Thông tin trên báo VnExpress, hiện cả nước có khoảng 25 trường đào tạo trực tiếp các chuyên ngành bán dẫn như Công nghệ vi mạch bán dẫn, Thiết kế vi mạch, Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano, Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói... Trong đó, 17 trường đã công bố học phí với khóa sinh viên nhập học năm nay.
Mức học phí dự kiến phổ biến là 23-41 triệu đồng một năm, thường có hai kỳ học. Riêng hệ dân sự của Học viện Kỹ thuật quân sự có học phí thấp nhất - 18,5 triệu. Đây là năm đầu trường tuyển sinh hệ dân sự trở lại sau 6 năm dừng.
Mức học phí dự kiến phổ biến ngành bán dẫn tại các trường đại học phổ biến dao động từ 23-41 triệu đồng/năm. Ảnh minh họa
Trường Đại học FPT có học phí trung bình theo năm cao nhất, nhưng một năm ở đây có ba học kỳ. Sinh viên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn tại cơ sở ở Hà Nội và TP.HCM đóng mức 94,8 triệu đồng. Nếu học tại Đà Nẵng và Cần Thơ, học phí là 66,36 triệu, còn ở Quy Nhơn (Gia Lai) là 47,4 triệu.
Kế đến là trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội với lần lượt 58 và 56 triệu đồng một năm.
Học phí dự kiến các ngành về bán dẫn ở 17 trường năm học 2025-2026:
Học phí dự kiến các ngành về bán dẫn ở 17 trường năm học 2025-2026. Ảnh: VnExpress
Tính đến thời điểm hiện tại đã có 8 trường ặt ra mức sàn với thí sinh muốn xét tuyển vào ngành về bán dẫn như Bách khoa Hà Nội, các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Cụ thể, thí sinh muốn học hệ cử nhân, kỹ sư các ngành này, nếu đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, phải sử dụng tổ hợp có môn Toán và ít nhất một môn Khoa học Tự nhiên. Tổng điểm của các môn đạt 24/30 với tổ hợp ba môn. Trong đó, điểm bài thi môn Toán đạt 8/10.
Ngành công nghiệp bán dẫn được đánh giá là xương sống trong sản xuất các thiết bị điện tử, từ điện thoại, máy tính, xe hơi cho đến thiết bị y tế. Khi thế giới đang dịch chuyển mạnh mẽ sang số hóa, nhu cầu về chip bán dẫn cũng theo đó tăng vọt.
Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật, tại Việt Nam, hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Samsung, Amkor, Hana Micron... đã và đang đổ vốn đầu tư vào các nhà máy, trung tâm nghiên cứu – phát triển tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, TP.HCM… Xu hướng này không chỉ giúp Việt Nam từng bước vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu mà còn mở ra hàng chục nghìn cơ hội việc làm mới.
Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, mỗi năm ngành bán dẫn tại Việt Nam cần khoảng 5.000–10.000 kỹ sư, trong khi nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu. Dự kiến trong 5 năm tới, con số này sẽ tăng gấp đôi, đặt ra bài toán lớn về đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Ngành công nghiệp bán dẫn được đánh giá là xương sống trong sản xuất các thiết bị điện tử, từ điện thoại, máy tính, xe hơi cho đến thiết bị y tế. Ảnh minh họa
Điểm nổi bật khiến ngành công nghiệp bán dẫn trở thành “từ khóa vàng” trong mắt nhiều bạn trẻ chính là mức thu nhập vô cùng hấp dẫn. Theo khảo sát từ các nền tảng tuyển dụng uy tín, kỹ sư mới ra trường trong lĩnh vực này có thể nhận mức lương từ 15–20 triệu đồng/tháng. Sau 2–3 năm kinh nghiệm, thu nhập có thể tăng lên mức 30–50 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, với những vị trí thiết kế vi mạch, xử lý tín hiệu, quản lý dự án hay chuyên viên nghiên cứu phát triển (R&D), mức lương hoàn toàn có thể đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng theo dự án và cổ phần doanh nghiệp.
Không dừng lại ở đó, do đặc thù ngành yêu cầu kỹ năng chuyên sâu và liên tục cập nhật công nghệ mới, các công ty trong lĩnh vực này luôn sẵn sàng chi trả mức đãi ngộ cao để giữ chân nhân tài. Đây là cơ hội lý tưởng cho những ai đam mê công nghệ và sẵn sàng học hỏi để vươn lên vị trí cao hơn.