(ĐSPL) - Các luật sư bảo vệ cho 2 cựu lãnh đạo Vinalines đã đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm, giao điều tra lại, đồng thời phản đối lý lẽ VKS đưa ra khi chỉ lấy nguyên từ hồ sơ vụ án mà "quên" những thông tin thể hiện trong phiên tòa.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy bắt đầu nội dung bào chữa cho thân chủ - cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng. Luật sư Thủy nhận định, không đủ căn cứ buộc tội Dương Chí Dũng tham ô tài sản.
Luật sư Thủy cho rằng lời khai của các bị cáo, nhân chứng để buộc tội tham ô cho Dương Chí Dũng tuy không mâu thuẫn nhưng lại đều là những người thân, ruột thịt với nhau.
|
Luật sư Ngô Ngọc Thủy nêu quan điểm bảo vệ cho Dương Chí Dũng |
Luật sư Thủy phân tích, trong những trường hợp nhạy cảm, phải đối mặt với án nghiêm trọng như Trần Hải Sơn, người thân có thể thống nhất khai theo hướng có lợi cho thân nhân mình. Vì là người thân trong gia đình nên cũng dễ thỏa thuận, bàn bạc, thống nhất với nhau.
Nói về hành vi tham ô của bị cáo Dũng khi nhận "lại quả" của ông Goh, luật sư Thủy cho rằng: Không có gì chứng minh bị cáo với người này liên hệ, bàn bạc, thống chất về việc mua ụ nổi 83M để nhận lại quả.
Luật sư Thủy nhấn mạnh: “Hình phạt tử hình với Dương Chí Dũng theo tôi là chưa thỏa đáng, chưa thấu tình đạt lý. Có thể sinh mạng của một con người bị tước bỏ không thuyết phục, không đảm bảo mục đích của pháp luật”.
Luật sư đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm, giao điều tra lại để có thể đi đến một phán quyết có lý, có tình, công bằng, làm cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng công bằng, thuyết phục hơn.
Tiếp đến, luật sư Trần Đại Thắng lật lại quy định về việc phê duyệt quy hoạch ngành trong trường hợp quyết định đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển, mua ụ nổi tại Tổng Công ty Hàng hải năm 2007. Ông Thắng cho rằng Vinalines không sai khi đã trình Bộ GTVT. Dự án này có quy mô vốn không phải thuộc dự án nhóm A, không cần xin ý kiến Thủ tướng.
Luật sư Thắng cho rằng, Dương Chí Dũng không có quyết định cá nhân về việc đầu tư dự án nhà máy sửa chữa tàu biển cũng như việc mua ụ nổi vì chỉ là một thành viên của HĐQT. Nếu Dũng không đồng ý chủ trương mà HĐQT vẫn nhất trí làm việc này thì Dũng cũng phải chịu. Từ đó, luật sư đề nghị tuyên cựu Chủ tịch Vinalines không phạm tội “cố ý làm trái”.
|
Luật sư Trần Đình Triển bắt đầu nội dung bào chữa |
Lúc này, luật sư Trần Đình Triển đã đi vào vấn đề khai thác thông tin đối chứng về việc Dương Chí Dũng tham ô từ phía Singapore.
Về việc VKS đề nghị nâng mức bồi thường đối với Dương Chí Dũng, ông Triển nhấn mạnh: "Nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của bị cáo, phiên tòa này cũng không có kháng cáo, kháng nghị về việc nâng hình phạt, trách nhiệm bồi thường".
Lật lại những bản cung của Trần Hải Sơn tại cơ quan điều tra, ông Triển đề cập việc Sơn từng nói có quan hệ tốt, thân thiết với ông Goh, đã từng gặp chào xã giao …. và chỉ có bị cáo thừa nhận các lần tiếp xúc với ông Goh để nhận thông tin tiền “lại quả”, làm thủ tục nhận khoản tiền 1,666 triệu USD.
|
Lời khai của Trần Hải Sơn đã có sự mâu thuẫn? |
Đưa ra tập tài liệu vừa thu thập từ Singapore, ông Triển cho rằng, một loạt lời khai của “đổ vấy” tội của Trần Hải Sơn cần được xem xét lại.
Cụ thể, các luật sư đã tiếp cận được ông Goh Hoon Seow, lấy được bản tuyên thệ của nhân vật này về vụ án: “Tôi biết ông Dũng, nguyên chủ tịch Vinalines và các con của ông trong thời gian họ học tập tại Singapore. Tuy nhiên, tôi chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc, cựu Tổng giám đốc Vinalines về việc mua bán ụ nổi 83M này. Chỉ duy nhất một lần tôi đến chào xã giao ông Phúc tại trụ sở Vinalines tại Hà Nội, cùng đi có các ông Chiều, Sơn và một phiên dịch”. Lời khai này, luật sư cho rằng phù hợp với lời khai của Dương Chí Dũng trong quá trình điều tra.
Cũng cần phải lưu ý khi giám đốc công ty AP lại cung cấp thông tin, “việc thương thảo thủ tục mua bán ụ nổi 83M được tiến hành giữa tôi và các cán bộ đại diện Vinalines mà ông Trần Hải Sơn là người đứng đầu”.
Nội dung bản tuyên thệ của ông Goh cũng nêu rõ người này không hề yêu cầu ông Sơn phải mở tài khoản của Công ty Phú Hà. Tên Công ty Phú Hà xuất hiện lần đầu tiên khi công ty Global Success (bên trung gian có vai trò chỉ định đơn vị nhận lại 1,666 triệu USD trong thương vụ mua bán ụ nổi 83M) thông báo cho AP về tên công ty sẽ nhận khoản thanh toán cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M, sau khi tín dụng thư được phát hành.
Chi tiết về tài khoản của công ty Phú Hà cũng do Trần Hải Sơn thông báo cho AP để ông Goh thực hiện việc thanh toán theo tín dụng thư cho công ty Phú Hà theo thỏa thuận.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Triển đọc nguyên văn lời tuyên thệ của ông Goh “Tôi chưa bao giờ trao đổi với ông Dũng và ông Phúc về khoản tiền 1,666 triệu USD”.
Sau cùng, Luật sư Trần Đình Triển đề một chi tiết trong bản tuyên thệ của ông Goh: “Tôi nhớ là sau đó, cũng theo yêu cầu của ông Sơn, một bộ chứng từ đã được ký để dừng hoạt động của liên doanh”. Chính vì lẽ đó, Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, cần đánh giá lại vai trò của các bị cáo trong việc “thương thảo” với công ty AP vì đây là một chứng cứ, một tình tiết mới của vụ án.
Với những lý lẽ kèm những "bằng chứng" mới đưa ra, luật sư Trần Đình Triển đề nghị hủy án sơ thẩm, giao điều tra lại phần nội dung về tội tham ô tài sản.
|
Luật sư Hoàng Huy Được đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra lại |
Đồng tình với quan điểm của luật sư Triển, luật sư Hoàng Huy Được một lần nữa đề xuất hủy án sơ thẩm để điều tra lại vụ việc. Tiếp lời, ông Được, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng chung quan điểm. Bởi theo các luật sư, lý lẽ đại diện VKS đưa ra chỉ lấy nguyên từ hồ sơ vụ án, không sử dụng những thông tin thể hiện trong diễn biến phiên tòa. Ngoài ra, nhiều tài liệu chứng cứ quan trọng bị bỏ ra ngoài để phán quyết các bị cáo.
Phiên tòa phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm đang đang đi từ bất ngờ này sang kịch tính khác khi xuất hiện nhiều tình tiết "mới toanh"....
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ liên tục cập nhật....