(ĐSPL) - Dương Chí Dũng đề nghị triệu tập nhân chứng từ Nga để xác minh rõ có hay không việc bị cáo ăn chia tiền mua ụ nổi M83.
Tại phiên tòa, Dương Chí Dũng xác nhận biết ông Goh Hoon Seow - Giám đốc Cty AP trước đó nhưng không tiếp xúc, bàn bạc gì việc mua ụ nổi 83M. Bị cáo cho biết thêm, có gặp ông Goh trong một hội thảo về ụ nổi, bị cáo chỉ chào xã giao một câu rồi đi luôn khi ông này đề nghị “ủng hộ cho việc mua ụ 83M”.
Về quan hệ với Trần Hải Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines), Dũng khẳng định tin tưởng cán bộ này. Chính Sơn là người tìm ra khu đất ở Vũng Tàu và đề xuất sử dụng làm địa điểm xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.
|
Bị cáo Dương CHí Dũng thấy quá sai khi bỏ trốn sang camphuchia |
Khi HĐXX nhắc lại vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn đi Campuchia, Dũng khai chỉ định “lánh đi” đúng như lời gợi ý của "ông anh" ở Bộ Công an. Bị cáo nhận thấy đã quá sai bỏ trốn.
Bị cáo Dũng tha thiết trình bày: "Bị cáo hứa mang hết toàn bộ tài sản, kể cả những tài sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả gây ra. Ngoài nhà đất, bị cáo còn một số xe pháo. Nguồn tiền mua căn hộ ở Sky City là bị cáo lấy từ vợ đưa cho chị T. mua. Bị cáo đến giờ cũng không nhớ khoản tiền là bao nhiêu vì chị này đứng tên mua”.
Đồng thời, Dũng xác nhận về lời khai của chị T, khi chị T góp 600 triệu đồng trong số khoản tiền hơn 4 tỷ đồng mua căn hộ này là đúng. Vì chị T. có ý kiến về việc này, Dũng cũng đề nghị HĐXX xem xét chi tiết này.
Cựu Chủ tịch Vinalines khai trước khi đi trốn có qua nhà nhưng không lấy theo gì vì tư trang lúc nào cũng sẵn trên xe. Bị cáo khẳng định lại nhận được thông tin được “mật báo” vào khoảng 5-6h chiều ngày 17/5/2012.
Trả lời đại diện VKS về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong cả 4 giai đoạn xem xét, mua ụ nổi, bị cáo Dũng giải thích việc "đi ngược" khi mua thiết bị trước lúc có nhà máy là vì khi đó có đối tác chào bán chiếc ụ nổi giá rẻ như vậy.
Kiểm sát viên cho rằng nội dung trả lời của Dương Chí Dũng là đủ cơ sở làm rõ hành vi làm trái, làm khi chưa được duyệt, việc phải làm sau cùng lại đi làm trước.
Về việc Sơn đưa tiền của "lại quả" cho Dũng khi ở Sài Gòn, luật sư Trần Đình Triển hỏi bị cáo Dũng: “Thời điểm 4h chiều hôm đó, Sơn nói gọi điện cho anh và được anh cho biết đang ở khách sạn Victory, khi đó anh ở đâu?” – Dũng khẳng định “Khi đó tôi đang trên máy bay”.
Luật sư Triển giải thích thêm, chuyến bay vào Sài Gòn sáng hôm đó của Dũng bị hoãn do việc đột xuất ở Bộ GTVT nên 6-7h tối Dũng mới đến được khách sạn Victory. Vì vậy không thể có chuyện Sơn hẹn và mang 5 tỷ đồng đưa cho Dũng vào khoảng 5h30 chiều hôm đó.
Nhắc đến án tử hình tòa sơ thẩm đã tuyên dành cho mình, Dương Chí Dũng khẳng định, nếu có chết rồi thì gia đình bị cáo cũng sẽ tiếp tục kêu oan.
Dương Chí Dũng đề nghị triệu tập nhân chứng từ Nga biết việc thỏa thuận ăn chia khoản tiền bán ụ nổi 83M. “Nếu nội dung này mà thể hiện bị cáo biết việc ăn chia thì bị cáo xin nhận án tử hình ngay”, Dũng thống thiết.
Đại diện VKS hỏi, năm 2008 Dũng ở khách sạn Victory bao nhiêu lần? Bị cáo đáp không nhớ. Đại diện VKS công bố lại kết quả xác minh về tất cả những lần lưu trú ở khách sạn đó.
|
Bị cáo Trần Hải Sơn tại phiên tòa. |
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, Trần Hải Sơn khẳng định lại lời khai về việc được Dũng chỉ đạo ăn chia tiền. Những căn cứ về việc đưa tiền cho Dũng, Sơn nhấn mạnh, giữ nguyên như lời khai tại cơ quan điều tra, phiên tòa sơ thẩm.
Ngoài lần gặp Dương Chí Dũng để đưa 5 tỷ đồng tại khách sạn Victory, Sơn không nhớ có lần gặp nào khác tại đây.
Khoản tiền 5 tỷ đồng đưa lần thứ 2 tại nhà mẹ vợ Dũng ở Hải Phòng, Sơn khai là do em gái Huyền chuyển cho Sơn. Việc chuẩn bị tiền có chồng Huyền (anh Long) chứng kiến.
Tòa truy việc trao đổi để chuyển khoản tiền 1,666 triệu USD qua công ty Phú Hà (công ty của em gái Sơn). Sơn nói ông Goh hướng dẫn thủ tục chuyển tiền qua một công ty. Sơn cũng nói rõ được Dũng, Phúc chỉ đạo tiếp nhận khoản tiền này nhưng không nói rõ cách nhận thế nào. Cách thức là do ông Goh yêu cầu cung cấp tên, tài khoản một doanh nghiệp trung gian.
Khoản 340 triệu đồng Sơn đưa cho Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines)thì Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc không chỉ đạo mà Sơn tự nguyện đưa. Chiều là Trưởng Ban QLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, có tham gia đoàn khảo sát nên đưa tiền.
Đánh giá về vai trò của mình khi nhận 7,8 tỷ đồng (chỉ mỗi việc ký nháy), Sơn cho rằng, phần công sức của mình sẽ là về sau, khi nhận trách nhiệm quản lý nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.
Trả lời HĐXX, Mai Văn Phúc giải thích không có chuyên môn, không nắm rõ về quy định đầu tư xây dựng cơ bản. Vì vậy, Phúc không hiểu văn bản chỉ đạo của Thủ tướng là phải chờ nhà máy sửa chữa tàu biển được cập nhật vào quy hoạch ngành mới được triển khai.
Khi đoàn khảo sát sang Nga, Phúc cũng phủ nhận việc dặn Trần Hữu Chiều phải cố gắng mua được ụ nổi này thông qua công ty AP. Tất cả việc này Phúc cho là do Trưởng đoàn khảo sát Trần Hữu Chiều ký trình.
Bị cáo Phúc giải thích: “Bị cáo cũng hoàn toàn không có nghi ngờ gì khi nhận được báo cáo này vì bản thân cũng rất tin tưởng anh Chiều. Mọi khâu trong thương vụ này là do Chiều giúp bị cáo”.
Phúc chỉ nắm được thông tin ụ nổi này rất xấu, đã 42 năm tuổi. Phúc nói Chiều cố gắng tìm thêm sự lựa chọn vì ụ này già, cũ quá.
Phúc cũng không nắm được thông tin trước đó Vinalines cũng có đoàn khảo sát 1 ụ nổi khác (ụ 220 của Nauy). Chiều trình bày với Phúc là thời điểm đó khó tìm ụ, ụ 220 và ụ 194 của Mỹ đã nghiên cứu nhưng không phù hợp.
Mai Văn Phúc cho biết thêm, cách đây khoảng 10 ngày, luật sư cung cấp thông tin Phúc mới biết có 1 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận của đoàn khảo sát khi đi Nga (có nội dung mua qua AP, có một khoản tiền hơn 3,4 triệu USD chuyển cho trung gian là công ty Global Success. Từ khoản này, 1,666 triệu USD đã “chảy” ngược về Việt Nam).
Phúc khai sau khi đoàn khảo sát về (cuối năm 2008) có được Sơn đưa 1 gói quà trong đó có 1 chai rượu Chivas 18 và 1 phong bì nhưng trong chỉ có… 2 triệu đồng.
Phúc khẳng định có căn cứ chứng minh lời khai của Trần Hải Sơn về việc chuyển tiền cho mình là gian dối. Bác lại nội dung Sơn khai là rút tiền từ Ngân hàng Hàng hải 5 tỷ đồng để tự tay xếp vào valy mang đến nhà Phúc, Phúc lập luận, xác minh tại ngân hàng này, không hề có việc Sơn rút tiền như trình bày.
Việc Sơn khai về quê An Sương, Hải Phòng của Phúc, bị cáo trình bày, thời điểm đó con trai Phúc đang du học ở Anh, không thể có chuyện thanh niên này lái xe đưa bố về quê để nhận tiền của Sơn chuyển. Thời điểm năm 2008 con Phúc cũng không về nước, chỉ về vào đầu năm 2009 (dịp sát Tết âm lịch).
Được biết, ngày 18/4 tòa phúc thẩm cho phép vợ con vào trại thăm Mai Văn Phúc. Bị cáo khi đó mới biết việc vợ cố gắng lo nộp 3,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho bị cáo. Tuy nhiên Phúc phản ứng, cho biết bản thân không đồng tình với việc này của vợ. Bị cáo không tác động với gia đình để nộp tiền cho mình vì khẳng định bản thân không sai, không có gì khải khắc phục....
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.....