(ĐSPL) - Hội thảo khoa học về phát triển hệ thống bán lẻ của Hà Nội do Sở Công Thương tổ chức mới đây đã công bố một kế hoạch gây "choáng váng" dư luận.
Theo đó, tới năm 2020 (tầm nhìn tới 2030) Hà Nội cần xây dựng mới gần 1.000 siêu thị. Thế nhưng, những thất bại khi "lên đời" các chợ thành trung tâm thương mại tại Hà Nội thời gian qua đang khiến dư luận đặt câu hỏi về tính khả thi của kế hoạch này. Liệu nó có đi vào "vết xe đổ" giống như những lần "lên đời" siêu thị trước?
Chính sách "đi tắt đón đầu"?
Trong bối cảnh kinh doanh siêu thị gặp khó khăn chung như hiện nay, kế hoạch mở gần 1.000 siêu thị (trong đó có 23 siêu thị hạng 1, 111 siêu thị hạng 2 và 865 siêu thị hạng 3) của TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đang vấp phải những luồng ý kiến không đồng tình. Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi sức mua của chúng ta đang giảm sút thì duy trì, củng cố hệ thống siêu thị vốn có đã là rất khó khăn chứ đừng nói tới chuyện mở mới.
Khảo sát của PV báo Đời sống và Pháp luật tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C, Ocean Mart, Hapro Mart... số lượng khách sụt giảm rõ rệt so với thời gian trước. Tại siêu thị Hapro Mart, số lượng khách mua hàng thưa vắng hẳn, các quầy hàng đều trong tình trạng "đuổi ruồi" đặc biệt là các quầy hàng bán các sản phẩm may mặc, đồ gia dụng. Riêng các quầy bán đồ ăn uống tuy có khách nhưng số lượng không nhiều.
Trong khi đó, tại siêu thị Big C Thăng Long tình hình cũng không mấy cải thiện. Trước đây, hiếm khi nào nhân viên tại quầy thu ngân được rảnh tay bởi những dòng người nối tiếp nhau chờ thanh toán. Ấy vậy mà thời gian qua, hình ảnh những nhân viên thu ngân "ngồi chơi xơi nước" lại trở thành một hình ảnh rất quen thuộc.
Sức mua tại các siêu thị đang giảm mạnh. (Ảnh chụp tại siêu thị Big C Thăng Long) |
Anh Đặng Quốc Huy, một nhân viên bán hàng trong siêu thị này cho biết: "Trước đây nhân viên chúng tôi làm việc không ngơi tay vì vừa phải liên tục chuyển hàng lên quầy (vì nhân viên vận chuyển làm không kịp) vừa phải bán hàng. ấy thế nhưng hiện nay công việc của chúng tôi đỡ vất vả hơn vì lượng hàng tiêu thụ đã sụt giảm. Chúng tôi thường chỉ bận rộn vào những ngày cuối tuần. Ngoài thời điểm đó ra thì công việc nhàn hơn trước khá nhiều".
Rõ ràng với những siêu thị lớn như trên còn rơi vào cảnh "đìu hiu" thì không rõ, những siêu thị nhỏ và vừa sẽ trong tình cảnh như thế nào?
Thực trạng sức mua giảm được chính đại diện sở Công Thương Hà Nội thừa nhận khi công bố kết quả tại hội thảo khoa học về phát triển hệ thống bán lẻ tại Hà Nội ngày 22/08 mới đây. Theo đó, sức mua của thị trường bán lẻ tại Hà Nội đang có xu hướng suy giảm, trong quý II/2014 thị trường này chỉ tăng trưởng khoảng hơn 8\% và thị trường bán lẻ vẫn chưa phát triển theo kỳ vọng. Cũng trong buổi hội thảo, sở này cũng cho biết tín hiệu trong thời gian gần đây đang cho thấy, tốc đô, chất lượngồ phát triển hệ thống bán lẻ khu vực Hà Nội ngày càng được nâng cao với sự xuất hiện của nhiều đại gia bán lẻ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Trước bối cảnh chúng ta ngày càng hội nhập sâu với quốc tế, đặc biệt trước ngưỡng cửa hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 nên chủ trương của UBND TP. Hà Nội là phải tiếp tục mở thêm siêu thị. Mục tiêu được xác định là để hỗ trợ người tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội.
"100 siêu thị tương lai còn khó, nói gì 1.000..."
Đó là nhận định của ông Nguyễn Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch hiệp hội Siêu thị Hà Nội khi được hỏi về tính khả thi của kế hoạch trên.
Ông Phú cho biết: "Hiện nay, các siêu thị đều rơi vào tình cảnh khó khăn chung nên chủ trương mở thêm siêu thị của TP. Hà Nội rõ ràng chỉ là kế hoạch trên giấy mà thôi. Tôi cho rằng đây là một kế hoạch không tưởng và quá phiêu lưu. Giả sử trong 15 năm tới chúng ta có dự định mở thêm 100 siêu thị (hiện nay Hà Nội có khoảng 130 siêu thị) cũng là điều vô cùng khó khăn rồi, nói chi tới 1.000 siêu thị. Bởi lẽ chúng ta muốn mở được số lượng siêu thị lớn như vậy thì cần phải trả lời được bốn câu hỏi: Đất ở đâu? Tiền ở đâu? Vốn ở đâu và sức mua ở đâu?".
Cũng theo chuyên gia này thì việc mở thêm siêu thị trong những năm tới là điều đương nhiên. Thế nhưng để thực hiện được việc này thì chúng ta cần phải có quy hoạch cụ thể, có điều tra thị trường nghiêm túc và chiến lượng phát triển rõ ràng. Không thể áp đặt ý chí của một nhóm người để thay đổi quy luật thị trường. Bởi lẽ, điều mấu chốt nhất trong quy hoạch siêu thị là phải tùy theo thực tế và diễn biến thị trường để mở. Không nên đặt ra mục tiêu là phải mở bao nhiêu siêu thị mà phải nghiên cứu xem thị trường cần thế nào".
Ông Nguyễn Vinh Phú: "Đây là kế hoạch viển vông". |
ông Nguyễn Vinh Phú phân tích: "Theo tôi, trong 5 năm tới (tức là sát mốc 2020 mà TP. Hà Nội đề ra để mở thêm siêu thị), chúng ta cần phải củng cố lại hệ thống siêu thị đã có chứ không nên mở thêm siêu thị nữa vì sức mua đang giảm mạnh. Chúng ta đã thất bại trong việc nâng cấp chợ truyền thống thành các trung tâm thương mại và nếu không làm nghiêm túc thì kế hoạch này cũng sẽ giống như vậy thôi. Theo tôi, thay vì mở thêm siêu thị thì TP. Hà Nội nên để dành tiền cho các dự án dân sinh khác như: Môi trường, giao thông, y tế...
Những việc bức thiết cần làm ngay thì họ không làm. Thay vào đó lại đi tập trung phát triển những kế hoạch không khả thi. Làm như vậy chỉ tốn công, tốn sức, tốn tiền bạc mà chẳng giải quyết được vấn đề gì. Điều quan trọng là tiền của nhân dân thì nên dùng vào những việc thiết thực nhất, phục vụ nhân dân”.
Thị phần và bài toán hiệu quả
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: "Hiện thị trường bán lẻ Việt Nam đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới như Big C, Metro, Lotte... đều có mặt tại Việt Nam.
Tuy thị phần của những siêu thị ngoại không bằng với siêu thị Việt (chỉ chiếm khoảng 7\%) nhưng hiệu quả kinh doanh các hãng bán lẻ ngoại lại lấn át so với các hãng bán lẻ Việt. Vì vậy, mở thêm siêu thị nhưng phải tính đến bài toán hiệu quả trước tiên".