Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện nghề bó chổi bông sậy 80 năm tuổi ở miền Tây

(DS&PL) -

60 tuổi, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, ngụ ấp Bình Thành (xã Phú Bình, Phú Tân, An Giang) có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm chổi từ bông sậy.

60 tuổi, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, ngụ ấp Bình Thành (xã Phú Bình, Phú Tân, An Giang) có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm chổi từ bông sậy. Dù nghề bó chổi trải qua những thăng trầm, nhưng ông vẫn quyết tâm gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.

Chổi Việt “xuất ngoại”

Những ngày giáp Tết, làng chổi Cồn Nhỏ (ấp Bình Thành, xã Phú Bình, Phú Tân, An Giang) bắt đầu nhộn nhịp, tấp nập hẳn lên. Nhiều hộ sản xuất chổi đã thu hút thêm lao động, đẩy nhanh tiến độ sản xuất để kịp phục vụ thị trường Tết đang cận kề.

Dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng thị trường tiêu thụ chổi được xem là khá ổn định. Với khoảng 30 lao động thường xuyên và không thường xuyên, cơ sở sản xuất chổi của ông Nguyễn Ngọc Ẩn đảm bảo luôn có việc làm ổn định, không ai mất việc.

Đối với lao động thường xuyên, thu nhập trung bình 200 nghìn đồng/ngày, còn lao động không thường xuyên, chỉ làm việc lúc nông nhàn thì thu nhập theo sản phẩm, khoảng 100 nghìn đồng/ngày.

Chổi bông sậy Cồn Nhỏ có hai loại với hai nguyên liệu chính: Chổi bông cỏ và chổi bông sậy, nhưng đều được gọi chung là chổi bông cỏ. Khi nghề bó chổi phát triển, diện tích hoang hóa cũng giảm dần. Người dân làng nghề phải đến tận vùng U Minh (tỉnh Cà Mau) và vùng Miệt Thứ (tỉnh Kiên Giang) để mua nguyên liệu.

Mặt khác, cây sậy chỉ trổ bông vào khoảng tháng Bảy đến tháng Tám âm lịch, trong khi làng nghề bó chổi sản xuất quanh năm, người dân phải chủ động mua thêm bông cỏ từ các tỉnh miền Trung và nước Lào để duy trì sản xuất.

Ngoài thị trường trong tỉnh, chổi Cồn Nhỏ còn cung cấp cho thị trường các tỉnh vùng ĐBSCL và xuất sang các nước lân cận. Cơ sở của ông Ẩn mỗi ngày sản xuất cả ngàn cây chổi thành phẩm cung cấp ra thị trường.

Đáng chú ý, mỗi năm cơ sở của ông Ẩn liên kết với một doanh nghiệp để xuất sang Úc 10 nghìn cây chổi. Không những thế, nhiều tiểu thương ở nước bạn Campuchia cũng rất chuộng chổi vùng Cồn Nhỏ nên họ được xem là khách hàng thân thiết của bà con nơi đây.

Theo ông Ẩn, đa phần các cơ sở, hộ sản xuất chổi và người lao động đều làm việc tâm huyết nên làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống không bị mai một. Đồng thời, người dân làng nghề luôn cố gắng, phấn đấu nâng cao tay nghề, cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương từ việc hỗ trợ vay vốn đến mở các lớp dạy nghề làm bó chổi để phát triển bền vững.

Làng nghề chổi truyền thống Phú Bình với hơn 80 tuổi đã dần khẳng định được tên tuổi trên thị trường, bởi chất lượng và giá thành hợp lý nên khách hàng không ai quay lưng.

“So với những năm trước, thị trường chổi năm nay có giảm nhưng cũng không đáng kể. Trong dịp Tết Nguyên đán 2021 này, dự kiến cơ sở của tôi sẽ cung ra thị trường khoảng 20 nghìn cây chổi với giá dao động từ 15 - 25 nghìn đồng/cây, tùy từng loại. Nhờ nghề bó chổi truyền thống mà gia đình tôi xây được nhà, mua ô tô để giao hàng tận nơi khi có đơn hàng”, ông Ẩn chia sẻ.

Người lao động bó chổi tại cơ sở của ông Ẩn đang đẩy nhanh tiến độ. 

Hơn nửa đời người với nghề truyền thống

Vùng đất cù lao Cồn Nhỏ ven sông Hậu hoang vu, cỏ sậy mọc um tùm ngày nào giờ đã thay da đổi thịt từng ngày. Nơi đây đã được UBND tỉnh An Giang chính thức công nhận là “Làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống” vào tháng 11/2006.

Trải qua gần 100 năm hình thành, phát triển, xóm chổi Cồn Nhỏ hiện có khoảng 327 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động. Nhờ vào nghề bó chổi này mà đời sống người dân địa phương được cải thiện, với thu nhập trung bình khoảng 3,6 triệu đồng/lao động/tháng.

Góp phần tích cực gìn giữ và phát triển nghề bó chổi bông sậy phải kể đến ông Nguyễn Ngọc Ẩn. Ông Ẩn đã có hơn 30 năm gắn liền với nghề bó chổi truyền thống được truyền lại từ 3 đời trước.

Hiện, tất cả 6 thành viên trong gia đình ông đều rất tận tâm với nghề bó chổi gia truyền. Đặc biệt, ông Ẩn còn được địa phương mời “truyền nghề” bó chổi bông sậy cho những thế hệ kế thừa tại địa phương.

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin pháp luật, ông Ẩn cho biết, dù nghề bó chổi trải qua biết bao thăng trầm, nhưng vì mong muốn gìn giữ nghề truyền thống từ ông cha nên ông không ngừng học hỏi và phát huy.

Theo ông Ẩn, vùng đất Cồn Nhỏ ngày xưa hoang vu lắm, cỏ sậy mọc um tùm, nhất là vào mùa lũ. Lúc còn bé, ông Ẩn đã từng nghe cha ông mình kể lại, những lúc nông nhàn, người dân địa phương đi cắt bông sậy mang về bó chổi để quét nhà. Nhận thấy, chổi làm từ cỏ bông sậy bền, đẹp nên bà con trong vùng truyền nghề lại với nhau.

Ngoài ông Ẩn còn có một người nữa có công lớn với làng chổi bông sậy ở Cồn Nhỏ là nghệ nhân Ngô Thị Đầm (tức bà Sáu Hon, đã qua đời cách đây khoảng 30 năm). Bà Đầm được xem là nghệ nhân đầu tiên đưa chổi bông sậy chính thức tham gia thị trường. Ngoài truyền nghề cho người thân trong gia đình, bà Đầm luôn sẵn lòng hướng dẫn tận tình nghề bó chổi bông sậy cho tất cả mọi người trong xóm tìm đến học nghề.

Qua thời gian, không biết từ khi nào, làng nghề bó chổi bông sậy được hình thành, duy trì và phát triển đến nay đã hơn 80 năm.

Duy trì, phát triển làng nghề

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Kim Pha - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Bình - cho biết, nhằm góp phần duy trì, phát triển “Làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống”, ngoài việc mở các lớp dạy nghề bó chổi, chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân hoạt động sản xuất, kinh doanh nghề làm chổi, đồng thời hỗ trợ vay vốn để phát triển nghề truyền thống có trên 80 năm tuổi.

Thanh Lâm

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5 (29)

Tin nổi bật