Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chính phủ kiến tạo phát triển: "Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất”

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Nền tảng quan trọng nhất để xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân...

(ĐSPL) – “Nền tảng quan trọng nhất để xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân là xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và sát với thực tiễn và thực thi pháp luật nghiêm minh” – Đó là nhận định của Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông về nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển.

Tại Hội nghị cải cách hành chính diễn ra vào tháng 7 năm 2016 vừa qua, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển.

Nghị quyết số 100/NQ-CP, ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về “Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021” cũng xác định “Xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ…với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển”.

Phóng viên có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Cuông - Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII (Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa) về Chính phủ kiến tạo phát triển – Thông điệp mới của Chính phủ nhiệm kỳ mới đang được dư luận quan tâm, đồng tình, ủng hộ.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông. Nguồn: Quốc hội.vn

PV: Cần hiểu nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” như thế nào cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 100/NQ-CP?

Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông: Chính phủ kiến tạo phát triển là Chính phủ không chỉ quản lý tốt lĩnh vực về con người và xã hội như lâu nay mà còn là Chính phủ phải phục vụ Nhân dân, phục vụ Doanh nghiệp. Chính phủ mới, Chính phủ Khóa XIV thay đổi tư duy Chính phủ kiến tạo phát triển theo tinh thần của Nghị quyết 100/NQ-CP, lấy Nhân dân, Doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh phát triển, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật kỷ cương chấp hành pháp luật, chấp hành hiệu lực hiệu quả trong hoạt động. Đó là nguyên tắc, tinh thần của Nghị quyết 100. Điều đó thể hiện bản chất căn bản của Chính phủ kiến tạo và phát triển là lấy Nhân dân, Doanh nghiệp làm đối tượng quản lý và phục vụ, không phải chỉ là đối tượng quản lý như trước đây. Tức là, bên cạnh chức năng quản lý Nhà nước, Chính phủ và chính quyền các cấp có thêm chức năng phục vụ.

Quản lý Nhà nước là sử dụng các công cụ pháp luật để quản lý người dân và Doanh nghiệp theo ý chí của Bộ máy Nhà nước đã đặt ra. Lấy Nhân dân và Doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ có nghĩa là bộ máy Nhà nước phải sử dụng  công cụ pháp luật với những cơ chế chính sách phù hợp được lòng dân, được lòng Doanh nghiệp, phù hợp với cuộc sống của người dân để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân phát huy quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức để phát triển sản xuất kinh doanh phát triển đất nước làm sao huy động được tối đa trí lực, vật lực, nhân lực, tài lực của toàn xã hội cho phát triển của đất nước. Muốn vậy, phải tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách để quản lý và phục vụ người dân, phục vụ Doanh nghiệp, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp để xử lý các vấn đề bức xúc của Nhân dân và của Doanh nghiệp, cụ thể như các vấn đề ý kiến kiến nghị của cử tri, Doanh nghiệp hoặc kiến nghị của Đại biểu Quốc hội là những người đại diện cho dân đặt ra trước diễn đàn Quốc hội.

Chính phủ phải nghiên cứu tiếp thu và trả lời cũng như tổ chức thực hiện một cách triệt để, kịp thời. Cần phải tăng cường cải cách hành chính để tháo gỡ những rào cản lâu nay đối với người dân và Doanh nghiệp. Cần bãi bỏ các thủ tục hành chính lạc hậu, nhất là những giấy phép con gây trở ngại cho phát triển, cho đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân. Đồng thời, xây dựng Bộ máy trong sạch vững mạnh trên cơ sở tinh gọn đầu mối, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực công tác và có tinh thần trách nhiệm cao và có tính chuyên nghiệp cao thì mới có điều kiện để thực hiện tốt chức năng quản lý và phục vụ Nhân dân, phục vụ Doanh nghiệp.

PV: Nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển có quan hệ như thế nào với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân?

Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông: Trong những năm qua, chúng ta tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nhà nước quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật nên từ Quốc hội Khóa IX đến nay tập trung xây dựng rất nhiều các dự án luật. Nhất là sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, Quốc hội đã đẩy mạnh công tác làm luật để phục vụ cho kinh tế thế giới . Tuy nhiên về chất lượng luật còn nhiều bất cập hạn chế, như hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, luật khung, luật chuyên ngành còn chồng chéo, khung luật “rỗng” nhiều nên phải chờ văn bản hướng dẫn mới thực hiện được dẫn đến hệ quả là luật chậm đi vào cuộc sống. Nhiều nội dung của luật không sát thực tế nên tuổi thọ của luật ngắn, mặt khác chính sách của luật thường thiếu cụ thể thiếu nhất quán và minh bạch và cũng không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Giữa nội dung luật và nội dung văn bản hướng dẫn đôi khi lại không thống nhất. Luật pháp nặng về quản lý người dân và Doanh nghiệp, nhưng quản lý Nhà nước pháp luật lại nêu rất chung chung, không cụ thể đến nhiệm vụ của từng cấp từng ngành, đặc biệt là ít đề cập đến các chế tài. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thì còn nhiều hạn chế. Tình trạng thực thi pháp luật của xã hội chưa nghiêm. Tình trạng bao che, ngại va chạm trong quản lý Nhà nước dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí rất nặng nề. Trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu chưa được đề cao, khi mà vi phạm thường đổ lỗi cho tập thể. 

Bắt đầu từ nhiệm kỳ Khóa XIV, Chính phủ mới có ý tưởng xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính cho nên vấn đề đặt ra là tiếp tục hoàn thiện thể chế hệ thống pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, công khai minh bạch. Nếu không thực hiện tốt vấn đề công khai minh bạch sẽ dẫn đến lơi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí . Vấn đề công khai minh bạch là vấn đề cần thiết để đảm bảo tính hiệu quả của các dự án luật. Có công khai minh bạch mới ngăn chặn được cơ chế xin cho – là cơ sở của tham nhũng tiêu cực và lợi ích nhóm. Phải gắn kết giữa công tác xây dựng luật và tổ chức thi hành luật.

Tổng bí thư cũng đã nêu rõ “Nhốt quyền lực vào cái thùng của pháp luật”. Pháp luật là thiết chế để quản lý quyền lực, đặc biệt là đối với người đứng đầu. Có như vậy, mới đáp ứng được nguyên tắc Chính phủ kiến tạo mà Chính phủ đã đề ra.

Như vậy, nền tảng quan trọng nhất để xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân là xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và sát với thực tiễn và thực thi pháp luật nghiêm minh.

PV: Làm thế nào để nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển thực sự đi vào thực tiễn trong thời gian tới?

Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông: Vấn đề này đã có ít nhiều đề cập ở hai phần trên. Để nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển thực sự đi vào thực tiễn trong thời gian tới thì điều đầu tiên, phải tinh giảm bộ máy. Bộ máy phải gọn nhẹ, tinh thông, chú trọng vào công tác tuyển chọn nhân sự.

Thứ hai, Phải quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn cho cá nhân, tổ chức trong bộ máy một cách minh bạch. Đề cao vai trò của cá nhân, vai trò của người đứng đầu. Theo tôi cán bộ nói chung, người đứng đầu nói riêng có vai trò quan trọng trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, đội ngũ công viên chức phải có tinh thần trách nhiệm cao, phải có phẩm chất, đạo đức tốt, phải có nghiệp vụ chuyên sâu, chuyên nghiệp, và phải có kinh nghiệm trong thực tiễn. Người đứng đầu nên là người trưởng thành từ phong trào quần chúng, từ cơ sở, nắm được thực tiễn.  Người không có kinh nghiệm trở than người đứng đầu trong thực tế sẽ dẫn tới tình trạng quan liêu, giáo điều, thiếu thực tế.

Hiện nay vấn đề phối hợp giữa các cơ quan ban ngành với nhau còn lỏng lẻo, chưa đồng bộ. Cho nên, một số vấn đề chưa được xử lý kịp thời, nhất quán, Chính phủ kiến tạo phát triển phải khắc phục được vấn đề đó.

Cần đẩy mạnh các cải cách hành chính, thủ tục hành chính không hợp lòng dân, không sát thực tế, gây phiền hà, tạo điều kiện cho các các bộ vòi vĩnh nhũng nhiễu, làm khó cho người dân. Cần triển khai các quy định, các thiết chế mới, đảm bảo tính phục vụ cho người dân, cho doanh nghiệp.

PV: Xin cám ơn ông./.

Tin nổi bật