Tại phiên tòa, đại diện cơ quan công tố cho rằng: Dương Chí Dũng đã thừa nhận quen biết ông Goh trước đó. Dũng cùng Phúc đã chỉ đạo cấp dưới mua bằng được ụ nổi 83M qua công ty AP. Từ đó, AP chuyển lại quả cho các bị cáo 1,666 triệu USD.
Lời khai của Trần Hải Sơn về việc nhận khoản tiền, chuyển cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều có nhiều cơ sở đối chứng chứng minh.
Từ đó, VKS kết luận số tiền hơn 28 tỷ đồng của Vinalines là tiền của Nhà nước, Dũng, Phúc có trách nhiệm cao nhất để quản lý nhưng các bị cáo đã tư lợi chia chác. Việc truy tố các bị cáo về tội tham ô tài sản là đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, VKS nhận định, không có căn cứ xem xét kháng cáo kêu oan về tội này của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc.
Viện kiểm sát đề nghị y án tử hình đối 2 cựu lãnh đạo Vinalines |
Với đơn kháng cáo của các bị cáo khác xin giảm nhẹ án đối với tội cố ý làm trái, VKS nhận định, mỗi bị cáo có một vai trò riêng trong vụ án. Riêng Dương Chí Dũng là người chủ mưu, đồng thời là người thực hiện tích cực nhất bởi bị cáo Dũng đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng nhưng vì chủ ý tham ô tài sản nên đã chỉ đạo các bị cáo là cấp dưới cố tình mua ụ nổi 83M. Với tội cố ý làm trái, Dương Chí Dũng phải chịu trách nhiệm cao nhất, chịu mức bồi thường nhiều nhất.
VKS đề nghị giữ nguyên án tử hình đối với bị cáo Dương Chí Dũng |
Theo đó, đại diện VKSND tối cao bắt đầu trình bày bản luận tội đối với Dương Chí Dũng và các đồng phạm.
Nhận định về hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng, VKS cho rằng có 4 nhóm hành vi. Nhóm hành vi thứ nhất, kiểm sát viên nhắc lại việc Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và các cấp dưới làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, quyết định đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và mua ụ nổi 83M (tổng mức đầu tư hơn 6000 tỷ đồng) trước khi dự án được Bộ GTVT cập nhật vào quy hoạch phát triển ngành hàng hải.
Nhóm hành vi thứ 2 là việc cố ý làm trái trong việc tổ chức mua bán, đầu tư ụ nổi 83M của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương. Các bị cáo đã không tuân thủ quy định đầu tư theo phương thức chào hàng cạnh tranh.
Vẫn cố tình sai phạm khi các bị cáo quyết tâm mua ụ nổi 83M này thông qua trung gian là công ty AP của Singapore thay vì mua trực tiếp của chủ ụ. Việc này khiến giá mua ụ chênh lên tới 6,7 triệu USD so với giá gốc 2,3 triệu USD công ty Nakhodka bán.
Nhóm hành vi thứ 3 là về việc thanh toán duyệt chi tiền mua ụ nổi. Trách nhiệm của kế toán trưởng Bùi Thị Bích Loan thể hiện trong nội dung này. Hành vi của các bị cáo bị cho là trái luật thương mại, luật đấu thầu, luật kế toán.
Nhóm hành vi thứ 4 là về nhóm cán bộ hải quan đã cho thông quan khối sắt phế liệu khổng lồ mang tên ụ nổi 83M. VKS cáo buộc dù biết ụ nổi quá tuổi quy định của tàu biển, đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
VKS cho rằng các bị cáo Dũng, Phúc, Chiều tuy không bàn bạc với nhau nhưng cũng thỏa thuận, tiếp sức cho nhau để tổ chức việc đầu tư sai phạm. Sơn, Khang, Dương, Loan được cho là người tiếp nhận ý chí của các “sếp” lãnh đạo, góp phần làm cho hành vi sai trái xảy ra trót lọt, gây thiệt hại 366 tỷ đồng.
Nhận định đủ yếu tố kết luận hành vi của các bị cáo, VKS cho rằng đơn kháng cáo kêu oan của Mai Văn Phúc là không có cơ sở xem xét.
Toà cho rằng, kháng cáo xin giảm nhẹ án của bị cáo Chiều không có cơ sở xem xét. |
Bị cáo Mai Văn Phúc đối diện với án tử hình. |