Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sự thật về "ký tự lạ" và chuyện bác sỹ kê "thuốc" cấm vào đơn

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Nhằm kiếm chác phần "hoa hồng" vô cùng béo bở, nhiều bác sỹ đã tìm đủ cách để chèn các loại thuốc đắt tiền ngoài phác đồ điều trị, thậm chí kê cả thực phẩm chức năng...

(ĐSPL) - Nhằm kiếm chác phần "hoa hồng" vô cùng béo bở từ những hợp đồng phân phối sản phẩm thuốc mà các công ty dược đã "thỏa thuận ngầm" với các khoa điều trị bệnh hoặc với bệnh viện, nhiều bác sỹ đã tìm đủ cách để chèn các loại thuốc đắt tiền ngoài phác đồ điều trị, thậm chí kê cả thực phẩm chức năng vào các đơn thuốc cho người bệnh.

Có nơi còn yêu cầu người bệnh phải ra ngoài (tất nhiên loại thuốc này chỉ có thể tìm thấy ở cửa hàng thuốc "sân sau" của bác sỹ-PV) mua thuốc, những thiết bị điều trị dù đã có trong danh mục bảo hiểm y tế...

Đơn thuốc hay bảng... mật mã?

Khi thực hiện loạt bài điều tra này, qua tiếp cận một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện đa khoa các quận, đặc biệt tại các phòng khám bệnh tư nhân trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều kêu ca, phàn nàn và ý kiến bất bình của người bệnh về các đơn thuốc mà bác sỹ kê đều có loại thuốc đắt tiền, thậm chí có trường hợp thuốc trong đơn chỉ bán tại một số cửa hàng thuốc nhất định.

Chị Nguyễn Thị Hồng (25D/ngõ 214..., Hà Nội) đưa con trai đi khám mắt tại khoa Mắt trẻ em bệnh viện H. cho biết: "Con tôi mấy tuần nay, mắt có biểu hiện chớp liên tục mỗi khi xem ti vi, hay dụi mắt. Đi khám bác sỹ ở đây kết luận bị viêm kết mạc và kê đơn thuốc gồm hai loại thuốc.

Trước khi ra về, bác sỹ này dặn: "Bệnh của cháu tuy chưa đến mức trầm trọng nhưng cũng cần phải điều trị dứt điểm nên tôi đã ghi loại thuốc "đặc trị" ở trong đơn. Chị cứ tìm đến cửa hàng thuốc có địa chỉ như tôi nói cho chị là sẽ có thuốc chứ ở các cửa hàng thuốc khác không có đâu".

Quả thật, khi tìm đến cửa hàng thuốc tại Hai Bà Trưng (Hà Nội), nhân viên bán hàng tại hiệu thuốc này chỉ cần liếc qua đơn là lấy đúng loại thuốc mà bác sỹ đã kê. Nhân viên này còn lúi húi xem lại đơn thuốc một lần nữa và tích nháy vào quyển sổ lưu tại hiệu thuốc không biết để làm gì".

Tuy nhiên, khi chị Hồng đưa đơn thuốc cho một người quen là dược sỹ thì được biết, hai loại thuốc mà bác sỹ kê trong đơn là loại thông dụng, được bán ở nhiều cửa hàng thuốc chứ không nhất thiết phải lên cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng, vừa đắt, lại mất thời gian đi lại, mới mua được như lời bác sỹ nói. Chị Hồng cũng đưa cho chúng tôi xem lại đơn thuốc này. Tuy nhiên, nếu nhìn qua thì không thấy điều gì bất thường nhưng nhìn kỹ sẽ thấy một "ký tự lạ" được đánh dấu ở trong đơn thuốc. Phải chăng, đây chính là dấu hiệu nhận dạng đơn thuốc của bác sỹ với "hiệu thuốc sân sau" để ăn "hoa hồng"?

Một chiêu thức nữa thường được một vài bác sỹ thiếu y đức sử dụng để "móc túi" người bệnh là thổi phồng bệnh để ghi vào đơn thuốc những loại thuốc đắt tiền, hoặc không cần thiết trong điều trị chứng bệnh đó. Anh Lê Hùng Thuận (Hoàng Mai, Hà Nội) đến khoa Nam học tại phòng khám Đa khoa T.Đ. (Hà Nội) khám định kỳ. Kết quả xét nghiệm cho thấy, anh không mắc HIV hay lậu, giang mai, chỉ có vi khuẩn Gram âm 2+.

Bác sỹ khám giải thích: "Vi khuẩn Gram âm 2+ là vi khuẩn mãn tính, xác định chung sống cả đời. Nếu để nặng, người bệnh có thể làm mất khả năng sinh sản". Vị bác sỹ này đã kê một đơn thuốc điều trị liên tục trong vòng một tuần (mỗi ngày riêng tiền thuốc gần 2 triệu đồng-PV) và cam đoan tỉ lệ khỏi bệnh là 75\%. Tuy nhiên, thấy số tiền thuốc quá lớn, anh Thuận đã từ chối và đến khám tại khoa Nam học, bệnh viện B.M. Tại đây, bác sỹ cho biết, anh Thuận nhiễm vi khuẩn Gram âm 2+ là một vi khuẩn đường sinh dục phổ biến, hầu như ai cũng mắc. Bệnh này rất dễ chữa bằng thuốc kháng sinh, chỉ mất khoảng 1 triệu đồng tiền thuốc.

Theo tìm hiểu của PV, tại một số khoa cấp cứu ở các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Xanh-pôn, thậm chí ngay cả những bệnh viện quân đội như 354, 103, nhiều người nhà bệnh nhân phản ánh khi đưa người nhà vào cấp cứu thì bác sỹ đều yêu cầu người nhà ra ngoài mua một số trang thiết bị y tế dùng để cấp cứu cho người bệnh. Gặp nhiều nhất là việc yêu cầu ra mua ống thông khí quản, ống dẫn hút dịch, găng tay, ống tiêm, một số loại thuốc cản quang dùng trong chụp chiếu X quang... với giá rất đắt. Điều đáng nói, không ít các loại thuốc và trang thiết bị có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế nhưng người bệnh vẫn phải ra ngoài mua. Phải chăng có một sự "móc ngoặc" ngầm nào đó để trục lợi từ những yêu cầu này?

Những tranh cãi chưa có hồi kết

Cũng liên quan đến việc “móc túi” người bệnh qua đơn thuốc, mới đây, đồng nghiệp của chúng tôi tại TP.Hồ Chí Minh cũng chia sẻ một trường hợp bệnh nhân khi đến khám bệnh đã nhận được từ bác sỹ thăm khám một đơn thuốc với tổng giá lên tới gần 5 triệu đồng/đơn thuốc. Bệnh nhân là ông N.D.T. (64 tuổi, TP.HCM) đến bệnh viện Bình Dân khám bệnh vì đi tiểu khó. Bác sỹ Nguyễn Bá Minh Nhật chẩn đoán ông T. bị bệnh trĩ và phì đại tiền liệt tuyến, kê toa cho ông năm loại thuốc uống trong nửa tháng với giá 5 triệu đồng. Trong đơn thuốc có kê 30 viên Winman - một loại thực phẩm chức năng (TPCN) tăng cường sinh lý (theo quy định, cấm bác sỹ kê TPCN vào đơn thuốc cho bệnh nhân).

Hay trường hợp bệnh nhân Trần Trung (49 tuổi, xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) sau khi thăm khám tại bệnh viện trên, bác sỹ kết luận, bị viêm dạ dày cấp và sỏi thận, kê toa cho bảy loại thuốc uống trong ba tuần. Trong đó có 7/8 loại bác sỹ kê 84 viên (tổng cộng 588 viên) và một loại là 42 chai Biocid MH 100ml (ngày uống một chai). Sau khi xem đơn thuốc này, một bác sỹ đầu ngành chuyên khoa tiêu hóa tại bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với PV: "Có một thực tế, không ít đơn thuốc điều trị dạ dày hiện nay được chỉ định với liều cao gấp 2-3 lần bình thường và dùng tới 2-3 loại kháng sinh thế hệ mới nhất trong một đơn thuốc. Thậm chí có đơn thuốc lại chèn cả các loại thuốc bổ đắt tiền nhưng lại không có tác dụng trong điều trị. Thực tế trong đơn thuốc này, tích thuốc Gasgood 40mg cho 3 viên/ngày là quá cao bởi liều thông thường (điều trị viêm loét dạ dày) chỉ cần 1 viên/ngày.

Đơn thuốc có giá "khủng" mà bác sỹ kê cho bệnh nhân Trần Trung trong đó ghi nhiều loại thuốc dùng vượt ngưỡng.

Những ghi nhận và phản ánh trên không phải là không có cơ sở bởi chính kết quả khảo sát do Bộ Y tế thực hiện tại một số bệnh viện lớn cho thấy, số thuốc được kê trung bình là 7,06 loại/đơn, thậm chí lên tới 10-20 loại. Đáng nói, thuốc kháng sinh đang được sử dụng ở rất nhiều đơn. Có khoa, thuốc kháng sinh được sử dụng với 100\% bệnh nhân. Để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm để trục lợi quỹ BHYT, Bộ Y tế đã yêu cầu mỗi bệnh viện đều có hội đồng chuyên môn, hội đồng về thuốc và điều trị, đơn vị giám sát của BHYT. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra những năm gần đây đã phát hiện những chiêu trò tinh vi nhằm bòn rút quỹ BHYT.

Công văn số 3129 của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa gửi đến sở Y tế các tỉnh và các đơn vị trực thuộc Bộ nêu rõ: "Việc kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc là vi phạm vào khoản 3, Điều 6, Quy chế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú (Ban hành theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BYT ngày 01/02/2008). Quyết định này quy định các y, bác sỹ không được kê đơn thực phẩm chức năng vào đơn thuốc cho bệnh nhân". Tuy nhiên, theo lời lãnh đạo Cục An toàn Thực phẩm thì trên thực tế, Thông tư hướng dẫn về quy định này vẫn còn nhiều bất cập. Việc nên hay không nên để TPCN vào đơn thuốc của người dân cho đến thời điểm này vẫn "chưa ngã ngũ".

GS.TS Đỗ Kim Sơn, nguyên Giám đốc bệnh viện Việt Đức, Hà Nội cho biết: "Hiện nay đã có nhiều trang thiết bị hiện đại trợ giúp bác sỹ rất nhiều trong chẩn đoán cận lâm sàng, rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, theo ông Sơn, máy móc, thiết bị không thể thay thế kinh nghiệm của người thầy thuốc và nhấn mạnh: “Thầy thuốc không phải là người kê đơn đắt tiền mà là người ghi đơn thuốc phù hợp với bệnh và khả năng của bệnh nhân”.

Tin nổi bật