Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ vụ Hoa hậu Thùy Tiên bị bắt: Trách nhiệm của Bộ Công Thương và Bộ Y tế trong quản lý

  • Hoàng Thị Bích
(DS&PL) -

Liên quan đến vụ việc Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố liên quan đến vụ kẹo Kera, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng điều này là cần thiết, phải xử nghiêm để lấy lại niềm tin nơi người dân.

Mở rộng điều tra vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối người tiêu dùng liên quan đến Công ty Cổ phần Asia Life và Công ty Cổ phần Chị Em Rọt, ngày 19/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) ra quyết định khởi tố thêm 5 người. 

Trong đó, Hoa hậu Hòa bình quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên (27 tuổi, trú tại Tp.HCM) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội "Lừa dối khách hàng".

Vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thời gian qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, gây bức xúc trong dư luận.

Xử nghiêm để lấy lại niềm tin

Trao đổi trên hành lang Quốc hội sáng 20/5, liên quan đến vụ việc Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố mới đây do liên quan đến vụ kẹo Kera, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, hoa hậu Thùy Tiên là người nổi tiếng có nhiều người yêu quý, hâm mộ nhưng lại tham gia điều hành, sản xuất, buôn bán hàng giả.

Vừa qua, cơ quan điều tra một mặt truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng làm hàng gian, hàng giả. Việc cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam hoa hậu Thùy Tiên để điều tra tội "Lừa dối khách hàng" là rất cần thiết, xử lý rất nghiêm. 

"Dù đối tượng đó là ai, ở vai vế nào, có nổi tiếng ra sao nếu tiếp tay cho đối tượng xấu đều phải xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin nơi người dân", ông Hoà nói.

ĐBQH Phạm Văn Hòa trao đổi bên hành lang Quốc hội.

Còn ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng đây là vụ việc rất đáng tiếc bởi trước khi xảy ra sự việc, Thuỳ Tiên, Quang Linh Vlogs từng là hình ảnh rất đẹp của thanh niên Việt Nam.

Từ vụ việc này, đại biểu Nga cho rằng một bộ phận những người có ảnh hưởng đến công chúng chưa hiểu biết thực sự đầy đủ về pháp luật, thậm chí, có những người trong quá trình làm việc, họ vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho những hành động không đúng pháp luật.

Bởi nếu họ hiểu biết đầy đủ thì không dẫn đến tình trạng đáng buồn như thế.

"Khi người nổi tiếng đã xây dựng một chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng, xây dựng sự nghiệp khá rạng rỡ, nếu hiểu biết thấu đáo về pháp luật thì có lẽ họ không chấp nhận đánh đổi đến thế", bà Nga nói.

Do đó, đại biểu mong muốn, một mặt rà soát siết chặt quy định pháp luật, mặt khác cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ý thức để tự nâng cao kiến thức, trau dồi kiến thức cho bản thân.

Đặc biệt, bà cho rằng, những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đến công chúng lại càng cần sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cũng như giá trị chuẩn mực đạo đức.

Trách nhiệm của Bộ Công Thương và Bộ Y tế

Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường trong thời gian qua khiến người tiêu dùng mua, sử dụng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, là vấn đề gây bức xúc.

Nhắc lại chỉ đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, đại biểu Hoà cho rằng, xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ Công Thương.

Thủ tướng đã phân công rất cụ thể trách nhiệm kiểm tra hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu qua biên giới của Bộ Công Thương, còn Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm tra về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, đặc biệt tại các thành phố lớn. Thậm chí có những người danh tiếng, có triển vọng, uy tín trong xã hội cũng tiếp tay quảng cáo, quảng bá các sản phẩm, hàng hoá này.

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội "Lừa dối khách hàng" (Ảnh: Bộ Công an).

 

"Những nơi sản xuất kinh doanh các loại hàng trên đâu phải trong rừng hay trong núi quạnh hiu mà ở ngay những nơi giao thông thông thoáng, cơ sở vật chất nhà xưởng được đầu tư. Vậy tại sao cơ quan quản lý không phát hiện?", ông Hoà đặt câu hỏi.

Do đó, ông cho rằng cần chuyển tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, trong đó, đơn vị kinh doanh phải chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hóa của mình khi lưu thông trên thị trường.

 Cùng với đó, việc quảng bá, nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm phải đúng thực tế đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý Nhà nước, chịu trách nhiệm hoàn toàn về sản phẩm. Đồng thời, người quảng cáo, quảng bá cho sản phẩm cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước quản lý trước tiên về mặt cấp phép đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, cùng đó, phối hợp thực hiện hậu kiểm hàng hoá, sản phẩm về chất lượng thực tế.

"Trong thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng nhái "lọt" qua lỗ hổng của cơ quan quản lý. Tôi cho rằng có sự lơ là của một bộ phận cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra.

Mặt khác, có tình trạng "chân trong chân ngoài" báo tin cho cơ sở sản xuất kinh doanh mỗi khi có đoàn kiểm tra, dẫn đến khi kiểm tra thì sản phẩm đúng chất lượng, còn khi đoàn kiểm tra rời đi, sản phẩm kém chất lượng lại tràn lan thị trường", ông Hòa nói.

Đại biểu đề nghị là các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt Bộ Công Thương và Bộ Y tế phải có trách nhiệm chính trong lĩnh vực này, luật quy định trong năm không được thanh tra quá 1 lần. Do đó, không cần thường xuyên kiểm tra, liên tục gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ cần phải kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý đúng quy định.

"Cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện đúng chức năng, tinh thần trách nhiệm sẽ không có cơ sở sản xuất, kinh doanh nào dám làm ăn gian dối. Những đối tượng tiếp tay, bao che cho hành vi vi phạm tuỳ theo mức độ phải xử lý nghiêm, nếu mức độ nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nhẹ cũng phải xử lý vi phạm hành chính, cùng với hình thức cho thôi việc hoặc buộc thôi việc", ông Hoà nhấn mạnh.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (đoàn Tp.HCM) cho biết, các cơ quan chức năng đang "siết chặt" vấn đề trách nhiệm của người nổi tiếng trong tham gia quảng cáo sản phẩm. 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề nghị bổ sung nội dung dung này vào dự Luật Quảng cáo và chỉ đạo phải siết chặt quản lý đối với những người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo.

Đại biểu cho rằng, lâu nay, luật pháp về vấn đề này chưa thật sự rõ ràng, đầy đủ và thiếu các hành lang pháp lý cụ thể để xử lý vi phạm. 

Điều này dẫn đến hai trường hợp: Một là, có những người cố tình lợi dụng danh tiếng của mình, và doanh nghiệp cũng muốn khai thác triệt để danh tiếng của người đó để quảng bá sản phẩm. Hai là, cộng với tâm lý đám đông của nhiều người dân, khi thấy người nổi tiếng tiêu dùng sản phẩm nào đó thì cũng có xu hướng tin và sử dụng theo.

Theo ông Đức, nếu luật pháp siết chặt thì khi một người nổi tiếng ký bất kỳ hợp đồng quảng cáo nào, họ phải xem xét kỹ lưỡng sản phẩm của doanh nghiệp đó, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, giấy phép đăng ký kinh doanh. 

Hợp đồng cũng phải quy định rõ ràng trách nhiệm giữa bên thuê quảng cáo và người thực hiện quảng cáo. Khi có hợp đồng chặt chẽ, có điều khoản ràng buộc, thì sẽ khó vi phạm.

Đặc biệt, với người nổi tiếng, khi đã có uy tín với xã hội, với cộng đồng, thì càng phải thể hiện trách nhiệm nhiều hơn. 

"Mỗi lời nói, hình ảnh của người nổi tiếng có sức ảnh hưởng khác người bình thường. Người không nổi tiếng làm gì có khi chẳng ai để ý, nhưng người đã nổi tiếng thì chỉ một cử chỉ, hành vi nhỏ cũng bị chú ý", ông Đức nêu rõ.

Ông nhấn mạnh, tham gia bất kỳ "cuộc chơi" nào cũng cần có hành lang pháp lý và người tham gia phải hiểu biết pháp luật. 

Nhưng thực tế, có lẽ trong nhiều hợp đồng, các quy định ràng buộc trách nhiệm chưa đầy đủ. Chính vì thế, đôi khi người nghệ sĩ, người nổi tiếng lại vô hình chung không hiểu hết, chỉ nói theo cảm xúc. Do đó, ranh giới này phải rất rõ ràng.

Chỉ trong vòng 1 tháng gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả. Đồng thời, nhấn mạnh các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (Công điện số 40 ngày 17/4/2025, số 41 ngày 17/4/2025 và số 55 ngày 2/5/2025).

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành công điện số 65 về việc mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tin nổi bật