Ông Dương Ngọc Minh (sinh năm 1956 ở TP.HCM), tổng giám đốc công ty cổ phần Hùng Vương (HVG), một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành thủy sản Việt Nam. Với chiến lược kinh doanh bền vững, khép kín từ chế biến thức ăn, nuôi trồng, chế biến sản phẩm xuất khẩu, chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, HVG đã có bước phát triển ngoạn mục. Khởi nguồn từ con tôm, sau đó chuyển qua con cá tra, nay, HVG lại đang quay trở lại phát triển con tôm với kế hoạch mạnh bạo hơn.
Ông Dương Ngọc Minh. |
Nhân ngày doanh nhân Việt Nam sắp đến (13/10), ông Dương Ngọc Minh đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện xoanh quanh kinh nghiệm làm ăn của cá nhân ông cũng như chiến lược phát triển của HVG trong những năm tới...
Ông đã kinh doanh được bao lâu rồi? Nhân duyên nào khiến ông đến với cá tra chứ không phải ngành khác?
Tôi bước chân vào kinh doanh ngành thủy sản từ năm 1978, đến nay đã trên 30 năm.
Cơ duyên bắt đầu từ nông trường Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ, TPHCM). Tại đây, ngành nuôi trồng và chế biến xuất khẩu tôm đạt kết quả ngoài mong đợi. Đến năm 1984, tôi về làm giám đốc công ty đông lạnh Hùng Vương, một doanh nghiệp nhà nước. Lúc bấy giờ, thủy sản đông lạnh Hùng Vương là một trong số ít doanh nghiệp ở Việt Nam xuất khẩu mặt hàng tôm sang được các thị trường lớn trên thế giới.
Tôi nhớ, doanh số suất khẩu hồi đó của Hùng Vương đã đạt đến 30 triệu USD mỗi năm và công ty thủy sản Hùng Vương cũng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của TP.HCM có kim ngạch xuất khẩu cao như vậy.
Hùng Vương chính thức chuyển sang chế biến cá tra từ năm 2003. Tại sao lại có bước chuyển hướng như vậy? Vì chúng tôi nhận thấy, con cá tra có lợi thế nuôi trồng dựa vào nguồn nước tự nhiên phong phú của dòng song Mê Kông, trong tương lai, có thể tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến xuất khẩu. Do đó, tôi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy, chọn cá tra là mặt hàng chế biến, xuất khẩu mang tính chiến lược, ổn định lâu dài.
Để đạt được thành công như ngày hôm nay, hẳn ông đã phải trãi qua nhiều khó khăn. Ông có thể chia sẻ bí quyết?
Hùng Vương có được thành công trong chế biến xuất khẩu cá tra như ngày hôm nay là cả quá trình gây dựng và phát triển xuyên suốt 10 năm liên tục. Tôi có thể khẳng định, nếu chỉ đơn thuần làm con cá tra như các doanh nghiệp khác, thì không bao giờ thành công như ngày hôm nay.
10 năm qua, Hùng Vương luôn kiên định với chiến lược xây dựng chuỗi khép kín từ chế biến thức ăn, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu. Chuỗi khép kín này đưa đến cho chúng tôi có được chi phí giá thành đầu vào và chất lượng đầu ra tốt nhất. Ở đây, giá thành nuôi trồng được chúng tôi tính toán, dự báo cho cả năm, đồng thời phải đảm bảo dưới giá thành nuôi trồng chung của thị trường từ 10-15\%.
Để đạt được kết quả này, Hùng Vương có lợi thế chủ động được nguồn thức ăn và chất lượng thức ăn luôn được duy trì ở mức cao nhằm tạo ra sản phẩm nuôi trồng ở mức tốt nhất. Điều này thể hiện qua định mức trong chế biến, định mức về màu sắc, định mức chất lượng phi lê cá tra…
Nói tóm lại, từ định hướng phát triển bài bản ngay từ đầu, nên quy trình sản xuất của Hùng Vương mang tính đặc thù mà các doanh nghiệp cùng ngành không thể có được. Trên cơ sở lợi thế giá thành để cạnh tranh, Hùng Vương có thể bán được cá vào tất cả các thị trường. Do đó, cho dù thị trường có biến động, giá tăng hoặc giảm cũng không ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu cũng như đảm bảo lợi nhuận những năm qua.
Ông Dương Ngọc Minh hiện sở hữu 33,9\% cổ phần của Hùng Vương, tương ứng với số cổ phiếu trị giá gần 1.500 tỷ đồng. |
Yếu tố gia đình và bè bạn có tác động thế nào đến thành công của ông ngày hôm nay?
Trong suốt quá trình gây dựng thương hiệu Hùng Vương, chúng tôi chỉ có một tiêu chí hướng đến đó là con người. Hơn 10 năm qua, Hùng Vương tạo mọi điều kiện cho mỗi cá nhân phát huy hết năng lực sáng tạo, yêu nghề để giao việc. Tất cả nhân sự cấp cao là những con người biết nắm bắt công việc công ty, có tuy duy quản lý và kinh doanh, nhạy bén thị thị trường, có ý chí phấn đấu, biết phát triển và bảo vệ quyền lợi công ty. Tôi cho rằng, đây là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự phát triển của Hùng Vương.
Ngoài ra, 16 ngàn lao động có tay nghề cao cũng đóng góp vào sự thành công của Hùng Vương. 10 năm qua, công ty dành ra chính sách ưu đãi, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Bên cạnh yếu tố con người, để có được như ngày hôm nay, chúng tôi luôn đặt tiêu chí chữ tín lên hàng đầu. Tất cả khách hàng biết đến Hùng Vương cách đây 30 năm, họ đều đánh giá cao giá trị chữ tín trong làm ăn của đội ngũ nhân viên và ban lãnh đạo Hùng Vương.
Ngay cả lực lượng lao động của chúng tôi cũng gắn bó, dành hết tâm huyết cống hiến cho sự thành công của công ty. Tôi cho rằng, việc xây dựng chữ tín trong làm ăn là một trong những yếu tố mà người đầu tàu của bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải hướng đến và đạt được. Có chữ tín là có tất cả. Bạn bè, gia đình, đối tác làm ăn và đội ngủ lao động...
Gần đây, HVG có kế hoạch huy động vốn “khủng”, ông có thể chia sẻ rõ hơn về nhu cầu sử dụng vốn cũng như chiến lược của công ty thời gian tới?
Việc huy động vốn thời gian qua của Hùng Vương là nhằm bảo hiểm cho tín dụng hoạt động của công ty. Hùng Vương chấp nhận lãi vay cao hơn 1\%, nhưng ngược lại, chúng tôi có được chủ động trong đầu tư và dự trữ nguyên liệu bởi phần lớn nguyên liệu ở Việt Nam mang tính thời vụ.
Thông thường vào vụ thu hoạch, nguồn cám khá dồi dào, nếu có vốn sẽ trữ được sản lượng lớn với mức giá cạnh tranh. Chênh lệch giá nguyên liệu dự trữ trong vụ và trái vụ thường lên đến 20\% giá. Do đó, nếu doanh nghiệp nào chủ động nguyên liệu đầu vào cũng đồng nghĩa với việc họ chủ động nguyên liệu đầu ra và Hùng Vương đang có lợi thế này.
Bằng chứng là 3 năm nay, nhờ có được nguồn nguyên liệu dự trữ dồi dào nên trong kinh doanh, nhà máy thức ăn Việt Thắng luôn luôn đạt được ba tiêu chí. Thứ nhất là vấn đề ổn định chất lượng, thứ hai là giá bán, thứ ba là đảm bảo người nuôi có giá thành và chất lượng nguyên liệu tốt nhất.
Thành công này gắn liền với vấn đề đầu tư thiết bị, mang lại hiệu quả về chất lượng. Chúng tôi tự hào sở hữu nhà máy có đầu tư chiều sâu về trang thiết bị số một tại Việt Nam trong ngành thức ăn.
Hai năm nay gần đây, mặc dù thị trường nguyên liệu đầu vào thường xuyên gặp biến động, nhưng nhà máy thức ăn Việt Thắng không tăng giá bán, ngược lại còn tạo điều kiện cho người nuôi có lợi nhuận cao. Cũng trong vòng hai năm trở lại đây, nhờ có nguồn vốn mạnh để dự trữ nguyên liệu mà Hùng Vương luôn luôn là doanh nghiệp dẫn đầu cung cấp thức ăn thủy sản.
Mặc dù hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm lĩnh 80\% thị phần thức ăn, nhưng riêng lĩnh vực thủy sản, Hùng Vương lại đang dẫn dắt thị trường. Chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài do chủ động được nguồn vốn dự trữ nguyên liệu giá thấp để đưa ra thị trường với chất lượng tốt, giá bán rẻ, đồng thời còn tham gia vào bình ổn giá cả.
Hùng Vương có ý định tìm kiếm cổ đông chiến lược là doanh nghiệp nước ngoài hay không?
Chúng tôi luôn hoan nghênh các nhà đầu tư chiến lược bên ngoài vào Hùng Vương nhằm phát triển thương hiệu công ty. Nhưng, những nhà đầu tư chiến lược nào nếu chỉ có ý định tìm kiếm doanh thu đơn thuần từ việc đầu tư tài chánh vào Hùng Vương thì chúng tôi sẽ hạn chế. Đây là biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích tối đa cho cổ đông hiệu hữu.
Gần đây HVG đầu tư vào một số công ty tôm như FMC, Thủy sản Tắc Vân…nhưng vẫn chưa nắm cổ phần chi phối? Liệu ông có ý định tiến sâu vào lĩnh vực này hay không?
Tôi xin khẳng định, 30 năm trước, lĩnh vực tôm là ngành nghề chính và chuyên nghiệp của Hùng Vương. Cách đây ba thập kỷ, tôi đã sống và gắn bó với con tôm. Sống ở đây là ăn, ngủ, chế biến và xuất khẩu con tôm.
Khi chuyển sang con cá tra và đã tạo được ổn định trong sản xuất và không còn sự cạnh tranh như ngày hôm nay, chúng tôi nhận thấy đến lúc phải quay lại con tôm, trên cơ sở khép kín như con cá. Khi quay lại con tôm, chúng tôi đã tính ngay đến yếu tố phải đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất. Do đó, trong năm 2015, Hùng Vương sẽ hoàn toàn chủ động được nguyện liệu từ nuôi trồng và thu mua khi mùa vụ đến.
Nói riêng về thương hiệu xuất khẩu tôm, tôi khẳng định, thương hiệu tôm của Hùng Vương đã có từ lâu, nay qua lại, chúng tôi không cần phải làm lại từ đầu nữa. Với những khách hàng đang nhập khẩu tôm trên thế giới, họ đều biết đến Hùng Vương và luôn mong muốn chúng tôi trở lại làm mặt hàng này để ký hợp đồng.
Lẽ dĩ nhiên, trong năm 2015, Hùng Vương sẽ đầu tư mạnh vào chế biến xuất khẩu tôm nhằm đạt kế hoạch doanh số xuất khẩu 300 triệu USD. Chúng tôi sẽ lấy 4 nhà máy, gồm nhà máy FMC, nhà máy Tắc Vân, nhà máy Việt Phú và nhà máy Bến Tre để thực hiện kế hoạch này. Hùng Vương cũng sẽ tiếp tục đầu tư, từng bước nâng cấp bốn nhà máy trong năm 2016 nhằm đạt kế doanh thu xuất khẩu 500 triệu USD vào năm 2018.
Thị trường Nga đang được đánh giá là rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, vậy cơ hội cho thủy sản ở thị trường Nga là gì thưa ông? Nếu HVG thành công khi vào thị trường Nga sẽ đưa lại khoảng bao nhiêu doanh thu, lợi nhuận cho công ty năm nay và năm tới?Ngoài thủy sản thì những doanh nghiệp nào ở VN hưởng lợi nhiều nhất?
Riêng về thị trường Nga, chúng ta phải thấy thị trường này tiêu thụ rất nhiều sản phẩm chứ không riêng gì mặt hàng thủy sản. Đối với Nga, ba lĩnh vực mà họ có thế mạnh đó là khai thác dầu mỏ, khai thác dầu và khai thác khoáng.
Về nông nghiệp, Nga có gỗ khai thác từ rừng trồng, có lúa mì và thủy sản đánh bắt. Do đó, quan hệ với thị trường Nga phải biết khai thác hết lợi thế từ thị trường này. Chúng ta vào Nga không phải chỉ để bán hàng mà là phải có kế hoạch mua hàng, tức là mua nguyên liệu thô về chế biến ra sản phẩm xuất khẩu thu ngoại tệ về. Trên cơ sở đó, tôi xin khẳng định Hùng Vương bước vào thị trường Nga không phải để bán hàng mà để hợp tác khai thác tài nguyên của Nga hiện có.
Hiện nay, trung bình một năm Nga đang đánh bắt trên 5 triệu tấn cá. Do chưa có nhà máy chế biến và hạn chế về kỹ thuật chế biến nên có đến 80\% sản lượng cá đánh bắt đang bán dưới dạng nguyên liệu thô cho các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu. Chúng tôi sẽ hợp tác với đối tác Nga để chế biến sản phẩm đánh bắt ra sản phẩm thành phẩm, sau đó xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường Nga.
Đây là kế hoạch hợp tác lâu dài, mang tính chiến lược nhằm giúp hai bên cùng có lợi. Tiềm năng ở thị trường Nga còn rất lớn, dành cho doanh nghiệp trong tất cả ngành nghề như thủy sản và chế biến gỗ.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!