Tại TAND huyện Phúc Thọ (Hà Nội), trong phiên tòa xử nguyên nhà báo Phạm Đình Huy cưỡng đoạt tài sản, vị Chủ tọa - Thẩm phán Đặng Thị Bích Loan đã nghe điện thoại nhiều lần, phớt lờ những trình bày của luật sư, đương sự. Một số phóng viên có mặt tại phiên tòa đã ghi lại hình ảnh dưới đây.
Luật sư Trần Đình triển trình bày, Chủ tọa phiên tòa nghe điện thoại (ảnh: Báo Xây dựng) |
Để hiểu hơn về góc độ pháp lý xung quanh bức ảnh này, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng hãng luật Gia đình (Đoàn Luật sư TP.HCM).
Thưa luật sư, khi nhìn bức ảnh chủ tọa phiên tòa "buôn điện thoại" trong khi luật sư trình bày, ông có suy nghĩ như thế nào?
Không những đối với đương sự mà còn đối với luật sư chúng tôi, các thẩm phán, hội thẩm nhiều phiên tòa không chú ý và nghe ý kiến luật sư bảo vệ, bào chữa cho bị cáo, thân chủ...
Điều này không những cho thấy sự không nghiêm minh chấp hành pháp luật, không chấp hành nội quy phiên tòa của của Hội đồng xét xử. Là những người đại diện cho công lý, đại diện cho nhà nước mà những thẩm phán/hội thẩm này còn thể hiện sự không tôn trọng những người tham gia/tham dự phiên tòa. Đây là thực trạng mà báo chí gần đây đã đưa tin.
Về luật pháp, việc nghe điện thoại của chủ tọa phiên tòa khi xử án phạm quy định nào?
Tại điều 209 Bộ luật tố tụng dân sự quy định:
Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều khiển của chủ toạ phiên toà.
Tại thông tư số 01/2014/TT-TC ngày 28/4/2014 Thông tư ban hành nội quy phiên tòa của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao quy định tại điều 2, khoản 3 và khoản 4 quy định về Nguyên tắc tổ chức phiên tòa quy định như sau:
“Việc tổ chức phiên tòa phải bảo đảm các yêu cầu về an ninh, trật tự, sự tôn nghiêm của Tòa án; bảo đảm cho việc xét xử được tiến hành dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật; góp phần tuyên truyền, giáo dục công dân chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của đời sống xã hội, nâng cao ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
Tòa án có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức phiên tòa; mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện để Tòa án tổ chức phiên tòa trang nghiêm, trật tự, theo đúng quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, tại khoản 5, điều 3 Thông tư này quy định về Nội quy phòng xử án như sau:
“….Không đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án, trừ trường hợp có lý do chính đáng, được Chủ tọa phiên tòa cho phép; không sử dụng điện thoại di động trong phòng xử án; không hút thuốc, không ăn uống trong phòng xử án hoặc có hành vi khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa…”.
Như vậy, việc thẩm phán nghe điện thoại trong quá trình xét xử đã vi phạm những quy định trên. Theo tôi hành vi này còn vi phạm Luật cán bộ, công chức về tác phong, thái độ làm việc, coi thường công dân, không tôn trọng công dân, vi phạm đạo đức của cán bộ, công chức, vi phạm điều lệ Đảng, nội quy cơ quan…
Việc làm của thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Thực tế hiện nay các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính chưa quy định cụ thể, chi tiết về việc thẩm phán vi phạm nội quy phiên tòa thì sẽ bị xử lý chế tài cụ thể thế nào. Những quy định về vi phạm nội quy phiên tòa chủ yếu áp dụng đối với người tham gia tố tụng, bị cáo… chứ chưa quy định cụ thể, chi tiết đối với cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
Tại Điều 387 Bộ luật tố tụng dân sự quy định Biện pháp xử lý người vi phạm nội quy phiên toà:
1. Người có hành vi vi phạm nội quy phiên toà thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà có thể bị chủ toạ phiên toà quyết định phạt cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính.
2. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ phiên toà thi hành quyết định của chủ toạ phiên toà về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự tại phiên toà.
3. Trong trường hợp người vi phạm nội quy phiên toà đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Toà án có quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về hình sự.
Ngoài ra, Tại khoản 10, điều Thông tư số 01/2014/TT-TC quy định:
Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy trường hợp có thể bị Chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án, bị bắt giữ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định trên thì không có quy định chi tiết về việc chủ tọa phiên tòa vi phạm nội quy phiên tòa thì sẽ bị xử lý cụ thể thế nào. Đây là một thiếu sót của các quy định pháp luật mà cần phải bổ sung.
Tuy nhiên, căn cứ theo Luật cán bộ, công chức hiện hành thì hành vi của vị thẩm phán này là vi phạm Luật cán bộ, công chức không chấp hành đúng quy định như:
Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.
Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.
Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật…..
Như vậy, những thẩm phán này có thể bị xử theo điều 78, điều 79 bằng các hình thức kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo...và bị xử lý theo Điều lệ Đảng, nội quy cơ quan.
Nhiều lần nghe điện thoại trong lúc xét xử (ảnh: Báo Xây dựng). |
Những vi phạm này có tác động thế nào với bản án, khi Đảng và Nhà nước đang đặt ra vấn đề "tranh tụng tại tòa" và chất lượng xét xử?
Những vi phạm này không những làm ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của phiên tòa, coi thường nội quy phiên tòa, coi thường pháp luật mà hành vi nghe điện thoại không tập trung, chú ý trong lúc làm việc, đặc biệt trong quá trình xét xử sẽ làm cho thẩm phán không nắm bắt hết các ý kiến, quan điểm các đương sự, bị cáo, đại diện viện kiểm sát, của luật sư để đưa vào bản án, lắng nghe để phát hiện tình tiết mới…và chính sự vi phạm này là một trong những nguyên nhân ra bản án oan sai, thiếu sót.
Đồng thời thể hiện việc chủ tọa phiên tòa coi thường, không tiếp thu các quan điểm, ý kiến của các bên liên quan… Điều đó càng cho thấy những dấu hiệu về “án bỏ túi” và việc xét xử nhiều lúc chỉ là thủ tục, hình thức vì bản án đã soạn sẵn. Điều này thể hiện chất lượng xét xử không cao, chỉ là hình thức và đây không được gọi đúng nghĩa là “tranh tụng tại tòa”.
Nhìn hình ảnh chủ tọa phiên tòa “buôn điện thoại” trong khi cả nước chưa khỏi sửng sốt vì vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn, luật sư có suy nghĩ gì?
Như tôi đã trình bày, từ những hành vi vi phạm trên như không lắng nghe, tiếp thu và xác minh, xem xét…ý kiến, quan điểm, chứng cứ của các đương sự, bị cáo, của luật sư nên là một trong những nguyên nhân dẫn đến án oan, án sai và thiếu sót.
Đồng thời, hành vi nghe điện thoại như thế thể hiện sự thờ ơ của chủ tọa, không cần nghe hay tiếp thu các ý kiến, quan điểm mà chỉ tiến hành xét xử cho đúng thủ tục, đúng hình thức.
Từ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án oan và hình ảnh vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa ngồi nghe điện thoại đã khiến người dân không thể không đặt câu hỏi về bức tranh thực trạng tố tụng hiện nay.
Xin cảm ơn luật sư!