Tuy nhiên trên thực tế còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. TP.Hà Nội hiện có gần 9.500 tuyến phố, ngõ, hẻm sâu từ 200m trở lên, bề rộng chưa tới 4m, phổ biến là 2-3m, xe chữa cháy không thể tiếp cận. Trong khi đó, thời điểm vàng trong công tác chữa cháy là dưới 5 phút kể từ khi đám cháy khởi phát. Nhiều vụ cháy, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận hiện trường do hạ tầng giao thông ở một số địa bàn không đảm bảo, nhất là ngõ ngách chật hẹp dẫn đến các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không thể tiếp cận và di chuyển được đến hiện trường. Vì thế hậu quả của vụ hỏa hoạn trong ngõ thường nghiêm trọng hơn với đám cháy ở mặt đường lớn. Mới đây, ngày 17/9, trên địa bàn phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã xảy ra vụ cháy tại nhà số 9 ngách 16 ngõ 75 Hồ Tùng Mậu. Xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường do ngôi nhà nằm sâu trong ngõ, cách điểm đỗ của xe chữa cháy khoảng 300 m. Đám cháy được khống chế sau khoảng 20 phút và may mắn không gây thiệt hại về người. Vụ cháy này lại một lần nữa cho thấy khó khăn trong công tác phòng cháy. chữa cháy (PCCC) và cứu hộ, cứu nạn (CNCH) những nhà ở trong ngõ hẻm.
Vấn đề đặt ra là khoảng cách từ đường lớn đến các ngôi nhà nằm sâu trong ngõ đa phần khá xa. Khi xảy ra cháy, lính cứu hỏa phải kéo ống dẫn nước từ ngoài đường lớn vào các ngôi nhà nằm sâu trong ngõ, có khi dài tới vài trăm mét. Điều này không chỉ làm chậm thời gian phản ứng mà còn làm giảm hiệu quả chữa cháy. Nhiều chuyên gia cho rằng, để công tác PCCC cho các nhà trong ngõ sâu được hiệu quả, một trong những việc cấp thiết phải làm là xây dựng nội quy về an toàn PCCC và CNCH đối với ngõ phố, có biện pháp xóa bỏ các vật cản, tạo thông thoáng cho hoạt động giao thông trong ngõ.
Tiếp nhận ý kiến của các hộ dân, hiện tại, giữa ngách 58/23/4 và ngõ 58/45 Trần Bình đang tồn tại 1 bức tường ngăn cách giữa 2 ngõ. Từ đường đỗ xe chữa cháy đi từ ngõ 58/45 sang ngách 58/23/4 nếu không có bức tường chắn chỉ có độ dài khoảng 50m trong khi đi đường vòng quãng đường sẽ lên đến 200m. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của người dân mà còn khi có sự cố hoả hoạn xảy ra trong ngách 58/23/4 ống dẫn nước sẽ phải đi thêm quãng đường từ 50m thành 200m, từ đó kéo dài thời gian đến điểm cháy, đồng thời việc kéo dài ống dẫn nước có thể hạn chế đường đi của nước dẫn đến việc không đủ nước chữa cháy.
Bức tường ngăn giữa 2 ngõ nhìn từ ngõ 58/45 Trần Bình
Bức tường có thể trở thành “vật cản trở” trong quá trình chữa cháy nếu xảy ra sự cố cháy nổ (góc nhìn từ ngách 58/23/4 Trần Bình)
Để đảm bảo an toàn, việc phá dỡ bức tường ngăn cách giữa 2 ngõ thành 1 ngõ thông là rất cần thiết bởi sẽ tạo ra các lối đi thông thoáng giúp lực lượng chức năng rút ngắn quãng đường tiếp cận điểm cháy, tiết kiệm được thời gian đảm bảo công tác chữa cháy diễn ra nhanh nhất và hiệu quả nhất. Phần lớn các hộ dân ở ngách 58/23/4 và ngõ 58/45 Trần Bình đều thống nhất ý kiến với phương án phá dỡ bức tường ngăn tuy nhiên vẫn cần có tiếng nói chung giữa các hộ dân trong 2 ngõ trước khi triển khai thực hiện.
PCCC là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn PCCC liên quan trực tiếp tới tính mạng và tài sản của mọi người. Mỗi cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp cần tích cực tham gia phong trào PCCC, đặc biệt cần phối hợp để đảm bảo hạ tầng giao thông phục vụ cho công tác PCCC. Mỗi người dân cần tự giác chấp hành các quy định pháp luật về PCCC, sử dụng mọi biện pháp để chủ động phòng ngừa sự cố cháy nổ, nắm bắt tình hình liên quan đến công tác PCCC để phản ánh kịp thời và hỗ trợ, góp sức khi có tình huống cháy nổ bất ngờ xảy ra. Đây không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là phương án tối ưu nhất để bảo vệ người dân khỏi những nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn./.