn - 30 phút/ 97 phút phim – nếu cắt bỏ thì phim sẽ không còn là phim nữa, nên quyết định tối hậu là cấm chiếu.
Cục Điện ảnh nhấn mạnh: Quyết định này không chỉ là sự đồng thuận của tuyệt đại đa số các thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia, mà nó còn là sự đồng thuận của một Hội đồng tư vấn nữa, gồm đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Phụ nữ Việt Nam, và một số cơ quan truyền thông. Xuyên qua, rồi bỏ qua những bình luận rối mù trên các trang báo và mạng xã hội về câu trả lời cho lý do bức tử phim “Vị” như thế này, tôi thấy có một cặp cụm từ khóa đáng chú ý: “Khỏa thân” và “văn hóa truyền thống Việt Nam”.
Và thấy: Những người nắm quyền quyết định sinh mệnh của bộ phim đã không nhìn nó chỉ bằng con mắt của nghệ thuật điện ảnh thuần túy, mà hơn thế, và chủ yếu, họ nhìn nó bằng con mắt của một ý thức hệ đạo đức trừu tượng, ý thức hệ đạo đức nhân danh “văn hóa truyền thống Việt Nam” nói rằng “khỏa thân”, nhất là “khỏa thân tập thể”, “khỏa thân cả khi ngồi ăn cơm”, là xấu xa.
Tạm không bàn đến việc “văn hóa truyền thống Việt Nam” có thật là ác cảm với “khỏa thân”, “khỏa thân tập thể”, “khỏa thân cả khi ngồi ăn cơm” hay không, điều cần nhấn mạnh ở đây là, thật ra, kiểm duyệt nghệ thuật thì chẳng bao giờ và chẳng ở đâu chỉ là kiểm duyệt nghệ thuật thuần túy.
Nó luôn là sự kèm theo của những kiểm duyệt đạo đức, kiểm duyệt chính trị, kiểm duyệt tôn giáo, kiểm duyệt văn hóa... Nó luôn là những áp đặt ý chí của quyền lực. Ngược lại, cũng chẳng bao giờ và chẳng ở đâu có sáng tạo nghệ thuật chỉ là sáng tạo nghệ thuật thuần túy – phải ngây thơ hoặc giả vờ ngây thơ lắm mới có thể quyết đoán như vậy – người ta luôn dùng nghệ thuật để nói cái gì đó về mình, về người, về đời sống xã hội và cái chết tinh thần, về thế giới và thượng đế và quỷ sứ...
Vì thế, một trong những cách tốt để giảm thiểu xung đột giữa người thực hành nghệ thuật và người kiểm duyệt nghệ thuật, nếu có, theo tôi, là những văn bản pháp luật với các quy định cụ thể, càng chi tiết càng tốt.
Ví như trong trường hợp của phim “Vị”: Nếu Luật Điện ảnh hiện hành quy định rõ ràng rằng cảnh khỏa thân được phép chiếm bao nhiêu phần trăm tổng thời lượng phim, mỗi cảnh khỏa thân được kéo dài tối đa bao nhiêu phút, khỏa thân thì khỏa đến đâu, chỗ nào thì đủ... thì đã không có “cuộc chiến phim” vô tiền khoáng hậu trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, như ta thấy, đến mức quyền sở hữu một bộ phim Việt Nam phải nhường cho nước ngoài. (Và đến mức đạo diễn phim phải tuyên bố nhường cho người khác cái quyền mà chắc chắn ít ai dám nhận, ấy là quyền tác giả của phim: Quyền chính danh là người sinh ra tác phẩm điện ảnh. Tôi thì nghĩ là vị đạo diễn trẻ ấy chỉ đang cố tỏ ra hài hước). Mong rằng những người lo việc sửa đổi Luật Điện ảnh sẽ chú ý đến điểm này, và những điều tương tự.
Rốt cuộc thì phim “Vị”, nói sao mặc lòng, cũng đã “hết vẹo” trong danh nghĩa là một phim độc lập của điện ảnh Việt Nam, do người Việt Nam làm ra và tự do khai thác quyền sở hữu. Nó bị cấm chiếu ở Việt Nam và nó đã thuộc về người nước ngoài.
Nhưng ký ức của lịch sử điện ảnh thì chắc chắn không bao giờ quên được rằng “Vị” là tiếng nói sáng tạo và đầy ấn tượng – theo những bình luận điện ảnh từ nước ngoài - của một nhóm nhà làm phim Việt Nam trẻ tuổi. Họ nói, họ kể câu chuyện, họ biểu đạt suy nghĩ và tư tưởng của mình bằng ngôn ngữ của những cảnh phim khỏa thân và khỏa thân tập thể.
Phim “Vị” đã có thành công bước đầu trên trường điện ảnh quốc tế, và rất có thể nó còn gặt hái được nhiều thành công to lớn hơn nữa. Nhưng đến đây thì trong tôi lại nảy một câu hỏi: Thế nếu không khỏa thân thì sao? Không khỏa thân. Không tình dục. Không bạo lực đánh đấm bắn giết. Không lâu đài xe cộ váy áo xa hoa. Liệu có thành công không?
Hỏi như thế, tôi nghĩ đến điện ảnh Iran, một nền điện ảnh bị luật Hồi giáo khắc nghiệt bao trùm áp chế kín kẽ đến mức nghẹt thở, vậy mà các nhà điện ảnh Iran vẫn tìm cách vẫy vùng được, và cho ra đời không ít kiệt tác khiến điện ảnh thế giới phải kính phục.
Hoài Nam
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Bài đăng trên ấn phẩm in Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (158)