Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hãi hùng công nghệ hô biến bia bẩn thành… bia hảo hạng

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Để thu lợi khủng, các cơ sở sản xuất bia giả tiếp tục tái xuất với nhiều chiêu trò, mánh khóe mới.

(ĐSPL) - Để thu lợi khủng, các cơ sở sản xuất bia giả tiếp tục tái xuất với nhiều chiêu trò, mánh khóe mới. Bất chấp những nguy hại về sức khỏe, các đối tượng sản xuất bia giả thu mua vỏ, nắp chai bia cũ về nhúng qua các dung dịch có chứa hóa chất “chết người” từ chợ Kim Biên để sang chiết bia dỏm rồi bán ra thị trường.

Bằng cách trộn lẫn nhiều loại bia có giá thành thấp, thậm chí tận thu bia bẩn, bia thừa từ nhiều nguồn rồi xử lý lại, các bậc thầy bia giả đã phù phép thành thức uống đẳng cấp trong các nhà hàng, quán nhậu.

Triệt phá ổ sản xuất bia giả

Chiều 14/4, trao đổi với PV, một cán bộ điều tra Công an TP.HCM cho biết, vừa triệt phá thêm một tổ chức sản xuất bia chai giả nhiều nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường. Kết quả điều tra cho thấy, Trần Phú Long (SN 1982, chủ cơ sở), Phan Văn Lý Em (SN 1987), Trần Văn Nam (SN 1985), Trần Văn Nghiêm (SN 1996), Trần Thị Mỹ Tiên (SN 1998, cùng quê An Giang) đã tổ chức thuê mặt bằng để sản xuất một lượng bia giả lớn rồi tiêu thụ trong các nhà hàng, quán nhậu tại TP.HCM.

Khai nhận tại Cơ quan điều tra, Trần Phú Long cho biết, chúng thu mua vỏ chai bia các loại từ vựa ve chai về súc rửa, sau đó mua bia rẻ tiền chiết vào, rồi dán mác các loại bia xịn, bỏ mối cho các quán nhậu để hưởng lợi bất chính.

Tang vật trong vụ khám phá công nghệ làm bia giả có quy mô vừa được Công an TP.HCM triệt phá.

Ghi nhận của PV tại hiện trường, các công đoạn phù phép bia thừa, bia rẻ tiền thành các thương hiệu bia đẳng cấp như Heineken, Larue, Carlalsberg,... khiến người chứng kiến không khỏi rùng mình. Mọi công đoạn đều được thực hiện hoàn toàn bằng tay từ khâu vệ sinh vỏ chai, nắp chai bia cũ đến trộn, chiết các loại bia không đạt chuẩn,...

Đáng sợ hơn, việc sang chiết đều diễn ra trên nền nhà nhớp nháp. Sau khi rót hết bia còn dư trong chai vào một thùng sơn cáu bẩn, thả vỏ chai vào chậu nước lớn, thợ dùng cây cọ quẹt sơ rồi tiếp tục cho vào chậu nước khác tráng qua.

Sau quá trình này, bia dỏm được rót vào các chai vừa súc rửa qua loa. Để che đậy chất lượng kém, dễ hư hỏng của loại bia trộn, ngoài việc bán cho các đại lý, Long cho người móc nối, liên hệ với các nhà hàng, quán nhậu, quán karaoke để “bỏ rẻ” cho những đơn vị này kiếm lời.

Bằng cách thức trên, mỗi ngày cơ sở sản xuất bia giả của Long có thể hoàn thành từ 30-40 két bia với nhãn mác của nhiều loại bia có thương hiệu khác nhau, thu về hàng chục triệu đồng. Theo Cơ quan điều tra, Heineken là thương hiệu được các bậc thầy bia dỏm làm giả nhiều nhất do loại bia này được người sử dụng ưa chuộng, giá bán cao, dễ tiêu thụ.

Do đó, năm 2012, 2013, nạn làm giả bia Heineken bùng lên với những vụ việc gây chấn động dư luận như anh em Võ Đông Sơ, Võ Hoàng Giang, Võ Ngọc Ẩn tại huyện Bình Chánh, Võ Thành Công, Giám đốc công ty TNHH MTV dịch vụ xuất nhập khẩu Võ Thành Công...

Siêu công nghệ che mắt thượng đế

Tiết lộ với PV, một số công nhân từng làm việc trong các lò trộn bia giả cho biết, để tẩy rửa các vết cáu bẩn, hoen rỉ trên nắp, vỏ chai, họ phải nhúng chúng vào dung dịch tẩy rửa công nghiệp pha loãng, sau đó sấy khô. Sau quá trình trên, “nhà pha chế” tiến hành pha trộn các loại bia có giá thành rẻ, chất lượng thấp hơn vào những loại vỏ chai có thương hiệu.

Đầu tiên, giới làm giả lấy một chai bia Heineken hoặc Tiger và một vỏ chai bia cùng loại (loại 330ml) sang chiết làm đôi, sau đó chuyền cho 2 người của khâu kế tiếp rót bia rẻ tiền vào hai chai bia này. Sau khi công đoạn pha trộn hoàn tất, một người khác có nhiệm vụ gắn nắp vào chai bia đã được pha trộn, chuyển qua cho công nhân cuối cùng đưa lên máy dập đóng nắp chai rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ghi nhận thực tế, trong các công đoạn sản xuất bia giả, vấn đề vệ sinh rất đáng báo động. Ngoài việc thực hiện các công đoạn chế biến thủ công, công nhân không sử dụng đồ bảo hộ lao động, môi trường chiết xuất bẩn thỉu,... cả vỏ chai lẫn nắp chai đều được xử lý bằng hóa chất.

Do vậy, quá trình súc rửa chai, do lau chùi không kỹ, cáu bẩn, thậm chí hóa chất độc hại trong quá trình xử lý vẫn tồn đọng, dễ biến bia thành một hỗn hợp dung dịch nguy hại. Nguy hiểm hơn, nhiều cá nhân còn tổ chức làm giả bia, “chế” bia từ việc tận thu bia thừa, nấu từ men, gạo, dịch bia,... rất có hại cho sức khỏe người sử dụng.

Tìm hiểu thêm, được biết, ngoài việc móc nối với nhà hàng, quán nhậu để thu mua vỏ chai, nắp chai bia, nhiều cá nhân còn tận thu lượng bia thừa (bia đã khui nhưng chưa sử dụng hết) để chế thành bia xịn.

Khẳng định thông tin trên, ông B.T.K. (54 tuổi, chủ quán nhậu Đ.Q., tại Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Hiện nay, việc làm giả bia có nhiều cách. Ngay cả quán tôi cũng có người đến đặt mua vỏ chai, nắp bia. Người ta còn phát cho quán đồ khui bia không làm móp, méo, trầy xước nắp chai để dễ dập nắp sau khi chế bia dỏm vào.

Nhiều khi khách đến quán uống say quá, bia khui ra chưa uống hết, chưa ngâm đá, ướp lạnh,... cũng được họ tận thu luôn. Nghe đâu, sau khi đem loại bia thừa này về, họ chế thêm dịch bia, men, hoặc cho bia thật theo tỉ lệ 5 bia thật 1 bia thừa để bán giá bia thật. Thậm chí, bây giờ, người ta cũng tự nấu bằng men, gạo, hay mua dịch bia về trộn vào bia giá rẻ rồi đóng chai bán ra thị trường”.

Trước vấn nạn trên, ông Nguyễn Cao Hoằng, Giám đốc trung tâm Phát triển Kỹ thuật và Công nghệ, viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: “Từ thời bao cấp, chúng tôi đã được uống bia nhưng trên thực tế thì đó chỉ là nước nấu từ men, gạo, không đạt tiêu chuẩn. Loại nước uống ấy người ta có thể gọi là bia cỏ.

Sau này, có nhiều nhà máy bia thành lập nhưng bia cỏ vẫn tồn tại. Việc các đối tượng sản xuất bia giả học hỏi cách thức nấu bia cỏ để áp dụng vào làm giả các loại bia nổi tiếng là có thể xảy ra. Đối với các loại bia này, do tiêu chuẩn an toàn không đạt, được làm giả, làm nhái một cách thiếu vệ sinh nên rất có hại cho sức khỏe người sử dụng”.

Sản xuất bia giả có thể bị phạt tù chung thân hoặc tử hình

Theo luật sư Cồ Lê Huy, đoàn Luật sư TP.HCM: “Căn cứ vào quy định pháp luật, những hành vi trên đã vi phạm tội sản xuất, tiêu thụ hàng giả. Về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Bộ luật Hình sự 1999 có các tội danh liên quan tương ứng với các chế tài khác nhau gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Tùy theo các tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù mức cao nhất đến mười lăm năm. Đặc biệt, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm, tùy theo các tình tiết tăng nặng, những cá nhân, tổ chức vi phạm điều khoản này có thể bị phạt mức cao nhất lên đến tù chung thân hoặc tử hình”.

HÀ NGUYỄN - NGỌC LÀI

Xem thêm clip: Kinh hoàng với lò chế biến cà phê siêu bẩn ở Buôn Mê Thuột

 

 


 

Tin nổi bật