Trong một tuần qua (từ ngày 12 đến 18/5) , giá vàng thế giới đã ghi nhận đà lao dốc mạnh, nguyên nhân chính do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung "hạ nhiệt" khi hai nước đồng ý giảm sâu thuế quan đối ứng trong 90 ngày sau cuộc đàm phán thương mại tại Thụy Sĩ.
Ghi nhận lúc 9h5 ngày 19/5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 3.220 USD/ounce, tương ứng mức điều chỉnh khoảng 7,8% so với vùng đỉnh 3.500 USD/ounce. Ở trong nước, sáng 19/5, giá vàng SJC tại thương hiệu Bảo Tín Minh Châu được niêm yết chiều mua vào - bán ra ở mức 116,8 triệu đồng/lượng - 119,3 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn tròn trơn được thương hiệu này mua vào ở mức 114,3 triệu đồng/lượng, bán ra mức 117,3 triệu đồng/lượng.
Theo chuyên gia, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tạm thời "hạ nhiệt" khiến giá vàng sụt giảm.
Theo bà Chu Phương - chuyên gia của trang Giavang.net - đà sụt giảm của vàng đến từ nguyên chính do đồng đô la Mỹ mạnh lên và những lo ngại về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc giảm bớt, khiến vàng bớt hấp dẫn như một tài sản an toàn.
"Đồng đô la Mỹ tăng giá trị 0,2% trong tuần này và đang trên đà tăng liên tục trong bốn tuần. Khi đồng đô la mạnh hơn, vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác, làm giảm sức hút của kim loại quý này. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã hạ nhiệt sau khi hai nước đồng ý tạm thời giảm các mức thuế áp lên nhau từ tháng Tư. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư bớt tìm đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn", bà Chu Phương lý giải.
Trao đổi với Phóng viên Đời sống & Pháp luật về diễn biến của giá vàng thế giới, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định trong hai năm trở lại đây, vàng đã chứng kiến một chu kỳ tăng giá ấn tượng, phản ánh sự bất định kéo dài trong kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, từ đầu năm 2025 đến nay, sự kết hợp giữa các yếu tố chính trị – tài chính như thỏa thuận tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc, lạm phát Mỹ hạ nhiệt và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách tiền tệ đã khiến giá vàng liên tục lập đỉnh.
"Tuy nhiên, khi mặt bằng lãi suất toàn cầu duy trì ở mức thấp – tạo nên vùng trũng lãi suất – vàng đang bước vào giai đoạn thử thách mới về sức hấp dẫn và vai trò trú ẩn truyền thống", chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, tháng 5/2025, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận đình chiến thương mại sau cuộc đàm phán cấp cao tại Geneva. Theo đó, mức thuế nhập khẩu được giảm đáng kể, trong đó theo tuyên bố chung, Mỹ sẽ tạm thời hạ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ từ 125% xuống còn 10%
Dù chỉ có hiệu lực trong 90 ngày song theo chuyên gia Ngô Trí Long, thỏa thuận này phần nào giúp khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu và cải thiện tâm lý thị trường tài chính. Ngay sau tuyên bố chung, chỉ số Dow Jones tăng 2,8%, Nasdaq tăng hơn 4%, trong khi giá dầu tăng nhẹ 4% và vàng điều chỉnh giảm gần 3%.
Giá vàng thế giới có thể giảm về vùng 2.200 - 2.600 USD/ounce?
Về kịch bản giá vàng thế giới trong thời gian tới, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng có thể có 3 kịch bản chính.
Theo đó, ở kịch bản, khi Fed giảm lãi suất – USD suy yếu – vàng tiếp tục tăng. Dự báo Fed sẽ thực hiện ba đợt hạ lãi suất, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm vào các tháng 7, 9 và 12. Điều này sẽ khiến chỉ số DXY có thể giảm về mức 96,9, đồng thời lợi suất trái phiếu cũng suy yếu, tạo điều kiện cho vàng tiếp tục tăng. Giá vàng có thể đạt 3.600 USD/ounce trong quý I/2026. Tuy nhiên, áp lực chốt lời và dòng vốn rút khỏi ETF vàng sẽ tạo biến động ngắn hạn.
Kịch bản thứ hai có thể xảy ra khi Mỹ - Trung tái căng thẳng thì rất có thể vàng lập đỉnh mới. Nếu căng thẳng thương mại bùng phát trở lại, đặc biệt với chính sách bảo hộ cực đoan của chính quyền Trump, nhu cầu trú ẩn sẽ được kích hoạt mạnh mẽ. Một số tổ chức như Goldman Sachs dự báo giá vàng có thể vượt 4.000 USD/ounce. Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận đàm phán nào cũng có thể khiến vàng điều chỉnh nhanh chóng.
Ở kịch bản số 3, vàng sẽ có xu hướng thoái trào nếu kinh tế toàn cầu phục hồi. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nếu kinh tế Mỹ đạt “hạ cánh mềm”, với tăng trưởng GDP 2,1% và xác suất suy thoái dưới 15%, vàng có thể mất sức hấp dẫn. IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt 3,2%, đồng thời chứng khoán hồi phục sẽ khiến dòng tiền rút khỏi vàng. Giá vàng có thể điều chỉnh về vùng 2.200–2.600 USD/ounce.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, tại Việt Nam, nhà đầu tư đang đối mặt với rủi ro cao khi giá vàng biến động mạnh do biên độ mua bán rộng, lên tới 2 đến 3 triệu đồng/lượng. Chuyên gia Ngô Trí Long cảnh báo nhà đầu tư với tâm lý đầu cơ ngắn hạn, theo phòng trào mà không có kiến thức dễ chịu rủi ro thua lỗ.