Trong vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch, VKSND Tối cao xác định, ông Quyết là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mua Công ty cổ phần xây dựng Faros; chỉ đạo góp vốn khống, sử dụng vốn góp khống để hợp thức việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng, đăng ký công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.
Từ đó, ông Quyết đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp khống cho 30.403 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.
Đối với Doãn Văn Phương - cựu Tổng Giám đốc FLC, cơ quan chức năng xác định ông này đã xuất cảnh ra nước ngoài, nên tách hồ sơ xử lý sau. Song trong bản cáo trạng, cơ quan công tố đã nêu rõ vai trò của Doãn Văn Phương khi điều hành Công ty Faros.
Theo Viện Kiểm sát, sau khi hoàn tất việc nâng khống vốn điều lệ của Công ty FAROS từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng, Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương tiếp tục bàn bạc việc niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán.
Doãn Văn Phương xây dựng phương án, Trịnh Văn Quyết phê duyệt đồng ý để người thân trong công ty và các lãnh đạo, nhân viên Faros thực hiện.
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và cựu Tổng Giám đốc Doãn Văn Phương. (Ảnh: Lao động)
Quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc, Doãn Văn Phương sẽ báo cáo với Trịnh Văn Quyết. Khi đó, cựu Chủ tịch FLC giao Phương trực tiếp chủ động xử lý nhằm đạt được mục đích niêm yết 430 triệu cổ phiếu, tương ứng 4.300 tỉ đồng của Faros, bán cho nhà đầu tư tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Để niêm yết cổ phiếu tại HoSE, Công ty Faros phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2014, 2015 và 6 tháng năm 2016; đề nghị chấp thuận công ty đại chúng; đăng ký, lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS để giao dịch trên thị trường chứng khoán.
FAROS đã ký hợp đồng và được Lê Văn Dò - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội cùng Lê Văn Tuấn - kiểm toán viên, ký ban hành Báo cáo kiểm toán độc lập, dù Faros chưa đủ cơ sở để chấp nhận toàn phần.
Sau đó, ngày 20/4/2016, Doãn Văn Phương ký Văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đề nghị xem xét và chấp thuận việc đăng ký công ty đại chúng kèm theo hồ sơ liên quan. Tuy nhiên, quá trình thẩm định, Vụ Giám sát công ty đại chúng phát hiện báo cáo kiểm toán không đúng quy định pháp luật, chưa đủ căn cứ để chấp thuận toàn phần.
Ông Lê Công Điền - Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, ký công văn đề nghị Faros giải trình làm rõ một số nội dung: Cung cấp tài liệu liên quan đến quá trình góp vốn, sử dụng vốn thu được từ các đợt tăng vốn; Tình hình biến động cổ đông; Thông tin về việc chuyển nhượng cổ phiếu của các cổ đông…
Ngày 5/5/2016, Đỗ Như Tuấn - Tổng Giám đốc Faros ký công văn giải trình về các khoản tiền đầu tư dài và ngắn hạn; khoản tiền ứng trước được thể hiện trong báo cáo tài chính năm 2014, 2015 của doanh nghiệp.
4 ngày sau, Doãn Văn Phương tiếp tục ký công văn gửi UBCKNN bổ sung hồ sơ đăng ký Công ty đại chúng, khẳng định FAROS có vốn điều lệ thực góp đạt 4.300 tỷ đồng và có 114 cổ đông.
Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định, với những trường hợp ủy thác đầu tư của Công ty Faros phải giải trình theo yêu cầu của Vụ Giám sát Công ty đại chúng, UBCKNN, doanh nghiệp này đã hợp thức việc sử dụng vốn góp khống bằng cách thông qua ủy thác đầu tư cho hai cá nhân.
Các cá nhân này có tên Nguyễn Thị Hồng Dung - thợ may và Lê Thị Thơm lao động tự do, được FAROS ủy thác đầu tư là 750 tỷ đồng. Đây là hai cá nhân được Trịnh Thị Minh Huế (em gái của Trịnh Văn Quyết) nhờ đứng tên để nhận số tiền ủy thác.
Song trong công văn ngày 9/7/2016 gửi UBCKNN, Doãn Văn Phương báo cáo đây là hai nhà đầu tư uy tín, có năng lực trong lĩnh vực đầu tư.
"Công ty đã có nghị quyết cho phép sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi để ủy thác đầu tư cho các tổ chức, cá nhân; đồng thời xác định việc ghi nhận doanh thu tài chính phù hợp với Chuẩn mực "Doanh thu và Thu nhập khác" ", cáo trạng nêu một phần nội dung giải trình của Faros.