Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tâm lý Dương Chí Dũng thế nào trước phiên tòa phúc thẩm?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Được biết, trước phiên tòa phúc thẩm xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 24/4 tới đây, hiện tâm lý của Dương Chí Dũng khá ổn định.

(ĐSPL) - Được biết, trước phiên tòa phúc thẩm xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 24/4 tới đây, hiện tâm lý của Dương Chí Dũng khá ổn định. 
Trước khi diễn ra phiên phúc thẩm xét xử "đại án" được dư luận đặc biệt quan tâm này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã tìm hiểu những thông tin mới nhất để chuyển đến độc giả.
Tâm lý rất bình tĩnh?
Theo lịch, ngày 22/4 tới đây, tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tại Hà Nội sẽ tiến hành xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm theo trình tự phúc thẩm. Trước đó, "cựu chủ tịch" Vinalines cùng đồng phạm bị truy tố 2 tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản". Theo bản án của TAND TP.Hà Nội, trong vụ án này, Dương Chí Dũng có vai trò chủ mưu trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại 367 tỷ đồng và tham ô 1,666 triệu USD. Trong đó, Dũng được chia 10 tỷ đồng. HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt Dương Chí Dũng án tử hình về tội "Tham ô tài sản", 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; tổng hợp hình phạt là tử hình.
Dương Chí Dũng bị kết án tử hình tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Sau đó, Dương Chí Dũng và đa số đồng phạm đã kháng cáo kêu oan. Riêng Bùi Thị Bích Loan - nguyên Kế toán trưởng Vinalines không kháng cáo. Theo tìm hiểu của PV, phiên phúc thẩm dự kiến sẽ kéo dài liên tục trong 3 ngày, từ ngày 22 đến 24/4. Ba luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng vẫn là những vị luật sư từng bào chữa cho ông ta tại phiên sơ thẩm.
Để có những thông tin liên quan, PV báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với luật sư Trần Đình Triển (Trưởng văn phòng luật sư Vì dân - đoàn Luật sư TP. Hà Nội), một trong ba luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng. Trao đổi với PV, ông Triển cho biết, trong buổi gặp gỡ, làm việc với Dương Chí Dũng gần đây, ông cũng xoay quanh việc hỏi han tình hình sức khỏe của thân chủ, hỏi han về nơi giam giữ và công việc.
Tại buổi gặp gỡ với luật sư, Dương Chí Dũng cho biết, phía ban Nội chính Trung ương và cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an có vào làm việc với mình. Luật sư Triển nói: "Tôi rất xúc động khi nghe anh Dũng thông báo việc vừa qua tòa Phúc thẩm TANDTC cho phép anh Dũng được gặp mẹ và những người thân khác trong gia đình nên tâm lý của thân chủ tôi cũng có phần phấn khởi hơn. Hiện, sức khỏe của anh Dũng cũng ổn định, tâm lý rất bình tĩnh".
"Tôi đánh giá rất cao về nơi giam giữ cũng như công tác quản lý của trại B14 - Bộ Công an. Trại đã tạo nhiều điều kiện cho luật sư làm việc rất thuận lợi", vị luật sư nói về nơi đang giam giữ Dương Chí Dũng.
Luật sư Triển cho biết thêm: "Trong buổi làm việc gần đây, thân chủ của tôi vẫn bày tỏ những quan điểm giống như từ trước đến nay về vấn đề mà anh Dũng khai về việc người "mật báo" cho anh biết và đề nghị anh trốn đi một thời gian. Việc này anh Dũng cũng đã khai lại với cơ quan có thẩm quyền trong các buổi làm việc sau khi tham dự phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm.
Đi vào vụ cố ý làm trái, theo quan điểm của anh Dũng, việc xây dựng dự án đóng tàu phía Nam là có chủ trương từ những nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị (HĐQT) trước, anh Dũng và những người sau này chỉ tiếp quản để làm. Còn việc mua ụ nổi là thiết bị cần thiết của nhà máy đóng tàu. Trước đây, anh Dũng có trình mua ụ nổi số 01 của Hà Lan. Còn việc trình mua ụ nổi này (ụ 83M - PV) do ai môi giới và mua bán như thế nào thì anh Dũng chỉ biết thông qua Ban Tổng giám đốc và các ban, ngành của Tổng công ty. Trên cơ sở đó, Tổng giám đốc có xin ý kiến của bộ GTVT, việc mua ụ nổi thuộc quyền của Tổng công ty. Do đó, anh em đi khảo sát về trình, HĐQT thông qua rồi quyết đến việc mua. Khi thực hiện việc mua bán này, anh Dũng cũng nhận ra rằng, mua đắt, thiếu kiểm tra, kiểm soát nhưng tin anh em cán bộ. Vì vậy, có việc làm thất thoát do mua phải ụ nổi cũ, chất lượng không tốt. Ở đây, có chăng là tội thiếu tinh thần trách nhiệm của anh ấy, cũng như của tập thể anh em trong HĐQT, anh em trong ban Giám đốc, chứ không phải chỉ riêng cá nhân anh ấy quyết định việc mua này.
Về hành vi liên quan đến tham ô, anh Dũng cũng đề nghị ông Goh (Goh Hoon Seow, Giám đốc công ty AP, Nga - PV) cũng phải có ý kiến. Ngay bản thân ông Goh cũng không thừa nhận là có liên hệ với anh Dũng. Điều nữa là, phải làm rõ việc phía Nga, ai là người thương thảo liên quan đến 1,666 triệu USD. Anh Dũng cho rằng anh ấy không hề biết về số tiền 1,666 triệu USD và không được hưởng phần nào trong số tiền này. Tòa cần làm rõ lời khai của ông Sơn bởi, trong lời khai của ông này có rất nhiều mâu thuẫn trong việc nhận tiền và đưa tiền. Tại tòa, ông Sơn khai không có liên lạc gì với phía Nga và ông Goh, nhưng trên thực tế, đã có nhiều cuộc gặp thông qua người phiên dịch là ông Quang. Cần làm rõ việc gặp đó, nội dung thỏa thuận những gì...".
Dương Chí Dũng và đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm.
Liệu lời khai có mang tính "chiến thuật"?
Theo thông tin PV cập nhật được, phần còn lại liên quan đến sai phạm của Dương Chí Dũng đối với dự án đóng tàu trong việc mua ụ nổi, còn một mảng nữa là mảng chi cho các nhà môi giới khoản tiền rất lớn, hơn 4,3 triệu USD. Hoặc các vấn đề khác tại Vinalines chưa được điều tra, làm rõ trong vụ án này như quản lý, khai thác cảng biển, đầu tư ngoài... Cơ quan điều tra của Bộ Công an vẫn tiếp tục xác minh, khi có đủ căn cứ sẽ khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, tại phiên tòa sơ thẩm, Dương Chí Dũng liên tục kêu oan. Dù đứng trước mức án cao như vậy nhưng ông Dũng tỏ ra rất bình tĩnh và thái độ không giống với những bị cáo bị tuyên án tử hình. Một số ý kiến cho rằng, liệu điều đó có phải là do sự tỉnh táo hay khôn ngoan đối đáp trước cơ quan pháp luật của vị "cựu chủ tịch"? Liệu việc khai báo có mang tính "chiến thuật", trước phiên tòa xét xử mình thì không khai việc "chạy tội", chờ bản án, rồi đến phiên tòa xét xử em trai thì khai rất nhiều, liên quan đến việc đưa tiền cho một số người để lo lót "chạy tội"? Những lời khai của Dương Chí Dũng trước phiên tòa rất nhạy cảm, rất nghiêm trọng nhưng lại không nhất quán, thay đổi nhiều lần. Vì vậy, dư luận cho rằng, cần xem xét lại lời khai, điều tra triệt để những lời khai trên để làm rõ đúng - sai, lý do hay động cơ gì mà Dương Chí Dũng lại thay đổi? Vì sao ông Dũng phải chờ đến phiên tòa xét xử em trai mình mới khai ra nhiều điều "bí mật" như thế, liệu có dụng ý gì không? Theo một chuyên gia pháp lý, tuy đó là vụ án khác nhưng ông Dũng hoàn toàn có thể tố giác ngay trong vụ án của mình. Vấn đề "đưa tiền" liên quan trực tiếp đến việc "chạy tội" chứ không liên quan trực tiếp đến việc bỏ trốn, tại sao ông Dũng không khai ở thời điểm diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử mình? Liệu ông Dũng có "chiến thuật" hay "trông chờ" gì không?
Được biết, ngoài 9/10 bị cáo trong "đại án" Vinalines đã có đơn kháng cáo thì vợ Dương Chí Dũng - bà Phạm Thị Mai Phương cũng có đơn đề nghị TANDTC gỡ bỏ lệnh phát mãi 3 căn nhà của gia đình.
Trao đổi với PV, một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực điều tra phân tích, khối lượng tài sản liên quan đến vụ án này rất lớn, nhưng phía gia đình và bản thân ông Dũng khai không nhất quán. Bản thân ông Dũng khai là tài sản của mình, còn bà Phương thì nói là tiền của mình và đi vay của một số người khác. Việc kê biên tài sản 3 căn nhà là hoàn toàn đúng pháp luật, kê biên để đảm bảo điều kiện thi hành án. Tòa sơ thẩm tuyên buộc Dũng phải bồi thường hơn 100 tỷ đồng, thì với 3 căn nhà kê biên trên cũng chưa đủ để thu hồi. Đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp điều tra để tìm hiểu tài sản của gia đình Dương Chí Dũng để có thể thu hồi tiếp.        
"Sở trường" làm thơ tặng vợ
Theo luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng, thông qua luật sư, ông Dũng muốn nhắn gửi tới vợ hãy giữ gìn sức khỏe, con cái chăm ngoan. "Nếu anh ấy có lỗi lầm gì với vợ thì cũng mong vợ con tha thứ. Những ngày qua, anh Dũng nghĩ rất nhiều về những người thân của mình và cũng rất xúc động, nhiều cảm xúc khi nhắc đến vợ. Thời gian bị giam giữ trong trại, anh Dũng cũng có làm thơ tặng vợ. Ngược lại, chị Phương cũng dành rất nhiều tình cảm cho chồng. Chị ấy cũng làm thơ tặng anh Dũng. Tôi nhớ, có lần ngồi trên xe ô tô, chị Phương đọc thơ tặng chồng mà khiến rất nhiều người xúc động, rơi nước mắt. Trong lần gặp vừa rồi, anh Dũng cũng thông qua luật sư nhắn gửi vợ lời dặn dò, bây giờ đã vào hoàn cảnh như vậy thì ở nhà nhớ chăm sóc cho bố mẹ già cho trọn vẹn", luật sư Triển cho biết.

Tin nổi bật