Báo Tuổi trẻ dẫn thông tin từ tờ Financial Times (FT) cho biết, 6 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lên kế hoạch phát triển một "bức tường máy bay không người lái (UAV)" nhằm bảo vệ biên giới của họ trước Nga, sau một loạt động thái khiêu khích tại khu vực biên giới giữa một số nước này với Nga.
Theo đó, các bộ trưởng từ Phần Lan, Na Uy, Ba Lan, cùng bộ trưởng ba quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia, và Lithuania hồi cuối tuần nói rằng họ đã thảo luận về một hệ thống phối hợp các thiết bị bay không người lái dọc biên giới các nước, nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu và các hành động khiêu khích hơn nữa từ Nga, đồng thời hỗ trợ việc phòng thủ an ninh.
Một số quốc gia NATO lên kế hoạch dựng "tường thành UAV" ở biên giới. Ảnh: Getty Images
"Đây là một ý tưởng hoàn toàn mới, một bức tường UAV từ Na Uy đến Phần Lan, đặt mục tiêu sử dụng drone và nhiều công nghệ khác nhằm bảo vệ biên giới của chúng ta... trước những khiêu khích từ các nước không thân thiện và ngăn chặn buôn lậu", Bộ trưởng Nội vụ Latvia Agnė Bilotaitė nói với hãng tin Baltic News Service.
Tuy nhiên, báo điện tử VTC News dẫn nguồn từ hãng tin Sputnik đưa tin, chuyên gia quân sự Thụy Điển Mikael Valtersson lại không nghĩ như vậy, ông cho biết ý tưởng về một bức tường biên giới bằng máy bay không người lái (UAV) có thể nói là mới nhưng không thể giải quyết các vấn đề biên giới của NATO.
“Máy bay không người lái đã được sử dụng để bảo vệ biên giới ở nhiều quốc gia. Một bức tường UAV chỉ là việc sử dụng nhiều UAV hơn cho nhiệm vụ này và thời gian hoạt động của chúng được kéo dài hơn dọc theo tuyến biên giới", ông Valtersson nói.
Ông Valtersson cũng cho rằng, việc xây dựng một bức tường biên giới như trên sẽ đòi hỏi cả việc đối phó với các hệ thống vũ khí chống UAV. Trong kế hoạch của các nước NATO lại không đề cập đến vấn đề này.
Chuyên gia Thụy Điển giải thích, có nhiều loại vũ khí khác nhau để chống lại UAV, tuy nhiên việc sử dụng các hệ thống vũ khí phòng không tầm xa hoặc tầm ngắn đề bảo vệ một tuyến biên giới dài hàng nghìn kilomet là nhiệm vụ bất khả thi. Các đối thủ của NATO cũng hiểu rõ điều này nên họ sẽ lựa chọn các hệ thống áp chế điện tử để vô hiệu hóa bức tường.
Theo ông Valtersson, đối với bức tường UAV của NATO nếu Nga sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử dọc theo biên giới bất kể máy bay không người lái nào cũng sẽ bị hạ gục trên diện rộng.
“Ứng dụng thực tế của bức tường UAV có lẽ khá hạn chế. Nó có thể là một phương pháp tiết kiệm chi phí để tăng cường an ninh biên giới truyền thống nhưng sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi”, ông Valtersson phân tích. Đồng thời lưu ý rằng công nghệ áp chế UAV không chỉ có các nước lớn sử dụng mà còn có thể được sử dụng bởi bất kỳ ai.
Ông Valtersson cho rằng, toàn bộ sáng kiến “bức tường máy bay không người lái” chỉ là một nỗ lực của các nước liên quan nhằm thể hiện “sự cứng rắn của họ đối với Nga và mối đe dọa được cho là từ Nga”. Thậm chí hành động này sẽ làm gia tăng căng thẳng và tạo ra nguy cơ an ninh không đáng có.