Sáng 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, được tổ chức ngay sau kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 và Phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Trong số 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó lưu ý tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay...
"Cùng với đó, tăng cường quản lý thị trường vàng, phòng chống buôn lậu, thao túng, găm hàng, lợi dụng tình hình, Bộ Công an cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hình sự; các cơ quan khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng", Thủ tướng nêu rõ.
Như vậy, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 diễn ra sáng 6/5, vấn đề sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng tiếp tục được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh và yêu cầu các cơ quan khẩn trương hoàn thành.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, các chuyên gia đều cho rằng cần nhanh chóng sửa Nghị định 24, giữ vững ổn định thị trường vàng.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết trước tiên, cần nhìn lại bối cảnh thị trường vàng vào thời điểm Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành.
Khi đó, thị trường vàng trong nước tồn tại nhiều vấn đề gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ. Nghị định ra đời với mục tiêu siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vàng, kiểm soát cung – cầu, ổn định thị trường và hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ quốc gia. Cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng thông qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thương hiệu SJC được kỳ vọng sẽ tạo dựng một khuôn khổ quản lý tập trung, hạn chế tình trạng đầu cơ... Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ triển khai, các bất cập của cơ chế này đã bộc lộ rõ ràng...".
Người dân xếp hàng chờ đến lượt mua vàng. Hình ảnh ghi nhận ngày 17/4/2025.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà đề xuất cần chấm dứt cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng dưới sự cấp phép và giám sát chặt chẽ của NHNN.
Đồng thời, thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn chất lượng thống nhất cho vàng miếng, nhằm đảm bảo khả năng chuyển đổi lẫn nhau giữa các thương hiệu. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực điều tiết thị trường của NHNN, cho phép chủ động can thiệp cung – cầu vàng nguyên liệu phù hợp với biến động thị trường.
"Quản lý hiệu quả thị trường vàng không đơn thuần là điều tiết một mặt hàng kim loại quý, mà còn là yếu tố thiết yếu trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn tài chính – tiền tệ", Luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.
Ngoài đề xuất việc bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng, TS Châu Đình Linh cho rằng cần xây dựng cơ chế nhập khẩu vàng nguyên liệu một cách minh bạch, linh hoạt, dựa trên các tiêu chí rõ ràng, tình hình thực tế cung cầu và ngoại hối.
Đánh giá về việc sửa đổi Nghị định 24 ông Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi) cho rằng đây là đều cần thiết để giúp phản ánh đúng cung - cầu thực tế, cải thiện tính linh hoạt, cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất và cung ứng vàng miếng, đảm bảo khả năng can thiệp thị trường khi cần thiết, tương tự như cơ chế điều hành thị trường ngoại hối.
"Vàng vẫn là một tài sản quan trọng trong danh mục nắm giữ của nhà đầu tư. Chính sách nên đi theo hướng mềm dẻo, kịp thời, linh hoạt và minh bạch, nhằm đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi người dân và mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô", ông Nguyễn Quang Huy nhận định.
Ông Nguyễn Quang Huy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông. "Việc ổn định thị trường không thể thiếu vai trò của truyền thông kinh tế và chính sách định hướng tâm lý nhà đầu tư. Một chiến lược truyền thông phù hợp sẽ góp phần giảm áp lực đầu cơ, hướng dòng vốn trở lại các kênh đầu tư chính thống", ông Nguyễn Quang Huy cho biết.
Đổ xô mua và găm giữ vàng tiềm ẩn nhiều hệ lụy
“Giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng” cũng là một trong số các yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh chính đề cập trong Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, TS Châu Đình Linh (Giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng giá vàng trong nước đang chịu tác động mạnh mẽ từ sự biến động của giá vàng thế giới. “Tại Việt Nam người dân có xu hướng tích lũy vàng theo phong tục truyền thống để làm của để dành, tài sản tích lũy, song chưa xuất hiện tình trạng sử dụng làm vàng làm phương tiện thanh toán. Do đó, tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam chưa bị vàng hóa, tuy nhiên có thể nói rằng nguồn lực đầu tư vào vàng đang có xu hướng tăng”, TS Châu Đình Linh cho biết.
Theo các chuyên gia, khi dòng tiền có xu hướng dồn mạnh vào vàng vật chất có thể gây ra sự suy giảm thanh khoản trong các kênh đầu tư chính thống khác.
Theo TS Châu Đình Linh, việc người dân đổ tiền vào kênh vàng làm giảm lưu thông tiền tệ trong hệ thống tài chính. Tiền chuyển sang kênh vàng và “dậm chân tại chỗ” gây lãng phí nguồn lực, phần nào cản trợ sự phát triển của nền kinh tế.
“Nếu lượng tiền đang nằm ở kênh vàng được chuyển hóa sang các hoạt động sinh lời khác như tiền gửi tiết kiệm hay đầu tư tài sản tài chính thì sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất, cải thiện vòng quay tiền tệ và giúp tăng trưởng kinh tế”, TS Châu Đình Linh phân tích.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế và tài chính của Quốc hội, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2025, cơ quan này cho biết cơ quan này đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai quản lý thị trường vàng trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Đồng thời, sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động quản lý kinh doanh vàng, trong đó trọng tâm là tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để đề xuất, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn