Năm 2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng công bố một bản thoả thuận giữa ông và các thủ lĩnh Taliban về vấn đề tại Afghanistan.
Theo các điều khoản của thỏa thuận, Mỹ cam kết rút toàn bộ lực lượng quân sự và hỗ trợ nhân viên dân sự, cũng như của các đồng minh, trong vòng 14 tháng, theo đó hạn chót ban đầu ông Trump đặt ra cho việt này là tháng 5/2021. Quá trình rút lui sẽ bắt đầu với việc Mỹ giảm số lượng binh lính tại Afghanistan xuống 8.600 trong 135 ngày đầu tiên và rút lực lượng của mình khỏi 5 căn cứ. Phần còn lại của lực lượng, theo thỏa thuận, sẽ rời đi "trong vòng 9 tháng rưỡi còn lại".
Đặc phái viên Zalmay Khalilzad sau lễ ký thỏa thuận hòa bình với đại diện Taliban. Ảnh: AFO
Bên cạnh đó, chính phủ Afghanistan cũng sẽ trả tự do cho 5.000 tù nhân Taliban để thể hiện thiện chí, đổi lại Taliban cũng thả 1.000 lực lượng an ninh Afghanistan bị nhóm này bắt giữ.
Dưới đây là một vài điểm chính đã được ký kết giữa cựu tổng thống Mỹ và phía Taliban về vấn đề trên:
Việc rút quân của Mỹ
NPR trích lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thành công của thỏa thuận ngừng bắn một phần kéo dài bảy ngày vào tháng 2/2020 được coi là bước tiến quan trọng đối với việc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan.
Quan chức này cho biết: "Một phần của quá trình thực hiện trong hòa bình bắt đầu với việc nới lỏng các lệnh trừng phạt nhưng thoả thuận được đưa ra kèm điều kiện và còn tùy thuộc vào hoạt động của Taliban".
Một quan chức cấp cao của Afghanistan nói thêm với NPR rằng các lực lượng Mỹ được duy trì ở lại sẽ tập trung vào ba nhiệm vụ chính gồm hoạt động chống khủng bố, huấn luyện lực lượng Afghanistan và hỗ trợ trên không cho lực lượng mặt đất Afghanistan.
Việc rút khoảng 7.000 binh sĩ từ các quốc gia thành viên NATO khác ở Afghanistan sẽ diễn ra song song với sự rời đi của quân đội Mỹ.
Taliban cam kết ngừng hỗ trợ các tổ chức bị Mỹ đưa vào danh sách khủng bố
Khi thông báo về thoả thuận trên, các quan chức Mỹ nhấn mạnh việc Mỹ tạm thời rút quân sẽ phụ thuộc chủ yếu vào một điều kiện, đó là cách Taliban thực hiện các cam kết của họ.
Ngoại trưởng Mỹ khi ấy, ông Mike Pompeo, từng tuyên bố: "Taliban phải tôn trọng thỏa thuận, đặc biệt liên quan đến lời hứa của họ về việc cắt đứt quan hệ với những kẻ khủng bố. Mục đích lớn nhất của chúng tôi ở đó là chống khủng bố, đảm bảo rằng quê hương của mình sẽ không trở thành mục tiêu của những kẻ tấn công. Đó là một trong những nền tảng chính mà Tổng thống Donald Trump đã đặt ra".
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, trái, gặp Phó Thủ tướng Qatar kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani trước lễ ký kết thoả thuận giữa Mỹ và Taliban năm 2020. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích khi ấy đã nói rằng khả năng Taliban từ bỏ quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda có thể "nói dễ hơn làm".
Ông Michael O'Hanlon, một học giả của Viện Brookings, phân tích: "Đây là một vấn đề phức tạp vì mạng lưới Haqqani thường được coi là một chi nhánh mạnh của al-Qaeda và nó cũng là một phần của lãnh đạo Taliban. Vì vậy, chúng ta không thực sự biết điều đó có nghĩa là gì nhưng có lẽ, về cốt lõi, al-Qaeda và Taliban sẽ không được phép liên lạc với nhau và chúng ta cần sử dụng tất cả khả năng của mình để đảm bảo việc này".
Mạng lưới Haqqani là một trong những nhóm nổi dậy giàu kinh nghiệm nhất ở Afghanistan, từ lâu được cho là chịu trách nhiệm cho một số cuộc tấn công quy mô và tinh vi hơn, đặc biệt là ở Kabul. Lãnh đạo của mạng lưới này, Sirajuddin Haqqani, là một trong những thủ lĩnh chủ chốt của Taliban.
Bộ Ngoại giao Mỹ thời điểm ấy cũng đã xuất hiện những lo ngại về mối quan hệ lịch sử giữa Taliban và al-Qaeda.
Trong đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Chúng tôi nghĩ đây là bước đầu tiên mang tính quyết định và mang tính lịch sử khi họ thừa nhận công khai rằng họ đang cắt đứt quan hệ với al-Qaeda. Đó sẽ là một công việc tốn nhiều thời gian".
Cũng giống như việc rút các lực lượng của Mỹ khỏi Afghanistan là yêu cầu chính của Taliban trong thỏa thuận này, Mỹ đã khiến Taliban phải coi việc từ bỏ mối quan hệ với các lực lượng nổi dậy khác là mục tiêu hàng đầu của họ.
Duy trì kênh liên lạc chung
Theo thoả thuận năm 2020, Mỹ và Taliban dự kiến sẽ duy trì các đường dây liên lạc mà họ đã thiết lập trong các cuộc đàm phán ở Doha (Qatar), để hỗ trợ thực việc hiện thỏa thuận và giảm xung đột trọng các hoạt động quân sự chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở miền Đông Afghanistan.
Tuy nhiên, việc này từng khiến các nhà lập pháp lo ngại rằng chính quyền cựu Tổng thống Trump sẽ chia sẻ một số thông tin mật hoặc thiết lập một số phụ lục mật trong thoả thuận với Taliban. Theo đó, các nghị sĩ đảng Cộng hoà từng gửi thư cho cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cảnh báo về vấn đề trên.
Trong đó, lá thư yêu cầu họ công khai toàn bộ thoả thuận giữa Mỹ và Taliban, không được giữ kín bất kỳ thông tin nào, bao gồm cả thỏa thuận để chia sẻ thông tin tình báo hoặc một trung tâm chống khủng bố chung với Taliban nếu có.
Một quan chức Bộ Ngoại giao thời điểm ấy đã phủ nhận việc Mỹ tham gia vào bất kỳ loại "quan hệ đối tác hợp tác" nào với Taliban.
Trao đổi tù nhân
Việc trao đổi tù nhân giữa chính phủ Afghanistan và Taliban nhằm mục đích xây dựng lòng tin giữa hai bên. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã dành lời ngợi khen với sự quan tâm mà các nhà lãnh đạo Taliban thể hiện trong việc trả tự do cho các chiến binh, nhằm củng cố thoả thuận.
Các cuộc đàm phán nội bộ giữa những người Afghanistan
Giai đoạn thứ hai của tiến trình hòa bình sẽ tập hợp các quan chức chính phủ Afghanistan, các nhân vật đối lập, đại diện xã hội dân sự và Taliban để thảo luận về một lộ trình chính trị nhằm chấm dứt nội chiến tại đây. Theo đó, các vấn đề được đưa ra thảo luận giữa nhóm này bao gồm: Hiệp ước đình chiến dài hạn, Chia sẻ quyền lực và Quyền lợi cho phụ nữ.
Minh Hạnh (Theo NPR)