Trước khi nhập viện vài ngày, nữ bệnh nhân 35 tuổi người Campuchia, có làm thịt lợn bị bệnh nhưng chủ quan nên không để ý có các vết xước trên tay.
Ngày 19/5, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Nam Sài Gòn cho biết, nơi đây cấp cứu thành công một nữ bệnh nhân (35 tuổi, người Campuchia) bị suy đa tạng do nhiễm liên cầu lợn.
Qua khai thác thông tin từ bệnh nhân cho biết, trước đó vài ngày, chị có làm thịt lợn bệnh nhưng do chủ quan nên không để ý có các vết xước trên tay. Vài ngày sau đó, bệnh nhân bắt đầu bị phù toàn thân và được đưa đến BV trong tình trạng suy thận cấp, viêm phổi, vô niệu, phù toàn thân, xuất huyết từng mảng trên vùng đùi và ngực đang hoại tử.
Bệnh nhân được lấy vùng da thân, da đùi trước để ghép vào vùng da hoại tử - Ảnh: Tiền phong |
Tại BV ĐKQT Sài Gòn, sau khi tiến hành các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng cho bệnh nhân, các BS xác định người này bị nhiễm trùng huyết, suy đa tạng (suy thận cấp, suy hô hấp) do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Bệnh nhân ngay lập tức được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để điều trị tích cực và chạy thận nhân tạo vì đã rơi vào tình trạng suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn cực kì ngy kịch.
“Chúng tôi đã tiến hành xử lý lọc thận cho bệnh nhân, điều trị tình trạng khó thở và dùng kháng sinh đặc hiệu. Khi tình trạng bệnh nhân ổn định, cải thiện tình trạng suy thận, hô hấp sẽ được tiến hành cắt bỏ da bị hoại tử, ghép da.
Hiện tại bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe tốt, vùng da bị hoại tử cấy ghép được lấy từ thân, vùng đùi trước đã “hòa nhập” và bệnh nhân đã có thể xuất viện.
Bác sĩ tiến hành ghép da cho bệnh nhân - Ảnh: Vietnamnet |
Theo bác sĩ Lịch, liên cầu lợn là loại vi khuẩn thường trú ở hầu họng lợn và có thể gây bệnh cho người nếu tiếp xúc trực tiếp. Thói quen của nhiều người ăn tiết canh, thịt sống mang nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Trường hợp bệnh nhân này, vi khuẩn liên cầu có thể đã xâm nhập vào cơ thể từ những vết xước trên tay.
Bệnh ban đầu thường có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, đi ngoài... nên người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác và nhập viện khi bệnh đã chuyển nặng với một loạt biểu hiện nguy kịch như suy hô hấp, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, nguy cơ tử vong rất cao.
Không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín, không ăn thịt lợn ốm, chết. Khi tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, giết mổ, tiêu hủy, nên có các phương tiện phòng hộ.
Quỳnh Chi (T/h)