Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những "tảng băng chìm" trong kinh doanh đa cấp

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Chuyện bán phá giá và cho vay “tín dụng đen” là hết sức bình thường, diễn ra khá thường xuyên ở hầu hết các công ty đa cấp...

(ĐSPL) - Chuyện bán phá giá và cho vay “tín dụng đen” là hết sức bình thường, diễn ra khá thường xuyên ở hầu hết các công ty đa cấp...
>> “Bùa đa cấp” và thảm kịch mang tên “mua danh”
Tôi quyết định tìm gặp Mai Châm để hỏi thêm thông tin xung quanh câu chuyện bán phá giá và cho vay “tín dụng đen” xảy ra ở công ty kinh doanh đa cấp A.
Thật bất ngờ khi cô bạn thân cho biết, tình trạng tiêu cực trên là hết sức bình thường, diễn ra khá thường xuyên ở hầu hết các công ty đa cấp đang có mặt tại Việt Nam. Và đặc biệt, càng ở công ty lớn mạnh thì càng xảy ra nhiều. Châm còn dè dặt khuyên tôi: “Tránh xa Giáp và đám bạn của anh ta, càng xa càng tốt”...
Công ty A lúc nào cũng chật cứng người...
“Thủ lĩnh” nhiều vô kể, “trảm” mãi không hết
Sau buổi chứng kiến cảnh tượng tấp nập của các phiên chốt hàng cuối tháng, cả bên trong lẫn phía ngoài công ty, tôi bần thần nghĩ đến viễn cảnh u ám của Dương và lại càng cảm thấy ít thêm niềm tin vào người “thủ lĩnh” hoạt ngôn của chúng tôi, anh Bắc. Đầu tôi văng vẳng tiếng nài nỉ vay thêm tiền của Bắc và đặc biệt, câu kết luận của Giáp cứ xoáy vào tâm can.
Tay thoăn thoắt phân loại hàng hóa, cũng chẳng buồn bận tâm cảm xúc của tôi, Giáp thản nhiên nói: “Ở trong ngành kinh doanh này, thủ lĩnh thực sự có tâm, có tầm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn dạng “thủ lĩnh” như Bắc thì đầy, chém mãi không hết, “chết” ông này lại có ông khác. Còn công ty cứ thế hưởng lợi, chẳng cần quan tâm bởi họ bán hàng theo kiểu “tiền trao, cháo múc”, có tiền mới xuất hàng. Thi thoảng, họ cho các thủ lĩnh đi du lịch nơi này nơi khác, hoặc tổ chức các buổi “tôn vinh” hoành tráng rồi chụp ảnh, lăng-xê ầm ĩ trên các tạp chí nội bộ là lại mọc thêm hàng trăm, hàng nghìn “con thiêu thân” khác ngay”.
Đoạn, Giáp tiếp: “Có nhiều người lúc mới vào làm cũng thể hiện mình có tâm, có tầm nhưng rồi xong cũng bị cuốn theo vòng xoáy nợ nần, phá giá... bởi không thể cạnh tranh được giá chợ đen, có khi chỉ bằng phân nửa giá nhập vào”.
Giáp cũng chẳng buồn giấu giếm cho biết, ngoài việc cầm cố và tổ chức bán phá giá các sản phẩm của công ty A, nhóm của cậu ta còn vươn “vòi bạch tuộc” đi gần như tất cả các công ty kinh doanh đa cấp đang có mặt tại thị trường Việt Nam và càng công ty quy mô hoành tráng thì nhóm của cậu càng làm ăn khấm khá.
“Công ty A không có “điểm năng động” (một hình thức ép doanh số hàng tháng – PV) mà nhà phân phối đã tả tơi như thế vì háo danh. Ở các công ty đa cấp khác như H. (Mỹ, chuyên thực phẩm chức năng); N. (Mỹ, chuyên mỹ phẩm); K. (Malaysia, chuyên thực phẩm chức năng)… do bị ép “điểm năng động” nên tình trạng bỏ tiền túi để mua hàng chạy doanh số càng phổ biến hơn, dẫn đến vòng luẩn quẩn “mua - bán phá giá – mua” lại càng khủng khiếp”, Giáp tiết lộ.
Tôi “triệu” Mai Châm đến quán cà phê quen thuộc và quyết định đánh bài ngửa với cô bạn cũ bằng những câu hỏi mà Châm tỏ ra khá sốc. Trước mặt tôi, Châm ngượng ngùng thú nhận: “Tớ cũng đang định liên lạc với Giáp để xử lý cho nốt đống hàng tồn chất đống ở nhà”. Hóa ra, Châm đã từng là một khách hàng, một con nợ quen mặt của Giáp và nhóm “tín dụng đen” của cậu ta.
Tôi lật đật giở từng trang tài liệu dày cộp chứa trong “bộ khởi động” (mỗi nhà phân phối sẽ phải mua một bộ khởi động gồm nhiều tài liệu hướng dẫn sau khi ký kết với công ty - PV) và dừng lại ở phần nói về các quy tắc ứng xử, trong đó, phía công ty cho biết họ sẽ phạt rất nặng (cao nhất là cắt hợp đồng) với những nhà phân phối có biểu hiện bán phá giá.
Châm thoáng bất ngờ rồi nhìn tôi cười buồn: “Đó chỉ là lý thuyết. Giống như việc phía công ty không cổ súy cho các buổi hội họp nặng tính tuyên truyền “mị dân”, nhưng rồi nó vẫn xảy ra, ngay tại các phòng đào tạo của công ty”.
Rồi Châm nói, đằng nào cô cũng sẽ nghỉ hẳn việc kinh doanh đa cấp nên cô không quan tâm đến việc bị cắt mã số: “Quan trọng nhất là tớ cứu vãn được vốn. Hơn một trăm triệu tiền hàng mình bỏ ra mua. Bây giờ chỉ mong Giáp đến chuyển đi và đưa lại 5-7 chục triệu là mừng lắm rồi”.
Châm cũng nhận định, việc bán phá giá sản phẩm chủ yếu đến từ những người bỏ cuộc, chịu lỗ để cứu vãn vốn và những người ham thành tích, “ôm” một số lượng lớn hàng và sau đó không thể bán được.
Châm cũng cho biết, thực trạng đáng buồn đó đã khiến chính các công ty đa cấp lâm vào thế khó bởi các nhà phân phối mới không thể bán được hàng vì không cạnh tranh được về giá. Chính vì vậy, vào tháng 10/2013, công ty A đã phát động một chương trình có tên “Nói không với bán phá giá”.
Để thực hiện kế hoạch này, ban giám đốc công ty A đã triệu tập một số những thủ lĩnh cấp cao trong một cuộc họp nội bộ, nơi Châm và Bắc, vì chức sắc của mình cũng được góp mặt. Tại cuộc họp này, phía công ty đã kêu gọi các thủ lĩnh về “đào tạo” lại tuyến dưới việc tuân thủ các quy tắc ứng xử, đặc biệt vấn đề không bán phá giá sản phẩm. Cuộc họp nhận được sự nhất trí cao của những người có mặt.
Tuy nhiên mọi việc vẫn đâu vào đấy. Ở thời điểm hiện tại (tháng 3/2014), tình trạng bán phá giá lại diễn ra nhộn nhịp như chưa bao giờ có lời kêu gọi. Theo Châm, điều đó là rất dễ hiểu bởi số lượng những “thủ lĩnh” đã đâm lao… còn rất đông đảo. “Không mấy người chấp nhận dừng hẳn lại giống tớ. Bởi khi thủ lĩnh dừng lại, đồng nghĩa với việc cả hệ thống sẽ dừng theo. Tóm lại, trong cuộc chơi đa cấp này, chỉ có công ty và dân “tín dụng đen” là có tiền thực sự. Còn lại, chỉ toàn bánh vẽ”, Châm quả quyết khẳng định.
 Những người giàu có thực sự
Giáp không khó gần như tôi tưởng. Tôi cũng không cần đề phòng gì cậu ta bởi tôi đến tìm Giáp không phải để vay tiền giống như Dương, Châm hay Bắc. Chính vì vậy, Giáp khá cởi mở khi chia sẻ với tôi về những gì cậu đang làm.
“Thật nực cười khi một số công ty cố trấn an nhà phân phối của họ rằng việc bán phá giá là do đối thủ tạo ra hòng cạnh tranh không lành mạnh. Là một nhà phân phối bình thường, chỉ cần chịu quan sát một chút là ai cũng có thể nhận thấy việc này hoàn toàn do chính những nhà phân phối tạo ra. Tôi chưa bao giờ tham gia đa cấp và không bao giờ có ý định tham gia. Tôi không tin hình thức này sẽ thành công được ở Việt Nam”, Giáp thẳng thắn nói.
Giáp cũng không phủ nhận việc mình kiếm tiền, thậm chí nhiều tiền từ loại hình kinh doanh này. “Tôi và cả những người bán đề-mô, photocopy… đều là những người kinh doanh truyền thống dựa vào hệ thống những người làm kinh doanh đa cấp. Chúng tôi làm dịch vụ, những nhà phân phối cần có chúng tôi và ngược lại”.
Theo lời kể của Giáp, một tháng, hệ thống của cậu vận hành khoảng hơn 3 tỷ đồng tiền hàng và tiền mặt. Trừ mọi chi phí, số lãi mang về khoảng 1/7, xấp xỉ 400 triệu đồng. Là một mắt xích quan trọng và cổ đông lớn, cậu được hưởng khoảng trên 70 triệu đồng.
Thế nhưng, Giáp bất ngờ tiết lộ, hệ thống của cậu chỉ là nhánh nhỏ trong tổng số hàng chục hệ thống “tín dụng đen” đang ngày đêm quần nát ngành kinh doanh đa cấp tại Việt Nam...                     
Lỗi thuộc về... tuyến dưới
Trong quá trình tìm kiếm tư liệu phục vụ bài viết, PV đã tiến hành một cuộc khảo sát với hơn 100 người đã và đang làm trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, kể cả những người thuộc bộ phận hành chính của các công ty.
Với những công ty lớn có xuất xứ từ Mỹ hoặc châu Âu (dựa vào xếp hạng của tạp chí uy tín Forbes), hầu hết người được hỏi đều không phàn nàn gì về chính sách hay sản phẩm của công ty mình đang phục vụ.
Tuy nhiên, về phần “con người”, câu trả lời mang đến khá khác nhau. Những người được hỏi, trong đó có cả các “thủ lĩnh cấp cao” đều tuyên bố họ làm đúng theo quy định và việc khích lệ tuyến dưới “ôm” hàng chỉ là cách khiến mọi người đều có trách nhiệm hơn với “sự nghiệp”.
Tôi hỏi Bắc về vấn đề chuyện “ôm” hàng và bán phá giá, Bắc vòng vo: “Tuyến trên chỉ khuyên là nên lấy hàng theo năng lực, tuyến dưới lấy nhiều và không bán được thì là lỗi của họ”.
Long Nguyễn

Tin nổi bật