Đoàn kiểm tra tới cả chợ đồng loạt đóng cửa
Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH quan tâm đến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thời gian qua bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội.
Đặc biệt, các đại biểu cũng đánh giá cao cơ quan chức năng cả nước thời gian qua đã triệt phá, phát hiện nhiều vụ việc hàng giả, hàng nhái, trong đó có sữa, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh để bảo vệ sức khỏe người dân.
ĐBQH Thái Thu Xương.
Tham gia ý kiến, ĐBQH Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) đặc biệt quan tâm đến việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan suốt thời gian qua.
Bà Xương cho hay, việc cơ quan chức năng đã triệt phá các vụ án sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc chữa bệnh giả thời gian qua đang được các ĐBQH và đông đảo nhân dân cả nước quan tâm.
Nữ đại biểu nêu ví dụ: "Qua các phương tiện truyền thông đại chúng thì tôi thấy chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm – Hà Nội) bán hàng giả, hàng nhái suốt nhiều năm trời. Tuy nhiên, gần đây khi có các đoàn kiểm tra tới thì cả chợ đồng loạt đóng cửa".
Từ thực tế trên, bà Thái Thu Xương đặt vấn đề về quản lý thị trường hoạt động thế nào, vai trò của quản lý Nhà nước ra sao khi cả chợ bán công khai hàng giả, hàng nhái như vậy?.
Đồng thời đề xuất các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra; địa phương tăng cường vai trò của mình trong việc thanh, kiểm tra để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái.
Ai chịu trách nhiệm?
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) cho biết, thời gian qua sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái đang đạt hiệu quả và nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, xã hội.
Vấn đề này không mới nhưng trước tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng ở chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội, thậm chí trong những gian hàng chất lượng cao vẫn xen lẫn hàng không đạt chất lượng…đặt ra vấn đề phải giải quyết như thế nào để mang tính căn cơ là điều quan trọng.
"Hiện đã có Ban Chỉ đạo 389 được thành lập từ cấp Trung ương đến địa phương với đẩy đủ các bộ, ngành trong công cuộc phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nhưng tình trạng này vẫn diễn ra và ngày càng phức tạp", nữ đại biểu cho hay.
Tiểu thương chợ vải Ninh Hiệp đồng loạt đóng cửa, ngừng kinh doanh (Ảnh: Thanh Niên).
Lấy ví dụ cụ thể về việc người dân ở vùng Tây Nguyên sản xuất nông nghiệp nhiều năm qua chịu tác động, thiệt hại nặng nề do mua và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giả, phân bón giả cho cây trồng.
Nữ đại biểu đặt dấu hỏi về trách nhiệm giải quyết vấn đề của các ngành, các cấp không rõ ràng nên chồng lấn dẫn tới việc ai làm, cơ quan nào, người nào chịu trách nhiệm trước thực trạng trên?
"Người nông dân sản xuất kinh tế nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kết quả mùa vụ, nhưng khi sử dụng phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả dẫn đến hậu quả là thiệt hại kinh tế rất lớn", bà Thu Nguyệt nêu.
Từ đó, bà rất mong Chính phủ quan tâm, chỉ đạo để xử lý dứt điểm tình trạng trên nhằm bảo vệ người dân, người nông dân và người tiêu dùng.