Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đại biểu Quốc hội nêu thực trạng vàng biến động khó lường, có người lỗ hàng trăm triệu chỉ trong vài ngày

  • Hiếu Nguyễn
(DS&PL) -

Theo ĐBQH Hà Sỹ Đồng, vàng từng được coi là "nơi trú ẩn an toàn" nhưng đến nay thì vàng cũng là một tài sản bấp bênh, có người lỗ hàng trăm triệu chỉ trong vài ngày.

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Tham gia thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) quan tâm đến thị trường vàng hiện nay. Theo báo cáo của Chính phủ, giá vàng từ đầu năm 2025 tới nay đã tăng gần 30% và lập đỉnh 28 lần, chạm mốc 3.500 USD/ounce ngày 23/4/2025. Ngân hàng JPMorgan dự báo đà tăng giá vàng vẫn tiếp tục và có thể đạt mốc 4.000 USD/ounce vượt xa các dự báo trước đó.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng nêu thực trạng vàng từng được coi là "nơi trú ẩn an toàn" nhưng đến nay thì vàng cũng là một tài sản bấp bênh, có người lỗ hàng trăm triệu chỉ trong vài ngày do biến động khó lường của loại tài sản này.

"Việc giá vàng tăng mạnh sẽ tạo ra những tác động sâu rộng, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn ảnh hưởng đến đời sống của từng người dân. Khi giá vàng gia tăng, những người nắm giữ vàng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng giá này. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực cũng không thể bỏ qua", ông Hà Sỹ Đồng cho biết.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng.

Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong năm 2024, giá vàng tăng khoảng 13,78%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,2%. Điều này cho thấy sự liên kết giữa giá vàng và giá trị hàng hóa tiêu dùng.

Sự gia tăng giá vàng sẽ dẫn đến áp lực lạm phát lớn. Hàng hóa tiêu dùng sẽ trở nên đắt đỏ hơn do giá trị vàng cao ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và phân phối. Điều này sẽ gây suy giảm sức mua của người dân, đặc biệt là đối với các nhóm thu nhập thấp, đồng thời làm gia tăng chi phí sinh hoạt cho đại bộ phận người dân.

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo rằng, nếu giá vàng tiếp tục tăng mạnh, chúng ta có thể phải đối mặt với một đợt lạm phát phi mã, khiến giá hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu và vật liệu xây dựng đẩy giá lên cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nền kinh tế.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, không thể chỉ nhìn nhận vàng như một tài sản đầu tư truyền thống. Vàng còn là thước đo sức khỏe kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc gia.

"Điều quan trọng là Việt Nam cần chủ động xây dựng một chiến lược dài hạn để ổn định nền kinh tế, tránh bị cuốn vào những cơn sóng đầu cơ vàng và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải có những cơ chế điều hành giá vàng rõ ràng, giảm thiểu biến động và đồng thời thúc đẩy đầu tư vào sản xuất thay vì vào các tài sản dễ biến động.

Không loại trừ nguyên nhân có hiện tượng đầu cơ, thổi giá vàng

Theo báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết trong nước, giá vàng miếng SJC diễn biến cùng chiều với giá thế giới.

Với các giải pháp quản lý đồng bộ, cho tới đầu tháng 4/2025 chênh lệch giá vàng trong nước và giá thế giới tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở biên độ khoảng 3-5 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 5%-7%); có thời điểm chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 1%-2%) vào đầu năm 2025.

Đến ngày 23/4/2025, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới quy đổi ở mức ~14,48 triệu đồng/lượng (tương đương ~13,62%).

NHNN chỉ ra loạt nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng với tốc độ nhanh hơn giá vàng thế giới và chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới tăng cao từ đầu tháng 4/2025.

Thứ nhất, tâm lý kỳ vọng việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của FED; diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng; các cú sốc giá cả hàng hóa có thể phát sinh khiến nhu cầu mua vàng tăng.

Thứ hai, nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường ngoại hối và thị trường vàng tương đối ổn định nên từ đầu năm 2025 đến nay NHNN không phải can thiệp thị trường.

"Ngoài các nguyên nhân trên, không loại trừ nguyên nhân có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi", NHNN nhấn mạnh.

Mặc dù giá vàng trong nước tăng cao, tuy nhiên những biến động này trước mắt chưa ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan hữu quan để tăng cường công tác quản lý và có biện pháp ổn định thị trường vàng theo thẩm quyền.

Tin nổi bật