Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn: “Cho chúng tôi xin một chữ tình!”

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Khi nghe đại diện tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đề nghị cung cấp các giấy tờ, vé tàu xe trong hành trình đi kêu oan cho chồng, bà Chiến ôm mặt khóc.

(ĐSPL) - Trước đề nghị của đại diện tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội về việc gia đình ông Chấn phải cung cấp những giấy tờ, hóa đơn hợp pháp trong 10 năm qua để làm thủ tục bồi thường theo luật định, bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn chỉ biết ôm mặt khóc.

Trong dòng ký ức đắng cay, bà nghẹn ngào kể lại chặng đường gian nan đi tìm công lý cho chồng. Bà phải đi đến những huyện miền núi của tỉnh Đắk Lắk để tìm hành tung của hung thủ thật sự rồi cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra. Việc ông Chấn bị tù oan khiến gia đình bà, cả ba thế hệ điêu đứng kiệt quệ, mẹ già bị kỳ thị, con cái thất học, ly tán. Giờ đây, nếu tòa án yêu cầu bà phải nộp lại những hóa đơn, chứng từ ấy mới được bồi thường thì chẳng khác gì đánh đố!

Giọt nước mắt chưa khô

Từ 5h sáng, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Chấn cùng người thân đã chuẩn bị giấy tờ để “khăn gói quả mướp” đi từ thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang đến tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội làm việc về vấn đề bồi thường vì ông bị tù oan 10 năm. Với dáng vẻ tiều tụy và mệt mỏi, ông Chấn ngồi bệt bên một góc hành lang của TAND Tối cao đợi đến giờ làm việc. Bà Chiến, vợ ông trong bộ dạng thất thểu, phải nhờ người thân dìu bước đi theo sau. Trước khi vào phòng làm việc, bà phải uống thuốc. ông bảo: “Vợ tôi dạo này sức khỏe yếu, uống thuốc an thần trước, sợ lúc làm việc xúc động quá lại ngất”.

Buổi làm việc sáng 15/8 có sự góp mặt của đại diện TAND Tối cao gồm ông Trần Xuân Thảo, Phó phòng nghiệp vụ tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội và bà Tạ Thị Hương Lý, cán bộ tòa. Phía gia đình ông Chấn còn có thêm luật sư Vũ Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Ông Trần Xuân Thảo nêu mục đích buổi làm việc về đơn đề nghị của gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn yêu cầu bồi thường về 10 năm tù oan. ông Thảo cũng viện dẫn các điều, khoản quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo đó, ông Thảo đề nghị gia đình ông Chấn cung cấp các chứng từ chứng minh những khoản yêu cầu bồi thường để tòa hướng dẫn ông Chấn làm đơn, thủ tục theo yêu cầu.

Tại buổi làm việc với Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội, gia đình ông Chấn cho rằng việc yêu cầu cung cấp hóa đơn, chứng từ trong 10 năm đi kêu oan là “đánh đố” gia đình.

Bà Thân Thị Hải, người đồng hành cùng chặng đường 10 năm tìm công lý với vợ ông Chấn chia sẻ: “Tôi còn nhớ như in những năm tháng đầu tiên khi xảy ra vụ việc. Mẹ anh Chấn đi đâu cũng bị người ta kỳ thị, thậm chí cụ đi ăn cỗ cưới ở làng, mâm cơm đã có 5 người nhưng khi cụ được xếp vào bàn cho đủ mâm thì 5 người kia đứng dậy sang bàn khác và xì xào, con bà là kẻ hiếp dâm, giết người. Còn con cái ông Chấn không chịu được áp lực đã phải bỏ học, đi làm thuê kiếm tiền kêu oan cho cha. Tôi không phải là ruột thịt mà nghe thôi cũng ứa nước mắt. Vậy, thiệt hại đó, hoá đơn ở đâu?”.

Rồi bà Hải kể về tia hy vọng khi họ có được thông tin về hung thủ thật sự. Đó là một thanh niên cùng làng giờ đã lấy vợ và sinh sống tại Đắk Lắk. Thế là có bao nhiêu lúa, gạo trong nhà, bà Chiến lại bán hết và vay mượn thêm tiền mua 3 chiếc máy ghi âm, 3 chiếc máy quay mini để đi thu thập bằng chứng. Khi tìm được địa chỉ của nghi phạm Lý Nguyễn Chung, họ đã lặn lội vào tận Đắk Lắk, lần theo dấu chân kẻ ác. “Đó là một bản làng nghèo mà Lý Nguyễn Chung và vợ con đang sinh sống. Chung đi 5 tỉnh, thay hàng trăm số điện thoại khi gặp “biến” khiến chúng tôi cũng phải lặn lội đi theo. Chỉ khi tiếp cận được nơi ở của Chung và có những chứng cứ chắc chắn chứng tỏ Chung là thủ phạm, chúng tôi mới dám mang tài liệu đến trình báo cho cơ quan điều tra của VKSND Tối cao. Nhờ vậy mà vụ việc đã được sáng tỏ”.

Khi nghe đại diện tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đề nghị cung cấp các giấy tờ, vé tàu xe trong hành trình đi kêu oan cho chồng, bà Chiến ôm mặt khóc. Sợ vợ ngất, ông Chấn phải vội xoa lưng cho vợ để bà dễ thở hơn. Nghỉ ngơi một lát, bà Chiến thều thào nói: “Ngày đó, thấy chồng bị oan thì mình đi kêu oan thôi, đâu biết phải lưu lại giấy tờ, hóa đơn, chi phí như thế nào. Mỗi chuyến đi là mỗi lần vay nợ tiền rồi về lại “cầm cố” đồ vật trong nhà để lấy tiền trả. Chúng tôi mong tòa xét cho cái lý, cái tình”.

Gia đình ông Chấn cũng khẩn thiết đề nghị tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xem xét về thiệt thòi lớn và sự mất mát thực tế của gia đình trong suốt 10 năm để xem xét bồi thường chứ không thể cứng nhắc được. “Chúng tôi mong các anh một chữ tình. Tình người với người và tình người trong lúc thực thi nhiệm vụ để vận dụng những gì theo luật và những gì hợp lý ngoài văn bản quy định”, ông Hoạt nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết, hiện tại kinh tế gia đình ông đang ngày càng kiệt quệ vì số nợ quá lớn.

Có tiền bồi thường, bố mẹ sẽ “chuộc” con về

Theo bà Chiến, gia đình bà vẫn giữ nguyên yêu cầu bồi thường gần 10 tỉ đồng. Số tiền này không thể đánh giá là ít hay nhiều mà gia đình bà đã dựa trên những mất mát thực tế để đề nghị rõ ràng từng khoản một. Trong đó, ngoài các khoản tiền yêu cầu bồi thường theo luật định, ông Nguyễn Thanh Chấn còn yêu cầu bồi thường các khoản khác cho thiệt hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm và tinh thần của những người trong gia đình. ông Chấn cũng yêu cầu được bồi thường tổn hại sức khỏe; thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút; tài sản bị thu giữ; khoản thiệt hại khác như thuê luật sư bào chữa trong giai đoạn xét xử từ năm 2004 đến nay và các khoản chi phí tìm chứng cứ kêu oan, đi lại thăm nuôi ông trong tù 10 năm qua...

Việc ông Chấn bị tù oan, từ một người đàn ông khỏe mạnh sau 10 năm tù oan ông trở nên ốm yếu, run rẩy, trí nhớ không ổn định. Còn bà Chiến, vợ ông thì đổ bệnh sau thời gian dài chạy vạy đi kêu oan cho chồng. Những mất mát đó là quá rõ nhưng cũng chẳng giấy tờ nào ghi chép lại được...

Chia sẻ riêng với PV báo Đời sống và Pháp luật, bà Nguyễn Thị Chiến tâm sự: “Nhà tôi có bốn người con, hai trai, hai gái. Hồi bố nó bị công an bắt, đi đâu mấy đứa cũng bị bạn bè cười, khinh. Rồi chúng lần lượt bỏ học, li tán làm thuê kiếm tiền kêu oan cho cha. Hôm cưới Thu, con gái đầu lòng của vợ chồng tôi, cả làng hầu như chẳng ai đến dự vì khinh thường bố nó đi tù vì tội hiếp dâm, giết người. Tội nhất là con Quyền (SN 1984) cứ khóc bảo thương bố rồi xin nghỉ học đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan hai năm. Hết hợp đồng, Quyền không về nước mà ở lại lao động “chui” để có tiền gửi về cho mẹ đi kêu oan cho bố. Cứ thế, nó làm được một đồng thì vay bạn bè thêm một đồng gửi về nhà. Giờ bố được minh oan nhưng nó vẫn chưa được về nhà đoàn tụ vì chưa trả hết nợ. Nghĩ đến lại ứa nước mắt vì thương con, Quyền cũng chưa tính chuyện chồng con gì”.

“Hôm nọ, tôi điện thoại cho Quyền, bảo tới đây khi nào Nhà nước bồi thường cho bố sau 10 năm tù oan, bố mẹ sẽ có tiền gửi sang để con trả nợ và nộp phạt cho người ta vì lao động “chui”, bởi Quyền bảo tổng các khoản cũng phải mất gần 100 triệu đồng nó mới được về nhà. Chúng tôi thương con lắm nhưng cũng đành chờ đợi Tòa sớm giải quyết bồi thường thì mình mới có tiền “chuộc” con về”, bà Chấn nói trong nước mắt.

“Bộ ba phá án”

Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn; ông Thân Ngọc Hoạt và bà Thân Thị Hải được người dân ví như “bộ ba phá án” vì trong suốt 10 năm trời đi khắp nơi thu thập công lý kêu oan cho ông Chấn. Họ đã thay cơ quan điều tra đi thu thập tài liệu từ những ngõ hẻm của Tây Nguyên, nơi Lý Nguyễn Chung lẩn trốn đến lật lại hồ sơ, thuật lại hành trình gây án, trốn chạy của hung thủ để kẻ ác phải chịu sự trừng phạt của pháp luật và những người thực thi pháp luật cố tình làm sai sẽ bị xử lý.

Tin nổi bật