Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

ĐBQH: Chất vấn và trả lời chất vấn chính là cuộc sát hạch lại đối với các tư lệnh ngành

(DS&PL) -

Đánh giá về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, nhiều Đại biểu cho rằng, đây chính là cuộc sát hạch lại đối với các tư lệnh ngành.

Đánh giá về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, nhiều Đại biểu cho rằng, đây chính là cuộc sát hạch lại đối với các tư lệnh ngành.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc tốt đẹp. Đánh giá về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng rất hiệu quả và chất lượng, giải quyết được nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm.

Xem video: ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đánh giá về các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 6.

[presscloud]5576[/presscloud]

Theo Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (đoàn TP.Hồ Chí Minh), hoạt động chất vấn gần như một phạm trù mở, rộng, có nhiều vấn đề. Đây có thể xem như là cuộc sát hạch lại với các thành viên Chính phủ về trọng trách đối với lĩnh vực mà mình đang quản lý, vừa thể hiện vai trò của Bộ trưởng, đồng thời là trách nhiệm với cử tri cả nước.

Đại biểu Khuê nói: “Các vị Bộ trưởng ở trong trạng thái không biết lúc nào Đại biểu sẽ đặt vấn đề với mình. Do có sự mở, rộng như vậy nên sẽ không thể chuẩn bị trước từng câu trả lời. Do đó, đây chính là điều kiện để cử tri nhìn nhận một cách sát thực về mức độ tận tâm, trách nhiệm của Bộ trưởng với lĩnh vực mình được giao”.

ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê.

Vị Đại biểu Quốc hội đoàn TP.Hồ Chí Minh phân tích: “Thêm một điểm nữa về thành công của kỳ họp lần này, đó là chất lượng các nội dung báo cáo thẩm định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tôi cho rằng góc độ thẩm định, đánh giá đưa ra vấn đề khá sâu sắc. Văn bản này đã soi rọi vào những vấn đề mà một số bộ ngành chưa đi sâu, thậm chí những vấn đề đặt ra còn mang tính chất khái quát, chung chung, đôi lúc có những điểm còn né tránh, nhưng các nội dung thẩm định là đi vào tận cùng những khía cạnh đó. Đây chính là điều mang lại cho các đại biểu sự hài lòng và cho thấy chất lượng kỳ họp đã nâng lên”.

Đại biểu Khuê nhìn nhận: “Sau khi kết thúc kỳ họp, các thành viên Chính phủ qua kết quả bỏ phiếu tín nhiệm vừa rồi và trên cơ sở các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm định cần phải bám sát hơn nữa và bắt được những vấn đề thực tiễn đặt ra, đi sát với cơ sở để trong chặng đường còn lại của nhiệm kỳ sẽ làm tốt hơn và mang lại những bước đột phá để đất nước vươn lên”.

ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, Chủ tọa điều hành các phiên họp Quốc hội rất sáng tạo, linh hoạt.

Đánh giá về kết quả của kỳ họp thứ 6, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết: “Tôi thấy rằng, thời gian của kỳ họp thứ 6 so với chương trình đưa ra rất phù hợp.

Chủ tọa điều hành sáng tạo, linh hoạt từ lịch làm việc đầu kỳ họp tới cuối kỳ họp, thời gian phân bổ cho mỗi nội dung làm việc cũng rất hợp lý. Trong 2 tuần đầu của kỳ họp dành cho nội dung nhân sự, chất vấn và trả lời chất vấn, thảo luận về kinh tế - xã hội, các Đại biểu đã làm việc hết sức tập trung, hiệu quả.

Trong 2 tuần sau, Quốc hội chủ yếu thảo luận về các dự thảo luật. Nhưng thời gian chuẩn bị không nhiều nên có nhiều đại biểu chưa thể tham gia thảo luận. Bởi, khi đã đóng góp thì phải tích cực, có ý kiến sâu sắc và thuyết phục để ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa chi tiết”.

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh.

Về hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm, Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) cho rằng, đó chính là thước đo hiệu quả để có sự đánh giá lại các thành viên Chính phủ. Qua đó, các tư lệnh ngành tự nhìn lại mình, đánh giá toàn diện của ngành xem đã thực hiện đúng với phương châm và mục tiêu Chính phủ đặt ra hay không.

Nữ Đại biểu đoàn Bình Phước chia sẻ: “Hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm, chất vấn và trả lời chất vấn nhằm đánh giá lại những vấn đề mà các vị trưởng ngành, Bộ trưởng hứa từ đầu nhiệm kỳ tới nay được thực hiện đến đâu.

Vấn đề nào thực hiện tốt thì phát huy, nội dung nào chưa thực hiện tốt, các Đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục có giám sát và đề nghị các ngành phải tăng cường thực hiện trong năm nay để tới cuối nhiệm kỳ phải đạt được những mục tiêu đề ra, làm sao đóng góp vào sự phát triển của đất nước”.

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật