Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hiệu thuốc kêu khó khi lấy thông tin người mua thuốc ho, cảm cúm

(DS&PL) -

PV ĐS&PL đã ghi nhận ý kiến chuyên môn của các bác sĩ và chuyên gia pháp lý về tình huống nhân viên nhà thuốc khó khăn để lấy danh tính người mua thuốc cảm, ho, sốt...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu ngành y tế cần thông tin đến các hiệu thuốc về trách nhiệm báo cáo với chính quyền sở tại những trường hợp "mua thuốc cảm, thuốc ho, thuốc sốt trong thời gian qua". Đồng thời đề nghị những người này "khai báo y tế ngay lập tức"... Thuốc cảm, ho, sốt không nằm trong danh mục bán theo đơn nên nhân viên nhà thuốc khó khăn để lấy danh tính người mua. PV ĐS&PL đã ghi nhận ý kiến chuyên môn của các bác sĩ và chuyên gia pháp lý về tình huống này.

Mua thuốc kèm với tờ khai y tế

Qua khảo sát, nhiều hiệu thuốc cho biết đã nhận được đề nghị của thành phố và bắt đầu thực hiện. Chị Lê Thị Phương, 25 tuổi, nhân viên hiệu thuốc trên đường Trần Cung (Cầu Giấy) xếp trên quầy một tập giấy trắng để ghi thông tin người đến mua thuốc cảm, ho, sốt.

"Mấy ngày trước trời trở lạnh, nhiều người mua thuốc ho dạng siro, song hai hôm nay không thấy ai. Việc ghi lại thông tin giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nhưng cũng gây tâm lý e ngại, có thể khách muốn mua thuốc nhưng không dám vào hỏi", chị Phương nói.

Mua thuốc ho, cảm cúm phải kê khai y tế để phòng, chống dịch.

Tại Trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapu (còn gọi là chợ thuốc Hapulico) trên đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), các quầy thuốc đã yêu cầu người mua cung cấp tên, địa chỉ, số điện thoại.

Trên phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng), một số quầy thông báo hết thuốc cảm, ho, sốt.

"Rất khó để lấy thông tin của người mua, có trường hợp vào mua, tôi giải thích rằng cái này đơn giản để sàng lọc phòng dịch. Họ từ chối và bỏ đi luôn", chủ một hiệu thuốc chia sẻ.

Trao đổi với PV ĐS&PL, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho rằng: “Chúng ta có nhiều nhà thuốc, có lẽ nhà thuốc nên treo một cái biển có đề yêu cầu khai báo y tế, hoặc bắt buộc người đến mua thuốc khai báo y tế trên app”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng nghiệp vụ dược (Sở Y tế Hà Nội) cho hay, đơn vị đã gửi thông báo tới hơn 6.000 cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Văn Khải, yêu cầu nêu trên của thành phố không nhằm mục đích cấm hay hạn chế bán các loại thuốc cảm, ho, sốt mà "đây là giải pháp cấp bách để phòng dịch lây lan". Hiện các loại thuốc này được phép bán lẻ và sử dụng không có đơn của bác sĩ. Do vậy, nhân viên bán lẻ phải tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc, khai thác thông tin bệnh sử của người mua và yêu cầu khai báo y tế.

Với các trường hợp xuất hiện triệu chứng ho, sốt, khó thở, cơ sở bán lẻ thuốc cần báo ngay cho trạm y tế xã, phường hoặc trung tâm y tế để theo dõi, giám sát. "Chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra, xử lý hiệu thuốc không chấp hành theo quy định phòng, chống dịch bệnh", ông Khải nói.

Biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch

Luật sư Nghiêm Quang Vinh.

Trao đổi với PV ĐS&PL, luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích, trong trường hợp người mua thuốc có tâm lý e ngại, chống đối, không hợp tác khai báo thông tin thì chủ hiệu trước mắt không được bán thuốc cho những người này và đưa thông tin cần biết về tác hại của Covid-19. Nếu không hợp tác sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Vinh nhấn mạnh, các hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý. Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.

Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng việc hiệu thuốc ghi lại thông tin người đến mua thuốc là cần thiết, để giúp cơ sở y tế địa phương phân loại: "Không phải trường hợp nào mua thuốc cảm, ho, sốt cũng phải cách ly hay lấy mẫu ngay. Nhưng việc khai báo y tế trung thực sẽ giúp bác sĩ tư vấn sàng lọc chính xác và bản thân mỗi người yên tâm hơn", ông Tuấn khẳng định.

Thông báo của một nhà thuốc về việc lấy thông tin khai báo y tế khi mua thuốc. Ảnh: VG

Đối với nhà thuốc cố tình vi phạm, bán thuốc ho, cảm cúm cho người dân không lưu thông tin. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, ông Tuấn nêu quan điểm mạnh mẽ: “Nhà thuốc chỉ bán thuốc không kê đơn cho những người có khai báo đầy đủ. Nếu không khai báo mà nhà thuốc vẫn bán thì nhà thuốc sẽ phải chịu trách nhiệm có thể phải thu hồi giấy phép”.

Theo TS. Trần Như Dương, Viện phó vệ sinh dịch tễ Trung ương, để xác định mức độ lây nhiễm cộng đồng ở Hà Nội, nhà chức trách cần mở rộng xét nghiệm và giám sát y tế. Trường hợp chưa xét nghiệm được toàn bộ người sốt, ho, đau họng trên địa bàn toàn thành phố, Hà Nội có thể làm ở bước thấp hơn là giám sát toàn bộ chùm ca bệnh (2 người trở lên) có triệu chứng không rõ nguyên nhân, trong cùng gia đình hoặc khu phố.

"Tất cả các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp không rõ nguyên nhân đều phải được coi là nghi ngờ nhiễm nCoV mà không cần xét đến yếu tố dịch tễ", ông Dương khuyến cáo.

Bích - Thúy

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số 7 (16)

Tin nổi bật