Đầu tháng 10/1970, một phát hiện chấn động đã làm xôn xao công trường xây dựng tại thôn Hà Gia, Thiểm Tây, Trung Quốc.
Được biết, khi đang đào đất, xẻng của một trong số các công nhân đã va chạm vào một vật cứng kỳ lạ.
Đội ngũ xây dựng đã ngay lập tức dừng thi công, bới đất và phát hiện bên dưới có 2 chiếc bình có hình dáng vô cùng độc đáo.
Khi mở, mọi người ở đó đều sửng sốt vì bên trong chứa đầy những chiếc chén bằng vàng, bạc. Nhìn kỹ, một người công nhân còn phát hiện có 12 con rồng nằm trong chiếc bình mạ vàng.
Cổ vật được tìm thấy. Ảnh: Sohu
Những con rồng được làm bằng vàng ròng. Phần sừng và đuôi được uốn cong, thân thì được chạm khắc vô cùng tinh xảo.
Người quản lý công trường đã ngay lập tức báo với trưởng thôn Hà Gia. Sau đó, vị trưởng thôn đã liên hệ với cơ quan chức năng của địa phương để báo cáo tình hình. Ngay ngày hôm sau, một nhóm các nhà khảo cổ đã tới và yêu cầu phong tỏa khu vực tìm thấy những món cổ vật này.
Theo thống kê, nếu tính cả căn hầm ẩn dưới lòng đất của công trường, có hơn 1.000 di vật văn hóa đã được tìm thấy và được cho là có từ thời nhà Đường. Các nhà khảo cổ đã khai quật được 271 bình vàng bạc, 22 miếng bạc, 8 vòng cổ bạc, 60 đĩa bạc, 466 đồng xu vàng, bạc và đồng. Ngoài ra, họ còn tìm thấy 10 chiếc thắt lưng ngọc bích, 3 món đồ bằng mã não, 1 món đồ pha lê, 1 đôi nhẫn ngọc bích và 13 món đồ trang sức bằng vàng và đá quý…
Những món đồ này được chế tác vô cùng tinh xảo - chúng cho thấy trí tuệ và tài năng của những người thợ thủ công thời nhà Đường.
Sau khi đánh giá, các chuyên gia cho rằng giá trị của những món cổ vật này là quá lớn và chưa thể ước tính được.
Ba trong số các cổ vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Hàng chục vật phẩm khác cũng được xác nhận là di vật văn hóa hạng nhất cấp quốc gia.
Vào năm 2004, “kho báu” này chính thức được trưng bày công khai ở Bắc Kinh.
Hồi 2016 một sự việc tương tự cũng đã xảy ra, theo đó, một đội xây dựng đang thực hiện việc đào kênh dẫn nước tại thị trấn Tương Dương (TP. Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) đã tình cờ phát hiện một vật thể bí ẩn.
Theo Sohu, trong quá trình thi công, chiếc máy xúc đột nhiên gặp phải một lực cản rất lớn, dù đã cố gắng đào mạnh nhưng vẫn không thể di chuyển khối đất bên dưới. Ban đầu, đội công nhân nghi ngờ đã va phải một tảng đá lớn. Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ lưỡng, họ phát hiện ra vật cản đó là một vật thể bằng kim loại, có hình bầu dục và kích thước khá lớn. Khi vật thể được đưa lên khỏi mặt đất, sự ngỡ ngàng bao trùm cả công trường.
Kho báu thời Nam Tống. Ảnh: Sohu
Theo mô tả, vật thể trông giống như một chiếc lu sắt lớn với hai đầu thuôn tròn. Một số người lo ngại rằng đó có thể là một quả bom sót lại từ thời chiến, vì khu vực này từng xảy ra chiến tranh. Để đảm bảo an toàn, họ nhanh chóng báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng.
Ngay sau khi nhận được tin, cảnh sát địa phương đã lập tức có mặt để phong tỏa hiện trường và sơ tán người dân xung quanh. Đồng thời, các chuyên gia về chất nổ cũng được triệu tập đến kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi sử dụng thiết bị dò tìm hiện đại, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy vật thể chứa chất nổ.
Nhận định rằng vật thể này không gây nguy hiểm, cảnh sát quyết định vận chuyển nó về trụ sở để tiến hành kiểm tra kỹ hơn. Tại đây, nhóm chuyên gia đã khoét một lỗ nhỏ để thăm dò bên trong.
Khi mở chiếc lu sắt ra, điều khiến các chuyên gia không khỏi ngạc nhiên chính là bên trong không phải chất nổ, mà là một bộ sưu tập gốm sứ màu trắng tuyệt đẹp. Nhận thấy những món đồ này có thể là cổ vật, cảnh sát đã mời các chuyên gia về di vật lịch sử đến thẩm định. Sau khi kiểm tra, các nhà khảo cổ học đã vui mừng xác nhận đây là kho báu quý giá từ thời Nam Tống.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chiếc "lu sắt" thực chất là một cái vạc sắt, bên trong chứa 16 món đồ sứ men ngọc đến từ lò nung Long Tuyền, nổi tiếng từ thời Bắc và Nam Tống. Những hiện vật này bao gồm 8 chiếc bát, 8 chiếc đĩa và một chiếc lư hương. Tất cả đều mang màu xanh lam đặc trưng, với lớp men dày và hoa văn tinh tế. Trong đó, chiếc lư hương được xếp hạng là di vật văn hóa cấp hai của Trung Quốc.
Lò nung Long Tuyền, nổi tiếng với kỹ thuật chế tác gốm sứ, đạt đỉnh cao phát triển vào thời Bắc Tống và tiếp tục thịnh vượng trong suốt thời Nam Tống. Nhiều sản phẩm từ lò này từng được xuất khẩu rộng rãi ra nước ngoài, đánh dấu thời kỳ hoàng kim của ngành gốm sứ Trung Quốc.
Sau khi phát hiện này, các nhà khảo cổ học đã ngay lập tức đến hiện trường để tìm kiếm thêm manh mối. Tuy nhiên, họ không tìm thấy thêm bất kỳ ngôi mộ cổ hay đồ sứ nào khác. Khi dường như mọi hy vọng đang dần tan biến, một người dân địa phương đã cung cấp manh mối quan trọng.
Theo đó, khu vực công trường từng là một ngôi chùa cổ, bị phá hủy trong quá khứ. Cuối thời Nam Tống, khi triều đình trên bờ vực sụp đổ, các nhà sư đã chôn giấu những bảo vật quý giá trong một cái vạc sắt dưới lòng đất, dự định sẽ quay lại lấy sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, họ không bao giờ quay trở lại, khiến những bảo vật này bị lãng quên cho đến khi được tìm thấy gần 800 năm sau.
Hiện tại, toàn bộ số gốm sứ quý giá từ chiếc vạc sắt đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Tứ Xuyên, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu cũng như công chúng yêu thích lịch sử và khảo cổ học.