Báo Pháp luật TP.HCM dẫn nguồn dài CNN cho biết, các nhà khoa học tại công ty công nghệ sinh học Colossal Biosciences có trụ sở ở Dallas (Mỹ) đã thành công trong việc "hồi sinh" loài sói lông trắng (Dire wolf) đã tuyệt chủng cách đây khoảng 12.500 năm nhờ vào công nghệ biến đổi gen và nhân bản.
Trong thông báo ngày 7/4, công ty cho biết các nhà khoa học đã trích xuất DNA từ hai mẫu hóa thạch sói lông trắng gồm một chiếc răng 13.000 năm tuổi và một hộp sọ 72.000 năm tuổi. Từ thông tin thu thập được, nhóm nghiên cứu đã có thể lắp ráp hai bộ gen hoàn chỉnh của loài sói lông trắng này.
Sói con Romulus và Remus chào đời bằng phương pháp mổ lấy thai ngày 1/10/2024. Ảnh: Colossal Biosciences.
Nhóm nghiên cứu sử dụng quy trình tương tự quy trình giúp cừu Dolly chào đời năm 1996. Để tạo ra một bản sao hoàn hảo bằng phương pháp này, các chuyên gia thu thập một tế bào từ đối tượng nhân bản và tách lấy vật liệu di truyền, vốn được lưu giữ trong nhân tế bào. Thông tin di truyền này sau đó được đưa vào trứng của một cá thể cùng loài mà nhân của chính nó đã bị loại bỏ. Lúc này, trứng đã chứa mọi thông tin di truyền cần thiết để tái tạo đối tượng nhân bản ban đầu và được đưa vào cá thể mang thai hộ.
Sói Aenocyon dirus đã tuyệt chủng vào cuối kỷ băng hà cuối cùng. Do đó, để tái tạo bộ gene của loài vật này, nhóm nghiên cứu phải dùng các mẫu gene từ hóa thạch và so sánh chúng với bộ gene của những họ hàng còn sống như sói xám, chó rừng, cáo. Họ chọn sói xám làm động vật hiến trứng, vì chúng là họ hàng gần nhất còn sống của sói Aenocyon dirus.
Phân tích gene giúp nhóm nhà khoa học xác định được 20 điểm khác biệt chính trong 14 gene tạo nên những đặc điểm riêng biệt của sói Aenocyon dirus, bao gồm kích thước lớn hơn, bộ lông trắng, răng lớn hơn và tiếng hú đặc trưng. Tiếp theo, họ thu thập tế bào từ mẫu máu của sói xám - phương pháp ít xâm lấn hơn so với dùng khối mô như trường hợp cừu Dolly. Sau đó, ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR, họ thực hiện 20 chỉnh sửa với 14 gene nói trên để chúng có cùng trình tự như sói Aenocyon dirus.
Sau khi tạo ra những tế bào sói Aenocyon dirus, nhóm chuyên gia tách lấy nhân của chúng và đưa vào trứng của sói xám. Số trứng này được nuôi thành phôi thai trong phòng thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu thu được 45 phôi thai và đưa vào tử cung của hai con chó nhà. Chỉ một phôi thai ở mỗi con chó mang thai hộ phát triển thuận lợi. Sau 65 ngày, sói con Romulus và Remus chào đời bằng phương pháp mổ lấy thai ngày 1/10/2024. Sau đó, toàn bộ quá trình được lặp lại và sói con Khaleesi chào đời ngày 30/1/2025.
Hiện ba chú sói này đang sống trên một khu đất rộng 2.000 mẫu Anh. Ảnh: Colossal Biosciences.
Báo Tuổi trẻ cho biết, hiện ba chú sói này đang sống trên một khu đất rộng 2.000 mẫu Anh (địa điểm đã được Hiệp hội Nhân đạo Mỹ chứng nhận và đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp Mỹ). Khu nuôi nhốt được bao quanh bởi hàng rào cao 3m, nơi chúng được nhân viên an ninh, máy bay không người lái và camera trực tiếp theo dõi.
Bên cạnh loài sói này, Colossal Biosciences cũng đang nỗ lực hồi sinh voi ma mút, chim dodo và hổ Tasmania kể từ năm 2021.
Công ty cho biết thêm rằng họ cũng đã nhân bản hai lứa sói đỏ - một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng nhất hiện nay - bằng cách sử dụng một phương pháp nhân bản mới, ít xâm lấn hơn được phát triển trong quá trình nghiên cứu nhân bản loài sói lông trắng trên.
“Cột mốc lớn này là ví dụ đầu tiên trong số nhiều ví dụ sắp tới chứng minh rằng công nghệ hồi sinh các loài đã tuyệt chủng toàn diện của chúng tôi có hiệu quả”, ông Ben Lamm - đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty Colossal Biosciences cho biết.
Công ty hy vọng rằng các công nghệ đã dùng để hồi sinh loài sói đã tuyệt chủng này sẽ sớm có thể trực tiếp giúp khôi phục các loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn thế giới.
Trước đó, vào năm 2003, các nhà khoa học ở Tây Ban Nha đã nhân bản một phân loài dê hoang dã tuyệt chủng, dê núi Pyrenees (Capra pyrenaica pyrenaica), nhưng con non chết chỉ vài phút sau khi sinh.