Sinh ra trong một gia đình có mẹ làm nghề giáo, ngay từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Hồng Khanh, SN 1973 đã có một tình cảm đặc biệt với sự nghiệp "trồng người".
Tốt nghiệp trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, cô được phân công giảng dạy tại Trường Phổ thông cơ sở xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Đến năm 2020, cô chuyển công tác về Trường Mầm non Xuân Long, huyện Cao Lộc.
Cô Nguyễn Thị Hồng Khanh, SN 1973 đã có một tình cảm đặc biệt với sự nghiệp "trồng người".
Chia sẻ với Đời sống & Pháp luật về công việc của mình, cô chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong công việc của cô chính là việc bất đồng ngôn ngữ với các em học sinh. Cô Khanh cho biết, các em học sinh với nhiều dân tộc khác nhau, hầu hết các em đến trường đều giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, không hiểu được tiếng Việt, do đó giáo viên rất khó khăn trong việc giao tiếp với các em học sinh.
"Thời gian đầu đi làm cô không biết nói tiếng dân tộc, khi giao tiếp, dạy học sinh gặp nhiều khó khăn, nên nhờ đồng nghiệp "dịch" hộ các từ ngữ đơn giản để giao tiếp với học sinh cũng như các bậc phụ huynh. Tuy cô giáo không biết nói tiếng dân tộc, nhưng các em học sinh đều rất yêu mến cô giáo", cô Khanh chia sẻ.
Sau 3 năm công tác tại Trường Mầm non Xuân Long đến giờ cô vẫn nhớ như in kỷ niệm đáng nhớ khi phải đi bộ 20km để vận động hai trẻ độ tuổi mầm non ra lớp. Cô cho biết, và thời điểm đó, trời mưa lớn, đường xá đi lại rất khó khăn, cô giáo có lúc phải đi bộ đến trường vì vậy các em học sinh không đến lớp được.
Hiện cô là Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Long, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Cô Khanh đã kiên trì đến tận nhà, gặp gỡ phụ huynh học sinh. Cô động viên các em chăm đến lớp, bằng cách mua quà như túi bánh, kẹo cho các em. Dần dần nhờ sự kiên trì thuyết phục phục của cô, phụ huynh học sinh đã cho con tiếp tục đến trường.
Chồng mất sớm, một mình cô vừa nuôi con gái, vừa đi học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ từ Cao đẳng đến Đại học, tham gia các lớp Bồi dưỡng Quản lý Giáo dục, trung cấp Lý luận… Là giáo viên mầm non nên rất vất vả, đi sớm về khuya thu nhập cũng chỉ dựa vào vài đồng lương ít ỏi, sau vài năm hoàn cảnh gia đình không được hạnh phúc như những gia đình khác.
Kỷ niệm khiến cô Khanh không thể quên là cách đây 9 năm, vào năm 2014 được sự phân công của cấp trên, cô đến trường mầm non Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn làm việc. Quãng đường từ nhà đến trường dài hơn 35km, cô phải đi làm từ tờ mờ sáng và về nhà lúc trời nhập nhoạng tối.
Đường xá xa xôi, giao thông cách trở, lúc đó con gái cũng đang ở độ tuổi "ẩm ương" nhiều lúc cô muốn từ bỏ, nhưng nghĩ về gia đình, con gái, cùng các em học sinh đang đứng ở trường chờ đợi, cô lại có thêm động lực cố gắng vượt khó khăn để đến lớp.
Dù bản thân vất vả, khó khăn là vậy nhưng cô Khanh vẫn luôn trăn trở, đau đáu lo cho các em học sinh, vì các em thiếu thốn, thiệt thòi đủ đường. Mỗi khi xin được quần áo cũ của các em, các cháu trong gia đình cô lại mang đến cho học sinh của mình. Cô cũng thường xuyên mua túi bánh, túi kẹo tặng các em, cô chăm sóc các em như con của mình.
Dù bản thân vất vả, khó khăn là vậy nhưng cô Khanh vẫn luôn trăn trở, đau đáu lo cho các em học sinh.
Với những nhiệt huyết, cùng với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, sau 26 năm công tác hiện, cô Nguyễn Thị Hồng Khanh đang là Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Long. Cô cũng nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành như: 11 năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, 2 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, UBND huyện Cao Lộc trao tặng bằng khen.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó, cô Khanh đã phải nỗ lực gấp bội, thức khuya, dậy sớm. Ước mơ lớn nhất của cô là làm sao các em học sinh vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ cơ sở vật chất đầy đủ, phục vụ việc học một cách tốt nhất, "gieo" đam mê để các em học sinh có động lực đến trường.
Như Quỳnh